Trong một bài đăng trên Truth Social hôm thứ Ba (22/7), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, mức thuế quan 15% đã được áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản, giảm so với mức 25% dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8.
Ngành công nghiệp ô tô quan trọng của Nhật Bản và việc nhập khẩu gạo là những điểm bế tắc trong các cuộc đàm phán thương mại kéo dài với Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong bài đăng trên Truth Social, ông Trump cũng cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ và “mở cửa” thị trường cho xe hơi và gạo Mỹ.
Trong khi Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận cho biết, thuế quan đối với ô tô Nhật Bản sẽ được ấn định ở mức 15%.
Thông tin này đã hỗ trợ đồng yên tăng giá mạnh trong phiên hôm qua. Song với đồng USD, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với đồng USD do vẫn thiếu vắng các thông tin liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại với nhiều đối tác lớn khác, chẳng hạn như Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, việc ông Trump liên tục chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell càng khiến các nhà đầu tư lo ngại về tính độc lập của Fed.
Hệ quả là đồng bạc xanh đã sụt giảm khá mạnh trong ngày thứ Ba trước khi phục hồi nhẹ trở lại trong sáng thứ Tư. Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - đang dao động trong biên độ khá hẹp xung quanh mức 97,45.
Theo đó, đồng USD tăng nhẹ khoảng 0,13% so với đồng tiền chung lên mức 1,1736 USD/EUR và tăng gần 0,1% so với đồng bảng Anh lên 1,3517 USD/GBP. Đồng bạc xanh cũng phục hồi nhẹ khoảng 0,07% so với yên Nhật và hiện đang được giao dịch ở mức 146,74 JPY/USD, sau khi giảm 0,5% trong phiên trước.
Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, đồng bạc xanh vẫn đang chịu nhiều áp lực, trong đó yếu tố tác động mạnh nhất vẫn là vấn đề thuế quan khi mà hiện vẫn thiếu vắng các thông tin liên quan đến đàm phán thương mại với nhiều đối tác lớn, trong khi thời hạn 1/8 đang tới gần.
Theo đó, trong các bức thư gửi tới nhiều đối tác trong thời gian gần đây, bao gồm cả những đồng minh thân cận như Liên minh châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc…, ông Trump đã đe sẽ áp thuế quan từ 20% đến 50% từ 1/8 tới nếu những đối tác này không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Trong khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hôm thứ Hai rằng, chính quyền Mỹ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của các thỏa thuận thương mại hơn là thời điểm. Khi được hỏi liệu thời hạn chót có thể được gia hạn cho các quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán hiệu quả với Mỹ hay không, ông cho biết Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định đó.
Bên cạnh đó, nỗi lo về tính độc lập của Fed cũng đang đè nặng lên các tài sản của Mỹ, bao gồm cả đồng USD.
Mặc dù hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã có lập trường mềm mỏng hơn khi cho biết ông Powell không cần phải từ chức ngay lập tức, mà có thể chờ đến hết nhiệm kỳ vào tháng 5 nếu muốn.
Tuy nhiên, trong phát biểu hôm thứ Ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục chỉ trích Chủ tịch Fed Jerom Powell và cho biết, ông sẽ phải ra đi sau 8 tháng nữa. "Tôi nghĩ ông ta đã làm không tốt, nhưng dù sao thì ông ta cũng sẽ sớm phải ra đi. Trong tám tháng nữa, ông ta sẽ ra đi", ông Trump phát biểu tại cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.
Sau khi để mất 0,6% trong ngày đầu tuần, đồng USD đã phục hồi nhẹ trở lại trong sáng thứ Ba. Tuy nhiên theo các nhà phân tích, đồng bạc xanh vẫn đang chịu nhiều áp lực khi mà thời hạn áp thuế quan 1/8 đang tới gần, cộng thêm nỗi lo về tính độc lập của Fed.
Chưa hết thị trường còn lo ngại về sức khỏe tài chính của Mỹ, nhất là khi dự luật chi tiêu công và giảm thuế, còn gọi là "dự luật lớn và đẹp" đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ mới đây đã công bố phân tích cho thấy, dự luật này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 3.300 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên việc Fed không sớm cắt giảm lãi suất lại đang là một yếu tố hỗ trợ cho đồng USD. Theo đó Fed được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 29-30/7 tới.
“Kịch bản cơ bản của chúng tôi vẫn là dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ và sự phục hồi lạm phát do thuế quan sẽ khiến FOMC sẽ giữ nguyên lãi suất đến năm 2026”, Jonas Goltermann - Phó Giám đốc Kinh tế Thị trường tại Capital Economics cho biết. “Nhưng quan điểm đó rõ ràng phụ thuộc vào ý muốn của Nhà Trắng”, ông nói thêm.
Một yếu tố nữa cũng được cho là sẽ hỗ trợ cho đồng bạc xanh, theo các nhà phân tích, đó là tác động của thuế quan có thể không tồi tệ như suy nghĩ ban đầu. Chẳng hạn như mức thuế mới mà ông Trump công bố với Nhật chỉ là 15%, thấp hơn rất nhiều mức 25% mà ông đưa ra trước đó.
Về diễn biến của các đồng tiền khác, đồng tiền chung euro cũng đang biến động trong biên độ hẹp trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng là có khả năng EU sẽ phải hứng chịu mức thuế quan 30% khi mà triển vọng về một thỏa thuận thương mại có thể chấp nhận được với Mỹ đang mờ nhạt dần.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang theo dõi cuộc họp chính sách của NHTW châu Âu (ECB) sẽ kết thúc vào thứ Năm tới. Mặc dù ECB được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này sau 8 lần cắt giảm liên tiếp, song điều mà các nhà đầu tư quan tâm là những thông báo phát đi sau cuộc họp để nắm bắt về lộ trình chính sách sau đó của cơ quan này.
Hiện thị trường đang kỳ vọng, ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm mà một trong những lý do là sự mạnh lên của đồng euro đang kéo lạm phát trong khu vực giảm nhanh.
Hà Vy