Đồng USD ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, thương mại toàn cầu

Đồng USD ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, thương mại toàn cầu
3 giờ trướcBài gốc
Chỉ số Dollar Index, đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ, đã bật tăng 0,7% trong ngày 3/2. Sự kiện này mang ý nghĩa nhất định đối với nền tài chính và thương mại toàn cầu.
Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" được ông Donald Trump nhắc đến nhiều lần. Để hiện thực hóa mục tiêu này, chính quyền Trump đã áp dụng một loạt các biện pháp thương mại quyết liệt, nổi bật là việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn nhất, bao gồm Mexico, Canada và Trung Quốc - những quốc gia mà Mỹ đang nhập siêu. Logic đằng sau chính sách này rất đơn giản: thuế quan sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài, hạn chế nhập khẩu, thu hẹp thâm hụt thương mại và tăng nguồn thu ngân sách cho Hoa Kỳ.
Bên cạnh "vũ khí" thuế quan, ông Trump không ít lần bày tỏ mong muốn suy yếu dần đồng đô la Mỹ. Quan điểm này xuất phát từ lý thuyết kinh tế cơ bản: đồng tiền mạnh có thể gây bất lợi cho xuất khẩu, khiến hàng hóa của quốc gia đó trở nên đắt đỏ hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, một nghịch lý đã xảy ra: ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế, đồng đô la Mỹ bất ngờ tăng giá trên thị trường quốc tế, đi ngược lại hoàn toàn mong muốn của vị tổng thống.
Chỉ số Dollar Index đã tăng 0,7% trong ngày 3/2. Trong khi đồng tiền của Mexico, Canada và Trung Quốc đồng loạt rớt giá.
Đáng chú ý, quyền lực điều chỉnh lãi suất và gián tiếp tác động đến giá trị đồng đô la không nằm trong tay tổng thống Mỹ mà thuộc về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Fed là một cơ quan độc lập, hoạt động với mục tiêu kép là duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và kiểm soát lạm phát. Để làm suy yếu đồng đô la, biện pháp trực tiếp nhất là Fed giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong phiên họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng 1/2025 vừa rồi, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất, không thực hiện động thái giảm lãi suất như mong muốn của chính quyền Trump.
Vậy, tại sao đồng đô la lại tăng giá trong bối cảnh chính sách thuế quan và mong muốn đồng tiền yếu đi của Tổng thống Trump?
Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là do dòng vốn đầu tư tìm đến "nơi trú ẩn an toàn". Khi căng thẳng thương mại leo thang giữa các cường quốc kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu trở nên bất ổn. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư thường có xu hướng tìm kiếm các tài sản được coi là ít rủi ro hơn để bảo toàn vốn. Đồng đô la Mỹ và trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu đã được xem là những "hầm trú ẩn" an toàn bậc nhất trên thế giới. Nhu cầu tăng đột biến đối với đồng đô la Mỹ đã đẩy giá trị của nó lên cao, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Trump. Sự tăng giá của đồng đô la Mỹ tạo ra một nghịch lý sâu sắc, làm suy yếu chính hiệu quả của chính sách thương mại mà ông Trump theo đuổi. Mặc dù thuế quan làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, nhưng đồng đô la mạnh lên lại phần nào "trung hòa" tác động này.
Như vậy, chính sách thuế quan được kỳ vọng là công cụ để "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", vô tình lại tạo ra những tác động ngược chiều, làm phức tạp thêm bài toán kinh tế của nước Mỹ.
Thực tế, "quyền lực" đối với đồng bạc xanh - đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, không nằm trong tay của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, kể cả tổng thống Mỹ. Một nền kinh tế có rất nhiều biến số vĩ mô và cực kỳ nhạy cảm. Có một điều chắc chắn là tính bất ổn và khó dự đoán đối với các chính sách kinh tế đều ngay lập tức gây xáo trộn, bất an lên các chủ thể kinh tế là người dân và các doanh nghiệp.
Chính sách thuế quan của chính quyền Trump với mong muốn "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", đã vô tình minh họa cho một bài học kinh điển trong kinh tế học. Các chính sách kinh tế, đặc biệt là trong một thế giới toàn cầu hóa, luôn mang theo những hệ quả không lường trước được. "Quyền lực" đối với đồng bạc xanh, biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ, hóa ra lại hữu hạn hơn nhiều so với những tuyên bố mạnh mẽ từ Washington.
Minh Thư
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/dong-usd-anh-huong-manh-den-kinh-te-thuong-mai-toan-cau-300829.htm