Ngày 19-11, tỉ giá trung tâm đồng Việt Nam so với USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.293 VND/USD, tăng 10 VND so với trước đó một ngày. Với biên độ dao động +/-5%, tỉ giá sàn là 24.078 VND/USD và tỉ giá trần 25.507 VND/USD.
Tỉ giá USD/VND chao đảo do đâu?
Tại các ngân hàng thương mại, tỉ giá USD/VND vẫn duy trì ở mức cao. Đơn cử, Vietcombank neo giá đồng đôla Mỹ ở mức 25.175 VND/USD (mua vào) và 25.507 VND/USD (bán ra), tăng 5 đồng ở cả hai chiều so với trước đó một ngày. Tương tự, Eximbank giữ nguyên giá giá mua vào ở mức 25.190 VND/USD, và cộng thêm 5 đồng ở chiều bán ra...
Mặc dù giá bán đồng bạc xanh tại các ngân hàng thương mại dao động trong biên độ hẹp, song giá bán ra luôn ở mức kịch trần. Trên thị trường tự do, giá đồng USD cũng biến động mạnh.
Tính chung, từ đầu năm 2024 đến nay, giá mỗi đô la Mỹ niêm yết tại các ngân hàng đã tăng khoảng 1.100 đồng, tức là tăng khoảng hơn 4,2% so với giá ban đầu. Nếu chỉ tính từ tháng 10 đến nay, sau khi giảm mạnh vào đầu tháng 9, giá USD đã tăng gần 2,8%
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tỉ giá USD/VND tăng mạnh trong thời gian qua đến từ cả yếu tố bên ngoài lẫn yếu tố nội tại. Trước hết, nhìn ra thị trường quốc tế, khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt với lãi suất cao trong thời gian dài, khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Trong khi đó, tình hình kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới bước vào giai đoạn suy thoái khiến nhà đầu tư tìm đến với USD như là kênh trú ẩn tài sản an toàn. Nhìn vào nền kinh tế trong nước, thì khi giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao cũng góp phần đẩy nhu cầu mua USD tăng lên vì Việt Nam phải nhập khẩu nhiều hàng hóa bằng USD.
Ông Trần Ngọc Báu, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dữ liệu Kinh tế Tài chính Wigroup nêu quan điểm: Theo tôi, câu chuyện biến động tỉ giá trong thời điểm hiện tại chủ yếu đến từ việc nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên khi Fed giảm tốc độ hạ lãi suất điều hành.
Thêm vào đó, vài tháng gần đây, đồng USD mạnh lên trùng với thời điểm thanh toán ngoại tệ của khối doanh nghiệp và khối Chính phủ, cũng gây áp lực lên tỉ giá USD/VND.
Nhưng điều quan trọng hơn, chính là sự kỳ vọng của các doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ cho rằng khả năng cao chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ thắt chặt lâu hơn. Hơn nữa, dự đoán nhu cầu thanh toán ngoại tệ vào dịp cuối năm thường tăng, khiến nhóm doanh nghiệp này có động thái găm giữ USD và tạm thời không bán ra cho các ngân hàng thương mại.
"Với việc nhu cầu ngoại tệ để thanh toán tăng là có thật, xu hướng đồng USD mạnh lên trên toàn cầu kết hợp với tâm lý găm giữ USD đã kích hoạt tỉ giá USD/VND trong nước biến động mạnh thời gian gần đây”, ông Báu nói.
Tỉ giá USD/VND tăng khiến cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều mệt mỏi. Ảnh: Minh họa
Kẻ cười, người lo
Nhận định về sự tác động của việc tỉ giá tăng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vay vốn bằng USD và ngân hàng, TS Huỳnh Trung Minh phân tích: Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, tỉ giá tăng sẽ giúp nhóm doanh nghiệp này được hưởng lợi từ việc hàng hóa Việt Nam trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nếu chi phí nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa mà tăng cao, lợi ích từ tỉ giá sẽ bị hạn chế.
Đối với doanh nghiệp vay vốn bằng USD, tỉ giá tăng đồng nghĩa chi phí lãi vay cũng sẽ tăng theo và điều này sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Còn đối với các ngân hàng thương mại, một mặt tỉ giá tăng sẽ giúp mảng kinh doanh ngoại hối của các nhà băng được hưởng lợi. Mặt khác, tình trạng này cũng khiến các khoản vay bằng ngoại tệ có nguy cơ khó thu hồi nếu doanh nghiệp có khoản vay USD đang gặp khó khăn về thanh khoản.
Từ phía góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần gỗ Việt Âu Mỹ chia sẻ: Tỉ giá biến động mạnh, chắc chắn sẽ tác động đến các doanh nghiệp nhập khẩu. Khi nhập khẩu gỗ nguyên liệu về thì chúng tôi phải trả bằng ngoại tệ, nhưng khi bán hàng ra cho các đối tác trong nước thì lại thu về bằng tiền đồng.
