Cử tri xã Âu Lâu đồng thuận bỏ phiếu tán thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Chủ động triển khai
Nghị quyết số 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện và cấp xã và Kết luận số 48 ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 đã xác lập lộ trình, nguyên tắc cụ thể cho việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, nghị quyết Trung ương 11 khóa XIII đã thống nhất chủ trương tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Mục tiêu là xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm ngân sách, mở rộng không gian phát triển và tăng cường phục vụ nhân dân.
Đây được xem là cuộc cải cách lớn nhất kể từ sau công cuộc đổi mới, thể hiện tư duy chiến lược của Đảng trong cải cách nền hành chính quốc gia. Với tinh thần đó, thành phố Yên Bái đã chủ động quán triệt và triển khai đồng bộ các bước chuẩn bị; thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành kế hoạch cụ thể, tổ chức lấy ý kiến nhân dân, đánh giá tác động và xây dựng phương án phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương.
Đến tháng 4/2025, thành phố đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri ở 14/14 xã, phường với tỷ lệ đồng thuận cao, nhiều địa phương đạt 100%. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức kỳ họp HĐND các cấp, thông qua chủ trương sắp xếp và hoàn thiện hành lang pháp lý cho đề án.
Theo phương án đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua tại Hội nghị lần thứ 30 (tháng 4/2025), thành phố Yên Bái sẽ sáp nhập toàn bộ 14 ĐVHC cấp xã hiện có cùng 3 xã thuộc huyện Trấn Yên và Yên Bình thành 4 phường mới: Yên Bái, Văn Phú, Nam Cường và Âu Lâu.
Như vậy, sau sắp xếp, thành phố Yên Bái không còn đơn vị hành chính nào mang tên "xã”, hoàn toàn đô thị hóa, phù hợp với định hướng phát triển đô thị thông minh, hiện đại. Việc sắp xếp giúp thành phố giảm từ 17 xuống còn 4 ĐVHC cấp xã, đạt tỷ lệ tinh giản khoảng 76,5%. Các phường mới thành lập đều có quy mô dân số, diện tích đạt tiêu chuẩn, đủ khả năng vận hành bộ máy hành chính hiện đại, hiệu quả.
Thành công trong vận động, tuyên truyền
Một điểm sáng nổi bật trong quá trình sắp xếp ĐVHC của thành phố Yên Bái là sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận và tham gia tích cực của nhân dân. Ngay từ khâu chuẩn bị, thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri một cách công khai, minh bạch, dân chủ.
Công tác tuyên truyền được triển khai linh hoạt qua nhiều kênh: họp thôn, tổ dân phố, tiếp xúc cử tri, mạng xã hội, truyền thông đại chúng… nhằm đảm bảo người dân hiểu đúng, hiểu đủ và cùng đồng hành. Ngày 24/4, toàn bộ các thôn, tổ dân phố trên địa bàn đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình.
Các phường như: Nam Cường, Minh Tân, Đồng Tâm, Nguyễn Thái Học… đều đạt tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhân dân, đồng thời là minh chứng cho sự thành công trong công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức thực hiện.
Ông Nguyễn Kim Thành – người dân phường Nam Cường bày tỏ: "Đây là chủ trương lớn, đúng đắn, cần thiết. Sáp nhập để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý là điều nhân dân mong đợi từ lâu. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Không chỉ nhân dân, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng gương mẫu, đi đầu. Các tổ công tác, tổ lấy ý kiến tại cơ sở được thành lập và phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo quá trình lấy ý kiến diễn ra dân chủ, chính xác, đầy đủ.
Cán bộ và người dân phường Nam Cường nghiên cứu các văn bản, hướng dẫn về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Cơ hội mở không gian phát triển
Không thể phủ nhận rằng việc sáp nhập, sắp xếp lại địa giới hành chính sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định, đặc biệt về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, tâm lý cán bộ, công chức. Tuy nhiên, nếu nhìn xa, đây chính là cơ hội để thành phố tổ chức lại hệ thống chính quyền địa phương theo hướng hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn. Việc giảm số lượng ĐVHC giúp tiết kiệm chi phí thường xuyên, tập trung nguồn lực đầu tư vào hạ tầng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Không gian phát triển được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư.
Việc nâng cấp nhiều xã thành phường không chỉ phản ánh đúng thực tiễn đô thị hóa mà còn mở ra cơ hội quản lý và khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt trong quy hoạch và xây dựng đô thị thông minh. Đây cũng là dịp để đổi mới tư duy quản lý, bố trí lại đội ngũ cán bộ theo hướng tinh hoa, chọn người đủ tâm, đủ tầm, loại bỏ tư tưởng nhiệm kỳ, cục bộ địa phương.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri gần đây tại thành phố Yên Bái, đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: "Toàn bộ quá trình sắp xếp được tiến hành một cách công khai, dân chủ, thận trọng và mang tính nhân văn cao”.
Các chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư, bố trí trụ sở, điều chuyển nhân lực… đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo quyền lợi của cán bộ và người dân. Thành phố cũng giữ lại tên gọi truyền thống "Yên Bái” cho một phường sau sáp nhập, nhằm bảo tồn bản sắc, duy trì ký ức cộng đồng và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Song song đó là công tác khảo sát hiện trạng, bố trí lại trụ sở hành chính hợp lý, đảm bảo thuận tiện cho người dân trong giao dịch; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Việc lấy ý kiến được tổ chức nghiêm túc, khoa học.
Mỗi lá phiếu cử tri là biểu hiện sinh động của niềm tin, tinh thần trách nhiệm với công cuộc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của quá trình sắp xếp, điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì và nâng cao vai trò giám sát của người dân trong tổ chức, vận hành bộ máy mới.
Sau sáp nhập, việc tổ chức lại hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các chi bộ, tổ chức đoàn thể tại các phường mới cần được tiến hành khẩn trương, đồng bộ, tránh khoảng trống lãnh đạo, quản lý. Đồng thời, phải chú trọng đến yếu tố con người - đặc biệt là công tác tư tưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Cần phát huy tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ trong giai đoạn chuyển tiếp, tránh tư tưởng cục bộ, trì trệ hoặc tâm lý bị động.
Đây cũng là dịp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Việc tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính tại các phường mới sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các phường trở thành đô thị thông minh, hiện đại, văn minh và đáng sống.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp xã tại thành phố Yên Bái nói riêng, của tỉnh nói chung không chỉ là sự điều chỉnh địa giới mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong tổ chức bộ máy và phương thức quản trị nhà nước. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời tạo tiền đề cho phát triển bền vững lâu dài.
Cùng với sắp xếp cấp xã, việc hợp nhất cấp tỉnh giữa Yên Bái và Lào Cai (mang tên tỉnh Lào Cai) cũng nhận được sự đồng tình cao. Người dân cho rằng đây không chỉ là sự kết nối địa lý mà còn là sự hội tụ tiềm lực, tạo không gian phát triển mang tính vùng, liên kết cao, giúp phát huy lợi thế, thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, giao thương, du lịch.
Đồng thời, khẳng định bước chuyển mình mạnh mẽ trên bản đồ hành chính quốc gia, thể hiện tư duy cải cách quyết liệt, thực tiễn của Đảng, Nhà nước. Nhân dân thành phố kỳ vọng hợp nhất sẽ tạo ra một chính quyền tinh gọn, chuyên nghiệp, song vẫn giữ được bản sắc và giá trị truyền thống của địa phương.
Hồng Oanh