Theo thông tin cập nhật trên MarketWatch, hiện chỉ số đồng USD (DXY - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với 6 loại tiền tệ chủ chốt trên thế giới) dao động trong khoảng 98,34 – 98,53 điểm.
Tờ New York Times cho hay, đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới đã suy yếu hơn 10% trong 6 tháng qua khi so sánh với rổ tiền tệ của các đối tác thương mại lớn của Mỹ. Lần gần nhất đồng USD suy yếu nhiều như vậy là vào năm 1973, sau khi Hoa Kỳ thực hiện một bước chuyển lớn, chấm dứt sự liên kết giữa đồng đô la và giá vàng.
Đồng USD rớt giá mạnh so với các loại tiền tệ chính như euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển và franc Thụy Sĩ. (Nguồn: FactSet)
Đồng USD tiếp tục trượt dốc ngay cả khi Tổng thống Donald Trump đã rút lại lời đe dọa áp thuế và thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi sau những tổn thất. Lần này, sự kiện chấn động chính là nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm tái thiết trật tự thế giới bằng một đợt áp thuế quan mạnh mẽ và chính sách đối ngoại cô lập hơn.
Sự kết hợp giữa các đề xuất thương mại của ông Trump, nỗi lo lạm phát và nợ công gia tăng đã gây áp lực lên đồng đô la Mỹ, vốn cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm niềm tin vào vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Đồng USD không còn giữ được vai trò trú ẩn an toàn?
Theo đánh giá của ông Steve Englander, Giám đốc toàn cầu của bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Standard Chartered, vấn đề không phải là đồng đô la yếu hay đồng đô la mạnh. “Vấn đề là: Giá trị đồng USD thấy cách thế giới nhìn nhận các chính sách của Mỹ,” ông Steve Englander nói.
Ảnh minh họa: AI
Ban đầu, đồng USD tăng vọt sau khi ông Trump tái đắc cử. Giống như các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, những người chơi tiền tệ coi ông là người ủng hộ tăng trưởng và ủng hộ doanh nghiệp, có khả năng thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới và làm tăng nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ.
Sự tăng giá đó đã không kéo dài. Sau khi đạt đỉnh vào giữa tháng 1/2025, chỉ số đô la Mỹ bắt đầu trượt dốc. Hy vọng về một chính quyền thân thiện với doanh nghiệp đã nhường chỗ cho lo ngại về lạm phát dai dẳng và tác động của lãi suất vốn đã cao đối với nền kinh tế và các công ty trên thị trường chứng khoán.
Sau đó, ông Trump bất ngờ tuyên bố áp thuế quan cao hơn rất nhiều so với dự đoán của bất kỳ nhà kinh tế, nhà đầu tư hay nhà phân tích nào, khiến thị trường - từ cổ phiếu, trái phiếu đến đồng đô la Mỹ - rơi vào hoảng loạn.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng tác động lạm phát từ thuế quan có thể khiến lãi suất tăng cao trong thời gian dài hơn, gây áp lực lên một nền kinh tế vốn đã bắt đầu cho thấy một số dấu hiệu suy yếu. Đối với các nhà đầu tư Mỹ, đồng đô la yếu hơn có thể khuyến khích họ tìm kiếm cơ hội đầu tư bên ngoài nước Mỹ.
Thông thường, khi các nhà đầu tư lo lắng, họ tìm kiếm các tài sản mà họ tin tưởng sẽ giữ giá trị trong thời kỳ hỗn loạn. Tuy nhiên, những lo ngại về đồng USD đã làm đồng tiền này suy yếu hơn nữa ngay cả trong điều kiện giao dịch đầy biến động, cho thấy đồng tiền này không còn giữ được vai trò trú ẩn an toàn như trước đối với các nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại.
"Việc phi đô la hóa toàn diện, nếu có xảy ra, vẫn còn rất xa vời", ông Rick Rieder, giám đốc đầu tư trái phiếu toàn cầu tại BlackRock nhận định trong báo cáo triển vọng quý mới nhất của công ty quản lý quỹ này.
Đồng USD suy yếu có tác động thế nào?
Các nhà phân tích trên trang ABC News cho biết, đồng đô la Mỹ yếu hơn có thể dẫn đến giá hàng nhập khẩu cao hơn và chi phí cho khách du lịch nước ngoài cũng tăng cao hơn.
Giá cả dự kiến tăng đối với người tiêu dùng Mỹ xuất phát từ việc chi phí mà các nhà nhập khẩu phải đối mặt khi thanh toán hàng hóa bằng đồng đô la Mỹ tăng cao. Công ty nước ngoài có thể sẽ yêu cầu mức giá cao hơn vì đồng đô la do khách hàng thanh toán có sức mua thấp hơn so với trước đây.
Ảnh minh họa: Trần Ngọc/VOV.VN
Giáo sư Richard Michelfelder tại Đại học Rutgers cho rằng, khả năng giá hàng nhập khẩu tăng vọt có thể làm gia tăng rủi ro lạm phát do thuế quan gây ra, nhưng việc tăng giá liên quan đến đồng USD sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Đồng đô la yếu hơn cũng có nghĩa là du khách Mỹ ở nước ngoài có thể phải đối mặt với chi phí cao hơn vì số tiền trong túi họ sẽ được chuyển đổi với tỷ giá thấp hơn với ngoại tệ, nhà phân tích cho biết.
Tuy nhiên, sự suy yếu của đồng đô la Mỹ cũng mang lại một số lợi ích. Người mua nước ngoài sẽ phải đối mặt với mức giá thấp hơn khi mua hàng hóa của Mỹ, đồng nghĩa với việc các nhà xuất khẩu có thể được hưởng lợi khi sản phẩm của họ trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Trần Ngọc/VOV.VN (lược dịch) Nguồn: NY Times, ABC News, MarketWatch