Trong trường hợp này, nếu khi bán hàng cho các đối tác trong nước vào thời điểm tỉ giá hạ nhiệt rồi đến khi thanh toán hàng cho đối tác ở nước ngoài mà tỉ giá lại tăng trở lại thì mình bị lỗ tỉ giá 2 lần.
“Với những doanh nghiệp nhập khẩu mà tỉ giá tăng thì bị thiệt, nhưng ở chiều ngược lại với những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ nên tỉ giá tăng họ sẽ được hưởng lợi.
Xét về ngắn hạn, rõ ràng giá USD tăng sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi nhờ chênh lệch tỉ giá tăng, nhưng xét về mặt dài hạn thì khi đồng đôla Mỹ tăng cũng khiến hàng hóa xuất khẩu của mình xuất ra nước ngoài bị đắt tương đối, qua đó làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Do đó, biến động của tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến cả ngắn hạn và dài hạn, đôi khi nhìn vào ngắn hạn thì thấy lợi nhưng xét về dài hạn lại bất lợi”, ông Tuấn nói.
Dự báo tỉ giá USD/VND trong thời gian tới
Dự báo tỉ giá USD/VND trong thời gian tới, ông Báu cho rằng, sự biến động tỉ giá gần đây chỉ mang tính nhất thời. Cùng lắm, tình trạng tỉ giá USD/VND căng thẳng chỉ kéo dài đến hết tháng 11, sau đó sẽ dịu dần vào tháng 12 tới. Bởi lẽ, nhu cầu thanh toán ngoại tệ với quy mô lớn thường được thu xếp vào cuối quý 3 đầu quý 4 rồi, hay nói cách khác là cao trào của tỉ giá đang ở cuối hành trình rồi.
"Nên áp lực về nhu cầu ngoại tệ nhằm đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán sẽ giảm dần trong thời gian tới. Hơn nữa, chỉ số DXY cũng đã tiệm cận đỉnh và rất khó để vượt mốc hiện tại. Do đó, áp lực từ việc đồng USD mạnh lên sẽ không còn ảnh hưởng quá lớn đến VND nữa.
Chưa kể, dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam trong trung và dài hạn vẫn rất tốt và nguồn kiều hối luôn tăng cao trong tháng cuối năm được xem là những trợ lực tích cực để giữ ổn định tỉ giá”, ông Báu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS Huỳnh Trung Minh đánh giá: Nhìn về ngắn hạn, tức là đến cuối năm 2024, tỉ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng nhưng với biên độ thấp hơn, khoảng 0,5-1% so với hiện nay do nhu cầu ngoại tệ cuối năm tăng cao cho nhập khẩu và trả nợ. Và NHNN có thể can thiệp nếu tỉ giá tăng quá mạnh để ổn định thị trường.
Đối với trung hạn (đầu năm 2025), nếu Fed giảm lãi suất vào năm sau như dự báo, áp lực tăng tỉ giá sẽ giảm. Chưa kể, nguồn cung USD có thể cải thiện khi kinh tế toàn cầu hồi phục, xuất khẩu tăng và dòng vốn FDI quay trở lại.
"Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro khi tỉ giá biến động, doanh nghiệp nên đẩy mạnh quản lý rủi ro tỉ giá, sử dụng các công cụ phòng ngừa (hedging) như hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên chủ động điều chỉnh kế hoạch tài chính để giảm phụ thuộc vào USD và tận dụng lợi thế từ tỉ giá trong hoạt động kinh doanh”, TS Huỳnh Trung Minh khuyến nghị.
Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép
Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận tỷ giá đang chịu nhiều sức ép. Sau thời gian thắt chặt, Fed đã nới lỏng chính sách tiền tệ, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng hạ lãi suất, điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đồng USD biến động phức tạp, khi có thời điểm giảm mạnh, từ quý III lại tăng và hiện biến động ở mức cao.
Những diễn biến này tác động tới thị trường ngoại hối trong nước. Vì vậy vệc ổn định tỷ giá, ngoại hối là khó khăn do phụ thuộc cung cầu thực trên thị trường, tức lượng ngoại tệ chi ra nền kinh tế và nguồn thu có được. Bên cạnh đó, thị trường ngoại hối còn tồn tại tình trạng đôla hóa, nên chịu tác động tâm lý kỳ vọng lớn.
Dù vậy, bà Hồng nhấn mạnh: “ NHNN kiên định mục tiêu điều hành tỷ giá, ngoại hối linh hoạt, phù hợp tình hình diễn biến thị trường. Hiện tỷ giá được phép dao động +/- 5%. Khi thị trường biến động quá lớn, NHNN sẽ cân nhắc bán ngoại tệ để ổn định, đáp ứng nhu cầu người dân", Thống đốc thông tin.
Đối với việc giảm lãi suất, bà cho biết để ổn định tỷ giá mà giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá, vì vậy, thời gian qua NHNN phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân. Nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỷ giá không ổn định.
“Thời gian vừa qua, chúng ta đã giảm mặt bằng lãi suất khá nhiều so với các nước, cho nên chúng tôi tiếp tục theo dõi", bà Hồng cho biết.
THÙY LINH