Đống tro tàn sau vụ cháy rừng chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc

Đống tro tàn sau vụ cháy rừng chết chóc nhất lịch sử Hàn Quốc
2 ngày trướcBài gốc
Bà Kun Yeong-nam, 72 tuổi, giữa ngôi nhà mình đã sinh sống suốt 52 năm qua bị thiêu rụi. Ảnh: Reuters.
Ông Kim Dal Geun và vợ đã sống ở Andong suốt thập niên qua, tận hưởng nền văn hóa phong phú và truyền thống dân gian trong thành phố. Tuy nhiên, tối 25/3 vừa qua, hai vợ chồng buộc phải di tản với duy nhất bộ quần áo trên người. Họ được lệnh sơ tán trong bối cảnh Andong là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Các vụ cháy bắt đầu ở quận Uiseong, tàn phá phần lớn tỉnh Bắc Geyeongsang ở phía đông nam Hàn Quốc từ tuần trước, Channel NewsAsia đưa tin. Ít nhất 28 người đã thiệt mạng, trong khi các di tích lịch sử bị phá hủy, trong đó có một ngôi chùa Phật giáo 1.300 năm tuổi. Trong khi đó, người dân đang tìm kiếm trong đống tro tàn xem còn có thể cứu vớt tài sản nào.
Cháy lan nhanh
"Ngọn lửa bắt đầu từ bên kia đường. Hôm đó gió rất lớn và một quả cầu lửa thổi qua. Chúng tôi bắt đầu chạy. Có người kể lại đám cháy đã bùng phát và lan rộng", ông Kim nói.
Tới ngày 27/3, người đàn ông 78 tuổi và vợ rời khỏi nơi trú ẩn tạm thời và quay trở lại khu phố cùng hàng xóm để kiểm tra nhà cửa. Một phần ngôi nhà đã bị cháy, nên hai vợ chồng hy vọng có thể cứu vớt bất cứ thứ gì, như mảnh đất nhỏ nơi họ từng trồng ớt để kiếm sống.
"Thật đau lòng khi chứng kiến cảnh tượng này, nhưng chúng tôi có thể làm gì?”, ông Kim chia sẻ.
Tới ngày 28/3, các đám cháy chính ở năm khu vực đã được kiểm soát và lính cứu hỏa đang chuyển sang giải quyết các đám cháy nhỏ. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi hai chó cưng vẫn an toàn và khỏe mạnh sau khi ông phải chạy sơ tán và không thể mang theo. Nhiều người khác không may mắn tới vậy. Đám cháy lan nhanh tới mức một số người thậm chí còn không có thời gian tháo xích cho chó trước khi chạy trốn.
Hôm 28/3, Lim Sang Seoup, Bộ trưởng Lâm nghiệp Hàn Quốc, cho biết các đám cháy chính ở năm khu vực đã được kiểm soát và lính cứu hỏa đang chuyển sang giải quyết các đám cháy nhỏ. Mưa nhỏ phần nào giúp cải thiện tình hình chữa cháy. Hơn 120 máy bay trực thăng được điều động dập lửa, trong khi lính cứu hỏa làm việc không ngừng nghỉ do lo ngại điều kiện thời tiết có thể nhanh chóng thay đổi gây bất lợi cho họ.
Hàng chục nghìn người được sơ tán đến nơi trú ẩn tạm thời dựng lên ở một số khu vực xung quanh vùng núi Bắc Gyeongsang.
Nhiều tài sản văn hóa cũng bị ảnh hưởng, trong đó có ngôi đền Gounsa ở Uiseong. Chỉ có 9/30 công trình tại ngôi đền - tồn tại hơn một thiên niên kỷ - vẫn đứng vững, phần còn lại, gồm 2 bảo vật quốc gia, đã bị cháy rụi. Một số bảo vật khác như tượng Phật bằng đá đã được di dời đến các ngôi đền trong khu vực.
Theo Cục Di sản Hàn Quốc, Gounsa là một trong ít nhất 18 di sản hoặc hiện vật đã bị phá hủy hoặc hư hại tính đến 27/3. Lính cứu hỏa đã túc trực tại ngôi đền, trong khi chính quyền nỗ lực cứu càng nhiều di sản quốc gia càng tốt.
Biến đổi khí hậu “đổ thêm dầu vào lửa”
Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik đã đến Gounsa vào chiều 28/3. Ông cảm thấy đau lòng khi chứng kiến ngôi đền, niềm tự hào của người Hàn Quốc, sụp đổ.
"Do khủng hoảng khí hậu, điều kiện thời tiết thay đổi, gây ra vụ cháy lớn chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây", ông nói. “Sau sự cố này, tôi nghĩ trước tiên, Hàn Quốc cần thiết lập các biện pháp pháp lý và thể chế phù hợp để ứng phó hiệu quả với các vụ cháy do khủng hoảng khí hậu. Ngoài ra, chúng ta cần quản lý tốt địa điểm này để ngăn chặn những sự cố tương tự”.
Ông Woo cũng cảm ơn người dân và lính cứu họa đã nỗ lực hết mình để bảo vệ di sản này. “Tôi tin rằng việc cung cấp hỗ trợ toàn diện rất quan trọng, không chỉ cho Gounsa mà cả các nạn nhân có thể trở lại cuộc sống thường ngày”, ông nói thêm.
Giám đốc văn hóa của Gounsa, Beom Jong, cho hay thiệt hại với ngôi đền 1.000 năm tuổi và trụ sở của cộng đồng tôn giáo là không thể đong đếm được: "Đây là lần đầu tiên trong lịch sử trụ sở bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn, vì vậy chúng tôi đang thảo luận về cách ứng phó với tình huống này".
Chuông chùa nứt đôi tại đền Gounsa. Ảnh: Reuters.
Trước hỏa hoạn, Đền Gounsa có khoảng 120.000 du khách mỗi năm. Tín đồ Jin Yeo-shin là người thường xuyên lui tới ngôi đền suốt 40 năm qua. Người phụ nữ 82 tuổi này cho biết không có từ ngữ nào diễn tả được cảm xúc của bà lúc này. "Thật đau lòng. Tôi chỉ biết khóc", bà nói.
Tại Andong, lệnh sơ tán cũng được ban hành cho cư dân Làng dân gian Hahoe - Di sản thế giới được UNESCO công nhận và là báu vật văn hóa tồn tại hơn 500 năm.
"Vụ cháy gần đây vượt quá tưởng tượng và quy mô quá lớn", Ryu Han Pae - người sinh sống tại làng Haboe từ năm 1949 - nói. “Nhìn chung, sự hợp tác giữa người dân và chính quyền rất hiệu quả và tôi đánh giá cao cách chính quyền ứng phó cho đến nay”.
Người đàn ông đã rời ngôi làng vào tối 26/3 sau lệnh sơ tán. “Là cư dân, chúng tôi tự hào và tin rằng ngôi làng phải được bảo tồn. Thật đau lòng khi ngôi làng đã và đang bị ảnh hưởng bởi vụ cháy”, ông nói thêm. “Mong ước của tôi vào cuối đời là điều gì đó tương tự sẽ không bao giờ xảy ra nữa”.
Trí Ân
Nguồn Znews : https://znews.vn/dong-tro-tan-sau-vu-chay-rung-chet-choc-nhat-lich-su-han-quoc-post1541720.html