Các văn phòng gia đình và cố vấn tài chính cho giới siêu giàu cho biết đang giảm tỷ trọng đầu tư hoặc tạm dừng rót vốn vào Mỹ, chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu kho bạc. Ảnh: Reuters.
Theo Bloomberg, giới siêu giàu châu Á đang tích cực tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên thu hẹp tỷ trọng tài sản tại Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác trong khu vực. Nguyên nhân là lo ngại về những bất ổn do các chính sách thương mại mới dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Theo một văn phòng quản lý tài sản cho các tỷ phú Trung Quốc, văn phòng này đã hoàn tất việc rút toàn bộ vốn khỏi Mỹ và có kế hoạch chuyển số tiền này về châu Á.
Lãnh đạo cấp cao tại một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất châu Âu nhận định làn sóng bán tháo tài sản Mỹ từ các khách hàng giàu có trên toàn cầu là "chưa từng có" trong 3 thập kỷ qua. Vị này cảnh báo đây có thể là khởi đầu cho một xu hướng dịch chuyển dài hạn.
Đáng chú ý, một giám đốc ngân hàng hàng đầu tại châu Á cho biết đã cắt giảm tới 60% danh mục đầu tư vào Mỹ, ưu tiên nắm giữ tiền mặt và vàng như những kênh trú ẩn an toàn.
Lo ngại bất ổn gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế
Bloomberg đã phỏng vấn khoảng 10 văn phòng gia đình và cố vấn tài chính cho giới siêu giàu. Những người này quản lý khối tài sản trị giá hàng tỷ USD. Họ cho biết đang giảm tỷ trọng đầu tư hoặc tạm dừng rót vốn vào Mỹ, chủ yếu là cổ phiếu và trái phiếu kho bạc.
Nguyên nhân được đưa ra là những thay đổi chính sách khó lường, sự bất ổn gia tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế tại xứ cờ hoa.
"Lần đầu tiên, một số gia đình siêu giàu đang nghiêm túc cân nhắc việc thoái vốn một phần khỏi các tài sản ở Mỹ", Bloomberg dẫn lời ông Henry Hau, Giám đốc điều hành của Infinity Family Office (có trụ sở tại Hong Kong), chia sẻ.
Những gia đình này đã vượt qua "bong bóng dot-com", cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 mà vẫn duy trì niềm tin vào tài sản của Mỹ. Nhưng giờ đây, họ đang tìm cách phân bổ lại 20%-30% danh mục đầu tư tại Mỹ sang Trung Quốc và châu Âu
Ông Henry Hau, Giám đốc điều hành của Infinity Family Office
"Những gia đình này đã vượt qua bong bóng dot-com, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 mà vẫn duy trì niềm tin vào tài sản của Mỹ. Nhưng giờ đây, họ đang tìm cách phân bổ lại 20-30% danh mục đầu tư tại Mỹ sang Trung Quốc và châu Âu”, vị chuyên gia chia sẻ.
Sự thay đổi này diễn ra chóng vánh so với chỉ vài tháng trước, khi nhiều nhân vật thuộc giới tinh hoa châu Á còn hoan nghênh chiến thắng của ông Trump. Thái độ tích cực này đã kéo theo đà tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng và các công ty công nghệ lớn tại Mỹ.
Theo Bloomberg, Hong Kong và Trung Quốc đại lục được xem là những khu vực hưởng lợi từ dòng vốn rút ra khỏi Mỹ. Chỉ số Hang Seng của sàn chứng khoán Hong Kong đã tăng hơn 13% trong năm nay, trong khi chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm khoảng 3%.
Ông Clifford Ng, quản lý tại Công ty luật Zhong Lun (có trụ sở ở Hong Kong), chuyên tư vấn cho giới siêu giàu, nhận định: "Những khách hàng giàu có đang cắt giảm, hoặc đánh giá lại việc phân bổ vốn toàn cầu của mình”.
Dòng tiền chuyển sang châu Á, châu Âu
Còn theo bà Carman Chan, nhà sáng lập Click Ventures, công ty quản lý tài sản có trụ sở ở Hong Kong và Singapore, các nhà đầu tư, bao gồm cả bà, đang chốt lợi nhuận từ thị trường Mỹ và tăng cường phân bổ vốn vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hong Kong. Giới đầu tư nhận định những thị trường này có mức định giá tài sản hấp dẫn hơn.
Ông Hau tại Infinity Family Office cũng cho biết công ty của ông đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với phần lớn khoản nắm giữ, và sẽ chờ đợi đợt phục hồi của thị trường để đẩy nhanh việc bán ra.
Động thái thận trọng của giới siêu giàu châu Á phản ánh một xu hướng đang hình thành trên thị trường tài chính lớn nhất thế giới, khi các chính sách của chính quyền ông Trump làm suy yếu sức hấp dẫn của thị trường này.
Nhiều công ty đầu tư đang giảm mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ. Công ty quản lý tài sản châu Âu Amundi SA tiết lộ khách hàng đang rời bỏ Mỹ để đầu tư vào các quỹ châu Âu.
Mỹ từ lâu đã là điểm đến đầu tư hàng đầu trên thế giới đối với giới siêu giàu. Với quy mô lớn và tính thanh khoản cao, thị trường chứng khoán nước này đã thu hút các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến niêm yết, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn từ Trung Quốc và Hong Kong.
Nhật Bản và Trung Quốc cũng là những chủ nợ lớn nhất của trái phiếu kho bạc Mỹ. Đối với nhiều gia đình giàu có ở châu Á, Mỹ còn là lựa chọn ưu tiên cho việc học đại học của con cái.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ quy mô và thời gian của xu hướng thoái vốn này sẽ kéo dài bao lâu. Tài sản Mỹ vẫn chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nhiều danh mục đầu tư.
Những diễn biến gần đây đã khiến một số gia đình giàu có nhanh chóng rút tiền. Tuy nhiên, một số công ty quản lý tài sản cho biết họ vẫn giữ nguyên vị thế đầu tư. 3 giám đốc điều hành được Bloomberg phỏng vấn nhận định Mỹ vẫn là một "nơi trú ẩn" khó có thể thay thế. Một người trong số họ chỉ ra cổ phiếu Mỹ vẫn hấp dẫn trong dài hạn.
Hai cố vấn tài chính khác cho giới siêu giàu tại Trung Quốc cho biết khách hàng của họ vẫn còn e ngại về việc đưa tiền trở lại thị trường đại lục. Trong nhiều năm, Bắc Kinh đã siết chặt quản lý với các doanh nghiệp tư nhân. Nhiều người vẫn đang đợi thêm dấu hiệu về sự hỗ trợ chính sách từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán thương mại sắp tới giữa Mỹ và Trung Quốc đang khơi dậy sự lạc quan rằng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể dịu bớt. Và không loại trừ khả năng ông Trump sẽ rút lại các biện pháp thuế quan, nhanh như cách ông đã áp đặt chúng.
"Liệu các hiệp ước, thỏa thuận thương mại và quyền sở hữu có được tôn trọng hay không? Nếu không, các nhà đầu tư hầu như không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút vốn”, ông Ng của Công ty Luật Zhong Lun nhấn mạnh.
Huy Hoàng