Đồng USD giảm giá sau dữ liệu kinh tế không mấy khả quan của Mỹ

Đồng USD giảm giá sau dữ liệu kinh tế không mấy khả quan của Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Theo đó trên thị trường ngoại hối sáng thứ Sáu, đồng USD tiếp tục suy yếu sau khi đã giảm mạnh trong phiên giao dịch qua đêm sau khi dữ liệu được công bố hôm thứ Năm (15/5) cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ chậm lại, trong khi giá sản xuất bất ngờ giảm vào tháng 4.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này chỉ tăng 0,1% trong tháng 4, thấp hơn nhiều mức tăng 1,7% của tháng 3.
"Tôi nghi ngờ rằng đây không chỉ là vấn đề thuế quan, tôi nghi ngờ rằng có một giọng điệu yếu kém tiềm ẩn trong người tiêu dùng Mỹ", Thierry Wizman - Chiến lược gia về tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie ở New York cho biết. “Đó là thuế quan, nhưng đó cũng là điểm yếu cơ bản trong số người tiêu dùng Mỹ tại thời điểm này và quý 2 sẽ là một quý yếu về tăng trưởng, vì chúng ta đã bước vào quý này với tâm lý không tốt và nhiều bất ổn về chính sách. Và nó vẫn chưa được giải quyết hoàn toàn, bất chấp những gì chúng ta đã làm với Trung Quốc vào cuối tuần trước”.
Trong khi theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,5% vào tháng 4 sau khi không thay đổi vào tháng 3.
Những số liệu trên đã củng cố kỳ vọng của thị trường là Fed có khả năng cắt giảm lãi suất ít nhất hai lần trong năm nay. Thị trường hiện đang định giá Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 56 điểm cơ bản trong năm nay, tăng so với mức 49 điểm cơ bản của mầy ngày trước.
Điều đó khiến đồng USD lại mất đi một động lực hỗ trợ.
Hệ quả là đồng bạc xanh tiếp tục giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong sáng nay. Cụ thể nó giảm 0,14% so với đồng tiền chung xuống mức 1,201 USD/EUR; giảm 0,13% so với bảng Anh xuống mức 1,3315 USD/GBP; giảm 0,26% so với đôla Úc xuống 1,5567 AUD/USD.
Đồng bạc xanh cũng giảm gần 0,3% so với các đồng tiền an toàn như yên Nhật và franc Thụy Sĩ, hiện đang được giao dịch ở mức 145,24 JPY/USD (giảm 0,295%) và 0,8336 CHF/USD (giảm 0,275%).
Hiện chỉ số USD Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm gần 0,2% và đang xoay quanh ngưỡng 100,70. Tuy nhiên USD Index đang trên đà tăng nhẹ 0,3% trong tuần nhờ mức tăng mạnh 1,3% vào thứ Hai.
Kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn cũng khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tiếp tục giảm. Cụ thể lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tiếp tục nối dài mức giảm 7 điểm cơ bản từ đêm qua và gần đây đã giảm một chút ở mức 4,4413%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm đã giảm 1 điểm cơ bản xuống còn 3,9608%.
Nhìn lại diễn biến thị trường ngoại hối tuần qua, đồng USD đã khởi đầu tuần với nhiều động lực, đặc biệt là thỏa thuận đình chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên sự hứng khởi dần tan biến và tâm lý thận trọng đã quay trở lại trong tâm trí của các nhà đầu tư. Bởi theo các nhà phân tích, Mỹ và Trung Quốc chỉ tạm dừng cuộc chiến thương mại trong 90 ngày, còn sau đó thế nào sẽ phụ thuộc vào việc hai bên giải quyết ra sao vấn đề thâm hụt thương mại rất lớn của Mỹ với Trung Quốc.
Trong mấy phiên gần đây, tâm điểm trên thị trường ngoại hối là sự biến động của đồng won Hàn Quốc, khi mà đồng bạc xanh đã giảm mạnh so với đồng won trong hai ngày liên tiếp sau tin tức rằng Mỹ và Hàn Quốc đã thảo luận về vấn đề tỷ giá đôla/won vào đầu tháng này.
“Một lần nữa, đồn đoán rằng Tổng thống Trump ủng hộ đồng đô la yếu hơn đang gia tăng, có khả năng gây sức ép buộc các chính phủ khác phải cho phép đồng tiền của họ tăng giá trong các cuộc đàm phán thương mại”, George Vessey - Chiến lược gia vĩ mô và ngoại hối hàng đầu tại Convera cho biết. “Sự suy yếu của đồng tiền châu Á so với đồng đôla từ lâu đã được coi là một lợi thế cho các nhà xuất khẩu trong khu vực…”.
Theo các nhà phân tích, triển vọng của đồng bạc xanh là rất bất định và phụ thuộc chủ yếu vào chính sách thuế quan của chính quyền ông Trump, đặc biệt là với Trung Quốc. Ngay cả lộ trình chính sách sắp tới của Fed cũng đang phải “căn” theo diễn biến của cuộc chiến thuế quan này.
Trong bài phát biểu vào thứ Năm, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách của Fed cảm thấy họ cần xem xét lại các yếu tố chính xung quanh cả việc làm và lạm phát trong cách tiếp cận hiện tại của họ đối với chính sách tiền tệ.
“Chủ tịch Powell cho biết FOMC sẽ đặt nhiều trọng tâm vào triển vọng lạm phát hơn là việc làm khi thiết lập chính sách tiền tệ sau khi xem xét khuôn khổ chính sách tiền tệ. Điều này cho thấy một rào cản tiềm ẩn cao hơn đối với việc cắt giảm lãi suất của Fed nếu rủi ro lạm phát vẫn ở mức tăng”, Kristina Clifton - Chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Commonwealth Bank of Australia cho biết.
“Chúng tôi dự báo FOMC sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Nhưng rủi ro nằm ở việc cắt giảm ít hơn nếu lạm phát tăng”, Chiến lược gia này cho biết.
Khi căng thẳng thương mại dường như đã tạm thời lắng dịu, một số công ty môi giới lớn, bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan và Barclays, đã thu hẹp dự báo suy thoái kinh tế của Mỹ và quan điểm của họ về việc nới lỏng chính sách của Fed trong tuần này.
Hà Vy
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/dong-usd-giam-gia-sau-du-lieu-kinh-te-khong-may-kha-quan-cua-my-164316.html