Dòng tiền chảy vào chứng khoán

Dòng tiền chảy vào chứng khoán
18 giờ trướcBài gốc
Gần đây, dòng tiền lan tỏa và luân chuyển ở nhiều nhóm ngành
Kích hoạt dòng tiền
Cả gia đình là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, 4 thành viên trong gia đình chị T (Hà Nội) mỗi người có tài khoản đầu tư độc lập với nhau. Năm ngoái, tài khoản của chị T dành 80% tỷ trọng mua cổ phiếu ngân hàng, 20% các mã ngành khác. Tuy nhiên, đợt sụt giảm của thị trường từ tháng 9 đến cuối năm 2024 khiến gia đình chị gần như không giao dịch. Đến trước Tết nguyên đán vừa qua, một số cổ phiếu trong danh sách chị theo dõi thuộc nhóm đầu tư công đã về vùng giá hấp dẫn nên mọi người quyết định xuống tiền. Trong đó, lượng mua nhiều nhất tập trung ở cổ phiếu VCG, quanh vùng giá 18x. Chị và con trai đã mua hết tiền thịt, hiện vẫn còn lực mua do chưa sử dụng giao dịch ký quỹ (margin).
Phong cách của gia đình này là cầm cổ phiếu hết sóng, hết chu kỳ nếu xác định đây là những mã tiềm năng và thường gia tăng tỷ trọng khi cổ phiếu chứng minh được lựa chọn của họ là đúng. Ví dụ, cổ phiếu CTG, họ mua ở vùng giá 22 - 23x, hiện lên tới 40x vẫn chưa bán ra.
VN-Index tuần qua đạt mức cao nhất trong 4 tháng trở lại đây, số lượng cổ phiếu khớp lệnh từng phiên tăng gần gấp đôi so với tháng cuối năm 2024, từ mức 400 triệu cổ phiếu lên khoảng 700 triệu cổ phiếu.
Dòng tiền đổ vào thị trường đã cải thiện rõ rệt so với trước, đạt trung bình 16.000 - 17.000 tỷ đồng trên HOSE mỗi phiên. Dù vậy, bối cảnh kinh tế vĩ mô và hoạt động doanh nghiệp vẫn có không ít khó khăn, các yếu tố tác động đến chính sách tiền tệ nới lỏng còn nhiều ẩn số, kênh chứng khoán ít đem lại hiệu suất cho nhà đầu tư năm 2024 khiến nhiều người còn e ngại với kênh đầu tư này.
Quan sát dòng tiền từ sau Tết đến nay, đại diện Công ty DATX Việt Nam nhận xét: “Tiền của tổ chức trong nước phần nào dẫn dắt ở một số mã, tiền cá nhân còn nghe ngóng”.
Với góc nhìn của chị T, dòng tiền lan tỏa và luân chuyển ở nhiều nhóm ngành hơn so với năm 2024, đó là tín hiệu tích cực. Ở một số nhóm cổ phiếu nhỏ như than, xi măng đã có sóng cho thấy, tiền “to” chảy mạnh hơn để dẫn dắt, tìm kiếm cơ hội đầu tư và kiếm lợi, quay vòng nhanh.
Tiền cũng chạy theo dòng, theo nhóm. Ở nhóm cổ phiếu họ Gelex, vốn được đánh giá nhạy đầu cơ đã có mức tăng ấn tượng ở nhiều mã, đủ kích thích lòng tham của nhà đầu tư cá nhân. Ví dụ, mã GEE đã tăng 100%, mã VGC tăng 50% từ đáy, mã GEX và VIX đều tăng hơn 10% với thanh khoản gấp 2 - 3 lần so với trước sóng.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền tham gia vào thị trường chứng khoán bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Thanh khoản một số phiên gần đây tăng đáng kể so với các phiên đầu năm 2025. Sự tăng giá của thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng có yếu tố cơ bản tốt và nhóm công ty có lượng cổ phiếu lưu hành nhỏ. Một số đợt bán diễn ra khá mạnh, nhưng thị trường tỏ ra đủ tốt để hấp thụ hết lượng cung và giá không giảm quá sâu. Sau đó, thị trường nhanh chóng phục hồi.
“Hiện tại, VN-Index đang tiếp cận ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, ngưỡng mà suốt 2 năm qua, thị trường chưa thực sự vượt qua được. Năm 2025, chúng tôi tin rằng, VN-Index sẽ vượt qua được ngưỡng tâm lý này trong quý II, sau quá trình tiếp tục tích lũy trong quý I”, ông Hạnh nói.
