Nhu cầu tín dụng xanh tại Việt Nam với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch ngày càng cao. Ảnh minh họa
Những năm gần đây, các ngân hàng thương mại không ngừng “xanh hóa" danh mục cho vay, khẳng định vai trò tiên phong thúc đẩy tăng trưởng bền vững và chuyển dịch sang mô hình kinh tế xanh.
Tín dụng xanh tăng 10 lần vẫn chưa “thấm”
Vietcombank giữ vai trò đầu tàu, chủ động định hướng dòng vốn vào các ngành nghề thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, với dư nợ tín dụng xanh đạt 48.000 tỷ đồng cuối năm 2024, tăng trưởng 14% so với cuối năm 2023. Năm qua, Vietcombank đặt dấu mốc đầu tiên trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh thông qua đợt phát hành thành công 2.000 tỷ đồng tài trợ các dự án mang lại lợi ích về môi trường.
Đề xuất mạnh tay ưu đãi thông dòng tín dụng xanh
"Ngân hàng Nhà nước có thể xây dựng, bổ sung quy định khuyến khích tổ chức tín dụng ưu tiên bố trí nguồn vốn để tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án thuộc danh mục phân loại xanh như: không tính tín dụng xanh vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng, áp dụng hệ số rủi ro thấp hơn đối với các khoản cấp tín dụng xanh khi tính hệ số an toàn vốn tối thiểu, giảm tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro cụ thể, miễn trích lập dự phòng chung…". Ông Prasenjit Chakravarti, Giám đốc Khối chiến lược Ngân hàng Techcombank
Techcombank mở rộng quy mô tín dụng xanh lên mức kỷ lục, hơn 16.400 tỷ đồng năm 2024, tăng 18%, hướng đến mục tiêu 25.000 tỷ đồng năm 2025 và phân bổ vào các lĩnh vực như: giao thông bền vững, năng lượng sạch. Đồng thời, ghi dấu trở thành ngân hàng tư nhân đầu tiên xây dựng khung trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế. Đây là bước tiến quan trọng, giúp mở rộng quy mô huy động vốn xanh, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp giảm phát thải carbon và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
ACB cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi triển khai chương trình ưu đãi "Tín dụng xanh - Bật nhanh tăng trưởng", đưa nguồn vốn xanh đến gần hơn với doanh nghiệp. Đến hết năm 2024, ACB còn 273,3 tỷ đồng dư nợ tín dụng xanh, tập trung vào dự án xử lý chất thải, quản lý nước bền vững và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy tỷ trọng tín dụng xanh còn thấp, chưa đạt 5% tổng dư nợ toàn hệ thống, cùng thị trường trái phiếu xanh vẫn ở giai đoạn sơ khai. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, số lượng tổ chức tín dụng tham gia tín dụng xanh tăng mạnh từ 5 đơn vị năm 2017 lên 50 tổ chức đến thời điểm này. Dư nợ tín dụng xanh tăng trưởng ấn tượng, từ 71.000 tỷ đồng năm 2015 lên khoảng 680.000 tỷ đồng cuối năm 2024, gấp gần 10 lần sau một thập kỷ, song mới chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ.
Dù các ngân hàng tích cực định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực bền vững, dư nợ tín dụng xanh vẫn khiêm tốn. Tại Vietcombank, dư nợ tín dụng xanh mới chiếm khoảng 3,3% dư nợ cho vay cuối năm 2024; Techcombank là 2,6%; còn ACB mới "chớm nở" chưa đạt 0,01% dư nợ. Nhiều ngân hàng thậm chí chưa có dư nợ cho vay xanh. Điều này cho thấy dư địa còn rất lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong lộ trình "xanh hóa" dòng vốn.
Thông dòng tín dụng xanh, mở đường huy động 368 tỷ USD
Chia sẻ gần đây, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết, nhu cầu tài chính của Việt Nam thực hiện lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2040 ước tính lên tới 368 tỷ USD.
Dù cần hàng tỷ USD nhưng tín dụng xanh chiếm chưa tới 5% tổng dư nợ, trong khi thị trường trái phiếu khí hậu chưa phát triển. Trước thực trạng này, đại diện IFC cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ như hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường năng lực ngân hàng và thúc đẩy công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh dương.
Để gia tăng quy mô thị trường tài chính xanh và khơi thông dòng vốn xanh, ông Prasenjit Chakravarti - Giám đốc Khối chiến lược Ngân hàng Techcombank cho rằng, việc sớm ban hành danh mục xanh quốc gia là cần thiết để các ngân hàng có cơ sở xác định và cấp tín dụng cho các dự án xanh.
"Cần có hướng dẫn cụ thể về các nghiệp vụ tín dụng nào được và không được bao gồm trong tín dụng xanh, chẳng hạn như cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, bảo lãnh, để các ngân hàng có cơ sở thực hiện một cách nhất quán" - đại diện Techcombank nhấn mạnh.
Tín dụng xanh đang từng bước hòa vào dòng chảy chung của tín dụng toàn hệ thống, góp phần vào đà tăng trưởng tích cực trong quý I/2025, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng 3,93% gấp 2,5 lần cùng kỳ theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng không chỉ đòi hỏi nhanh mà cần đúng hướng. Để bước vào kỷ nguyên vươn mình với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% bền vững, không chỉ tín dụng xanh, mà việc nắn dòng tín dụng chảy đúng "mạch", hướng đi "lành", vào các khu vực kinh tế thực, lĩnh vực sản xuất và các ngành trọng yếu khác. Đây là một bước đi quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững cho nền kinh tế./.
Ánh Tuyết