Trang tin Strana.ua cho biết sự mất giá của đồng grivna có thể xuất phát từ việc cơ quan quản lý tiền tệ nới lỏng các biện pháp kiểm soát ngoại tệ. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ việc căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng, khi chính phủ Ukraine bác bỏ đề xuất ngừng bắn dịp Giáng sinh cũng như vụ ám sát một quan chức cấp cao của Nga tại Moscow, được cho là do Kiev thực hiện. Nga đã cáo buộc Ukraine thực hiện các hành vi khủng bố nhằm bù đắp thất bại quân sự gần đây.
Đồng grivna, tiền tệ quốc gia của Ukraine, đã giảm xuống mức 41,83 đổi 1 USD vào thứ Ba (ngày 18/12). Ảnh: PantherMedia / Alexander Matvienko, Alexander Matvienko
Từ đầu năm 2023, đồng grivna đã giảm hơn 13% giá trị. Kể từ khi xung đột với Nga bùng nổ vào tháng 2/2022, giá trị của đồng tiền này đã giảm tới 44%. Trước đó, vào giữa tháng 6, grivna cũng đạt mức thấp kỷ lục 40,69 đổi 1 USD, sau khi Ngân hàng Trung ương Ukraine quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt 0,5 điểm phần trăm xuống còn 13%.
Dự báo cho thấy xu hướng mất giá của grivna sẽ tiếp tục. Strana.ua nhận định đồng tiền này có thể giảm thêm xuống mức 42,10 grivna đổi 1 USD cho đến cuối năm 2024.
Một giám đốc kho bạc của ngân hàng lớn tại Ukraine chia sẻ: "Chính phủ cần thực hiện rất nhiều khoản thanh toán xã hội vào cuối năm. Do đó, họ muốn có được nhiều grivna hơn từ số USD và euro nhận được từ các đối tác quốc tế."
Kể từ khi xung đột bắt đầu, Ukraine đã nhận được hỗ trợ tài chính lớn từ các nước phương Tây. Liên minh châu Âu đã viện trợ hàng tỷ euro cho chính phủ Ukraine, trong khi Mỹ đã hỗ trợ ít nhất 26,8 tỷ USD cho ngân sách quốc gia này kể từ năm 2022. Tuy nhiên, các nguồn hỗ trợ này dường như không đủ để ngăn chặn sự sụt giảm giá trị của đồng grivna trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực nặng nề từ xung đột.
Tùng Lâm