Theo ông Hạnh, thời gian tới, dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán có thể được bổ sung từ các cán bộ được nhận tiền từ chính sách tinh gọn bộ máy. Dòng tiền này được ví như chính sách “helicopter money”, chính sách bơm tiền mạnh mẽ mà ông Ben Bernanke thực hiện ở Mỹ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 (ông Bernanke khi đó là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed). Dòng tiền được bơm ra ồ ạt trong thời gian ngắn hứa hẹn sẽ làm nhiều loại tài sản tài chính bùng nổ như bất động sản, chứng khoán, tiền ảo…, vì người lao động ra ngoài với một khoản tiền trong tay sẽ phải tìm cách đem đi đầu tư nhằm ổn định tài chính trong bối cảnh chờ việc làm mới cũng như sự thiếu ổn định của thu nhập từ lương trong tương lai.
Các kênh đầu tư chính dự kiến thu hút dòng tiền này là tiền gửi ngân hàng, vàng vật chất, bất động sản (đặc biệt các khu vực ngoài Hà Nội, nơi mà giá bất động sản giai đoạn vừa qua chưa tăng mạnh), các tài sản tài chính như cổ phiếu và có thể cả tiền điện tử.
Dòng tiền thứ hai có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán là dòng tiền từ việc kích thích đầu tư công. Dòng tiền này được bơm ra cho các công ty triển khai dự án, thi công dự án, tạo nhiều công ăn việc làm và lợi nhuận. Các công ty này thường sử dụng lợi nhuận thu được tái đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nên thời gian tới có thể kích thích thị trường đi lên, nhất là lĩnh vực bất động sản dân cư, qua đó tạo hiệu ứng tốt cho kênh chứng khoán, vốn có nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết.
Thêm một lý do tích cực cho dòng tiền là vào tháng 9/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE. Điều này có thể giúp ngăn chặn đà bán mạnh của nhà đầu tư nước ngoài suốt hơn một năm qua và đảo ngược xu hướng từ bán ròng sang mua ròng vào nửa cuối năm 2025, với kỳ vọng dòng tiền tham gia vào thị trường Việt Nam ước tính đạt 1 - 5 tỷ USD trong quá trình trước và sau khi được nâng hạng.
“Với vai trò nhà tư vấn đầu tư, chúng tôi đánh giá, hiệu ứng dòng tiền này sẽ rất mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025 và đầu năm 2026. Một phần vì sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp chưa thể thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia trở lại, còn tiền gửi tiết kiệm có lãi suất đang ở vùng thấp nên cũng thiếu hấp dẫn. Bất động sản ở Hà Nội đã có mức tăng giá xấp xỉ 100% trong năm qua, rất khó cho nhà đầu tư dám ra quyết định mua quyết liệt. Kênh đầu tư cổ phiếu, vàng vật chất đang nổi lên là 2 kênh rất tốt với những nhà đầu tư có lượng tiền mặt ở mức trung bình và thấp. Những người có lượng tiền mặt lớn cho hoạt động đầu tư có thể ưa thích việc mua bất động sản ở các khu vực giá chưa tăng nhiều như TP.HCM và một số tỉnh, thành phố lớn khác. Trong việc phân bổ đầu tư, chúng tôi đánh giá cao việc phân bổ tiền với tỷ trọng lớn vào cổ phiếu trong năm 2025 và nửa đầu năm 2026”, vị chuyên gia SHS chia sẻ.
Không chỉ có dòng tiền mới chảy vào thị trường chứng khoán, mà nhiều nhà đầu tư có thể tiếp tục sử dụng đòn bẩy từ nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin). Dư nợ margin tính đến cuối quý IV/2024 đạt gần 248.800 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm 2024 và duy trì ở mức cao trong 8 quý liên tiếp.
Liên quan đến dòng tiền, ông Ngô Quốc Hưng, Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB cho biết, theo quy luật mùa vụ đầu năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng hiện chưa tăng nhanh, nhưng đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tín dụng tháng 1/2025 tăng trưởng, trong khi cùng kỳ năm ngoái giảm 0,6%. Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá hạ nhiệt trong tháng đầu năm 2025 nhờ đồng USD điều chỉnh. Lãi suất huy động nhìn chung ổn định, còn lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao vừa phải do áp lực thanh khoản khi nhu cầu tiêu chi tiêu của người dân và doanh nghiệp cũng như lượng kiều hối gia tăng trong dịp Tết.
