Nhóm thanh khoản tốt nhất thị trường sáng nay vẫn có màu xanh nhỉnh hơn.
VN-Index càng tiến sát về vùng đỉnh tháng 12 năm ngoái, áp lực bán có tín hiệu tăng lên. Nhìn từ nhịp tăng trước Tết đến nay hiệu suất cũng khá tốt nên nhu cầu bán gia tăng cũng là bình thường. Điều quan trọng là dòng tiền cũng đang mua vào sôi động.
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE sáng nay tăng 11% so với sáng hôm qua, lên mức 6.674 tỷ đồng. Ngưỡng thanh khoản này đi liền với diễn biến trượt giảm giá cổ phiếu khá rõ: VN-Index đạt đỉnh khoảng 9h30, tăng gần 6 điểm, độ rộng ghi nhận 220 mã tăng/103 mã giảm. Đến cuối phiên chỉ số chỉ còn tăng 2,54 điểm (+0,2%) với 198 mã tăng/221 mã giảm. Như vậy cả trăm cổ phiếu đã đảo chiều trong sáng nay.
Đây là tín hiệu của sự gia tăng áp lực chốt lời rõ ràng. Nhà đầu tư tranh thủ giá lên tốt 2,5 phiên vừa qua và bắt đầu bán mạnh hơn. Dĩ nhiên chỉ số không phải lúc nào cũng phản ánh hết giao dịch, nhưng sự thay đổi trong độ rộng thị trường là bằng chứng đáng tin cậy. Đại đa số cổ phiếu của VN-Index sáng nay đều hạ độ cao. Hiện sàn HoSE chỉ còn gần 40 mã tăng giá và chốt được ở mức cao nhất, tương đương khoảng 10,4% số cổ phiếu có phát sinh giao dịch.
Dù vậy điểm tích cực là biên độ giảm chưa mạnh. Tuy số lượng cổ phiếu đỏ đã gia tăng khá nhanh theo thời gian nhưng số mã giảm sâu lại ít. Trong 221 cổ phiếu đang giảm so với tham chiếu chỉ 51 mã giảm quá 1% với mức tập trung thanh khoản khoảng 11,6% sàn HoSE. Đại đa số các mã giảm nhiều nhất là không có thanh khoản đáng tin cậy.
MWG là cổ phiếu duy nhất giảm hơn 1% với giao dịch trên 100 tỷ đồng. MWG có phiên đỏ thứ 2 liên tiếp, sáng nay khớp 161,9 tỷ đồng. Đây cũng là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN3 giảm quá 1% (mất 1,01% so với tham chiếu). Hầu hết các cổ phiếu có thanh khoản khá còn lại thuộc nhóm vốn hóa trung bình như DXG giảm 1,62% khớp 93,5 tỷ; VTP giảm 3,17% với 88,2 tỷ; FRT giảm 3,34% với 71,6 tỷ; HAH giảm 1,1% với 54,2 tỷ; CTR giảm 1,01% với 46,5 tỷ… Nhiều mã trong số này vừa có những phiên tăng giá khá ấn tượng và việc quay đầu trong sáng nay cũng không có gì đặc biệt.
Phía tăng giá cũng không còn sôi động như hôm qua. Hiện tượng trượt giá sáng nay là rất rõ ràng và số duy trì được đà tăng mạnh hơn 1% chỉ khoảng 40 cổ phiếu. Ngân hàng vẫn đang là nhóm giữ nhịp tốt nhất khi 12/14 mã nhóm này thuộc rổ Vn30 vẫn còn xanh. TCB và LPB ấn tượng nhất cả về giá lẫn thanh khoản: TCB giao dịch mạnh nhất thị trường với hơn 682,2 tỷ đồng và giá tăng 2,43%. LPB thanh khoản kém hơn với 66,7 tỷ nhưng giá cũng tăng 2,23%. Ngoài ra có thể kể tới HDB tăng 1,33% với 211,4 tỷ đồng. MBB, STB chốt phiên sáng cũng tăng xấp xỉ 1% giá trị.
Cổ phiếu ngân hàng phục hồi trở lại là lực đỡ quan trọng đối với VN-Index. Dù không nhiều mã mạnh nổi bật nhưng 7/10 cổ phiếu kéo điểm tốt nhất vẫn là ngân hàng. Sức ảnh hưởng của nhóm này giúp VN30-Index tăng nổi bật 0,52% so với mức tăng 0,2% của VN-Index hay +0,01% ở Smallcap và -0,08% ở Midcap. Dĩ nhiên sự phân hóa về sức mạnh cũng rất rõ ràng, chỉ 7/27 cổ phiếu ngân hàng ở các sàn đạt mức tăng trên 1%, số giảm trong nhóm vẫn có 4 mã.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng vậy, dù các chỉ số thể hiện mức tăng yếu, vẫn có những mã nổi bật. VND, VIX, ORS, PNJ, TCL, CSM, PAC thanh khoản khá tốt và giá tăng mạnh, thậm chí TCL còn kịch trần. Tính chung 40 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất của VN-Index sáng nay tập trung 24,9% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE. So với nhóm giảm, rõ ràng là số lượng mã tăng ít hơn nhưng thanh khoản lại cao hơn, cho thấy có sự tập trung dòng tiền.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì cường độ bán khá cao với 269 tỷ đồng trên HoSE. Tuy nhiên cũng không có cổ phiếu nào bị bán quá vượt trội, nhiều nhất là MWG -34,2 tỷ, FRT -33,4 tỷ, DGC -28,9 tỷ, FPT -22,5 tỷ, VIX -21,7 tỷ, VCI -21,2 tỷ. Phía mua ròng có CTG +39,5 tỷ, VCB +15,7 tỷ, GEX +18,2 tỷ đồng là đáng kể.
Kim Phong