Với sự điều hành chủ động và quyết liệt của Chính phủ, nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được triển khai, hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 1/2025 đạt kết quả khả quan và trong xu hướng tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho một năm được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế.
Trên sàn chứng khoán, áp lực đối với dòng tiền trong nước phần lớn đến từ hoạt động bán ròng của khối ngoại. Sau năm 2024 bán ròng kỷ lục 93.000 tỷ đồng, thì 2 tháng đầu năm 2025, khối này bán ròng thêm 13.500 tỷ đồng. Ở bên ngoài, các tác động từ thuế quan, lạm phát tại Mỹ vẫn dai dẳng khiến Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất có thể ảnh hưởng đến dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường có dấu hiệu tạo đáy trong tháng 1/2025 và được cải thiện trong tháng 2, nhưng vẫn ở mức thấp. Cụ thể, thanh khoản kể từ đầu tháng 2 tăng gần 29% so với tháng 1, đạt 16.500 tỷ đồng/phiên, nhưng thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế từ đầu năm 2025 đến nay, thanh khoản toàn thị trường đạt 14.680 tỷ đồng/phiên, giảm 30,4% so với mức bình quân của năm 2024.
Hiện tại, trong các nhóm cổ phiếu mang tính chất dẫn dắt thị trường, nổi bật là đầu tư công và ngân hàng.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Finpeace cho rằng, đặc thù trong giai đoạn 3 tháng qua là sự phân hóa của một số dòng cổ phiếu đã tăng mạnh hơn so với thị trường chung, đặc biệt một số mã đã và đang chinh phục các mức đỉnh lịch sử. Do đó, việc công ty chứng khoán phải xem xét nới giá chặn cho vay trên một số trường hợp cụ thể là hợp lý. Tuy nhiên, nếu xét về lượng người quan tâm giao dịch, thì thị trường mới chỉ chớm lôi kéo được sự quan tâm của số đông. Phần lớn các giao dịch trong 3 - 9 tháng trước đều là giao dịch tại các tài khoản lớn, bao gồm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Hiệu ứng nạp thêm tiền để mua chưa xuất hiện đồng loạt.
Một thông tin quan trọng được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, một trong những yếu tố được kỳ vọng là tín dụng sẽ được bơm mạnh ra nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng là yếu tố nền tảng cho thị trường chứng khoán trong dài hạn. Đầu tư công cũng là một trong những yếu tố quan trọng với nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Ngay từ đầu năm 2025, các cơ quan quản lý đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc thúc đẩy đầu tư công, sẽ kéo theo các nhóm ngành liên quan phát triển. Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán có khả năng cao trở thành hiện thực trong năm nay. Những yếu tố này đang góp phần thúc đẩy dòng tiền tự tin chảy vào thị trường nhiều hơn.
Năm 2025, thị trường chứng khoán có thể có những giai đoạn định giá lại giá trị cổ phiếu trên cơ sở lạm phát, khiến giá của nhiều loại tài sản tăng bất cân xứng. Giá trị nội tại của một số nhóm doanh nghiệp dự kiến có sự tăng mạnh mà không cần có yếu tố cung cầu giao dịch cổ phiếu tương tự. Trong khi đó, yếu tố rủi ro lớn nhất vẫn là từ bên ngoài, với nguy cơ về chiến tranh thương mại và sự mạnh lên của đồng USD. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro bên ngoài đang tạm lắng trong ngắn hạn và thị trường chứng khoán Mỹ thiết lập đỉnh mới, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.
Ở góc nhìn từ dòng tiền vào thị trường chứng khoán, dòng tiền chủ yếu sôi động khi VN-Index biến động mạnh.
“Biến động hơn một năm qua đang tiếp tục suy giảm, khiến nhà đầu cơ khó thu lợi trong giao dịch ngắn hạn. Dự kiến, thị trường sẽ thu hút được dòng tiền đầu cơ khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.305 điểm”, ông Tuấn Anh nói.
Ông Thái Khắc Đức, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, việc nới giá chặn cho vay của các công ty chứng khoán đang phục vụ nhiều vào mục đích kích thích thanh khoản chung cho thị trường, trong bối cảnh nhiều mã cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ trong năm 2024 không đạt lợi nhuận kỳ vọng và sự tăng trưởng của các kênh đầu tư cạnh tranh như bất động sản, vàng có nhiều pha bứt phá khiến dòng tiền ít mặn mà với chứng khoán hơn. Việc nâng các giá chặn cho vay cũng như hạ tỷ lệ ký quỹ sẽ kích thích thanh khoản thị trường và nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp tăng điểm ngắn hạn để mua thêm cổ phiếu mục tiêu.
Hai nhóm cổ phiếu đáng chú ý
Hiện tại, các nhóm cổ phiếu mang tính chất dẫn dắt thị trường nổi bật là đầu tư công và ngân hàng, khi các chính sách phát triển kinh tế trong năm 2025 đều liên quan trực tiếp đến hai nhóm ngành này. Cơ cấu chuyển dịch của các dòng vốn FDI đang vô cùng cấp thiết và dồi dào, nên việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu.
Ông Tuấn Anh cho rằng, nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt và giá ở mức cao so với lịch sử như ngân hàng tiếp tục là điểm đến của dòng tiền lớn. Có hai lý do chính: một là, nhà đầu tư có thể giải ngân số tiền lớn mà không phải lo lắng về tính thanh khoản của cổ phiếu; hai là, chỉ số tài chính, định giá đều ở mức hợp lý, tương đối hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn.
Theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Nghiên cứu đầu tư FIDT, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang thu hút dòng tiền. Nhìn lại diễn biến thị trường trong 1 - 2 tuần qua, khi nhóm VN30 gần như đi ngang thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có sự bứt phá. Thực tế, trong vòng nửa năm qua, nhóm này gần như không có sóng và khi nhóm cổ phiếu lớn vẫn gặp áp lực, dòng tiền đã tìm đến “đãi cát tìm vàng”.
Trong bối cảnh hiện tại, có thể chia các cổ phiếu thành 2 nhóm. Nhóm 1 ít chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như thuế quan, tỷ giá là nhóm dựa trên các yếu tố nội lực và có thể được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng. Nhóm 2 là các cổ phiếu còn lại, chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài.
Nhóm 1 bao gồm ngân hàng, bất động sản công nghiệp, đầu tư công, bảo hiểm và các cổ phiếu được hưởng lợi từ giá hàng hóa tăng như khoáng sản, cao su tự nhiên, sản xuất đường, phân bón vẫn đang thu hút được sự quan tâm của dòng tiền.
Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Kim Group
Năm 2024, áp lực tỷ giá khiến nhà đầu tư lo ngại sẽ dẫn đến có sự thay đổi trong điều hành lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước, từ đó khiến dòng tiền e ngại làm cho thanh khoản trên thị trường chứng khoán có nhiều phiên ở mức thấp.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm 2025, nhà đầu tư có thể thấy được sự quyết tâm của Chính phủ, đó là phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, tạo điều kiện thuận lợi để từ năm 2026 tăng trưởng kinh tế đạt mức hai con số. Mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng được nới lên mức 4,5 - 5%. Các chỉ tiêu này sẽ kéo theo một loạt động thái về chính sách từ Ngân hàng Nhà nước như chấp nhận tỷ giá biến động hơn, cung tiền phải mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng phải cao hơn năm 2024 và lãi suất điều hành tiếp tục giữ ổn định để nền kinh tế có thể hấp thụ vốn nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng. Đây là những nền tảng quan trọng và thuận lợi để thị trường chứng khoán tăng trưởng trong thời gian tới.
Mặc dù vẫn còn những lo ngại từ việc tỷ giá neo cao cũng như tác động chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng tôi tin rằng, dòng tiền sẽ tự tin chảy vào thị trường chứng khoán nhiều hơn trong năm 2025.
Hiện tại, qua quan sát diễn biến thị trường, cổ phiếu nhóm đầu tư công đang hút dòng tiền khá mạnh như VCG, HHV, HT1, LCG… Điều này là hợp lý, vì năm nay, Chính phủ tập trung đẩy mạnh đầu tư công để đạt kế hoạch đã đề ra trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhóm ngân hàng cũng thu hút dòng tiền, với một số cổ phiếu tiêu biểu như CTG, TCB, STB, TPB… Mặc dù nhóm ngân hàng đã trải qua một năm thành công, nhưng còn tiềm năng tăng giá do định giá vẫn rẻ. Bên cạnh đó, kỳ vọng vào việc tín dụng tiêu dùng phục hồi giúp một số cổ phiếu ngân hàng bán lẻ thu hút được dòng tiền. Không ít nhóm cổ phiếu khác đang được nhà đầu tư quan tâm hơn sau khi trải qua thời gian điều chỉnh tích lũy kéo dài như chứng khoán, bất động sản, bán lẻ.
Hoàng Anh - Anh Việt
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-tien-chay-vao-chung-khoan-post363979.html