Đồng USD vẫn chịu nhiều áp lực

Đồng USD vẫn chịu nhiều áp lực
10 giờ trướcBài gốc
Trong các bức thư gửi tới nhiều đối tác trong thời gian gần đây, bao gồm cả những đồng minh thân cận như Liên minh châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc…, ông Trump đã đe sẽ áp thuế quan từ 20% đến 50% từ 1/8 tới nếu những đối tác này không đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Chẳng hạn ông Trump áp mức thuế lên tới 35% với Canada; trong khi mức thuế 30% được áp dụng đối với EU và Mexico; còn Nhật Bản và Hàn Quốc, mức thuế là 25%.
Hiện chỉ còn hơn một tuần nữa là đến thời hạn 1/8, tuy nhiên thông tin về các cuộc đàm phán thương mại giữa các đối tác với Mỹ vẫn còn rất khiêm tốn.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết hôm thứ Hai rằng chính quyền quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của các thỏa thuận thương mại hơn là thời điểm của chúng. Khi được hỏi liệu thời hạn 1/8 có thể được gia hạn cho các quốc gia đang tham gia các cuộc đàm phán hiệu quả với Mỹ hay không, Bessent cho biết Tổng thống Trump sẽ là người đưa ra quyết định đó.
Sự bất ổn về tình trạng áp thuế quan cuối cùng trên toàn cầu đã gây áp lực lớn lên thị trường ngoại hối, khiến phần lớn các đồng tiền chỉ biến động trong biên độ hẹp.
Theo đó sau khi để mất 0,6% giá trị trong ngày đầu tuần, đồng USD đã phục hồi nhẹ trở lại so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong sáng thứ Ba (21/7). Cụ thể đồng bạc xanh tăng 0,03% so với đồng tiền chung euro lên 1,1691 USD/EUR và tăng 0,05% so với đồng bảng Anh lên 1,3479 USD/GBP. Nó cũng tăng 0,025% so với đồng đôla Canada lên 0,7305 USD/CAD.
Tuy nhiên đồng tiền dự trữ sô một thế giới vẫn giảm nhẹ 0,4% so với đồng franc Thụy Sĩ an toàn, cho thấy tâm lý lo ngại rủi ro vẫn đang chi phối.
Hiện chỉ số USD Index đang xoay quanh mức 97,85.
Theo các nhà phân tích, hiện đồng USD vẫn đang chịu nhiều áp lực. Thứ nhất là vẫn chưa rõ các mức thuế quan cuối cùng mà Mỹ áp dụng cho các đối tác là bao nhiêu và vì thế cũng chưa rõ tác động của nó thế nào đối với triển vọng kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Thứ hai, thị trường cũng lo ngại về sức khỏe tài chính của Mỹ, nhất là khi dự luật chi tiêu công và giảm thuế, còn gọi là "dự luật lớn và đẹp" đã được Tổng thống Donald Trump ký ban hành thành luật. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ mới đây đã công bố phân tích cho thấy, dự luật này sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang khoảng 3.300 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Chưa hết các nhà đầu tư còn lo ngại về tính độc lập của Fed khi mà ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Chủ tịch Jerome Powell và thúc giục ông từ chức vì Fed chậm giảm lãi suất.
Tuy nhiên việc Fed không sớm cắt giảm lãi suất lại đang là một yếu tố hỗ trợ cho đồng USD.
“Kịch bản cơ bản của chúng tôi vẫn là dữ liệu kinh tế vững chắc của Mỹ và sự phục hồi lạm phát do thuế quan sẽ khiến FOMC sẽ giữ nguyên lãi suất đến năm 2026”, Jonas Goltermann - Phó Giám đốc Kinh tế Thị trường tại Capital Economics cho biết. “Nhưng quan điểm đó rõ ràng phụ thuộc vào ý muốn của Nhà Trắng”, ông nói thêm.
Một yếu tố nữa cũng được cho là sẽ hỗ trợ cho đồng bạc xanh, theo các nhà phân tích, đó là tác động của thuế quan sẽ không tồi tệ như suy nghĩ ban đầu. Thierry Wizman - Chiến lược gia ngoại hối và lãi suất toàn cầu tại Macquarie Group cho biết: “Không có gì xảy ra vào ngày 1/8 nhất thiết là vĩnh viễn, miễn là chính quyền Mỹ vẫn sẵn sàng đàm phán, như đã được chỉ ra trong các bức thư của ông Trump từ hai tuần trước”.
Về diễn biến của các đồng tiền khác, đồng tiền chung euro giảm so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng trước cuộc họp chính sách của NHTW châu Âu (ECB).
Mặc dù ECB được dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp này sau 8 lần cắt giảm liên tiếp, song điều mà các nhà đầu tư quan tâm là những thông báo phát đi sau cuộc họp để nắm bắt về lộ trình chính sách sau đó của cơ quan này.
Hiện thị trường đang kỳ vọng, ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm mà một trong những lý do là sự mạnh lên của đồng euro đang kéo lạm phát trong khu vực giảm nhanh.
Một lý do nữa khiến các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng là có khả năng EU sẽ phải hứng chịu mức thuế quan 30% khi mà triển vọng về một thỏa thuận thương mại có thể chấp nhận được với Mỹ đang mờ nhạt dần. Thậm chí theo các nhà ngoại giao EU, EU đang xem xét một loạt các biện pháp đối phó khả thi hơn đối với Mỹ.
Đồng yên Nhật cũng quay đầu giảm trở lại sau khi đã tăng khá mạnh vào thứ Hai sau kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào cuối tuần trước, cho thấy phản ứng của thị trường không quá nghiêm trọng như những gì mà giới quan sát lo ngại.
Theo đó đồng yên Nhật quay đầu giảm nhẹ 0,03% xuống còn 147,46 JPY/USD sau khi đã tăng 1% trong ngày hôm qua.
Tuy nhiên theo Lee Hardman - Chuyên gia phân tích tiền tệ cấp cao của MUFG, việc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shigeru Ishiba mất quyền kiểm soát Thượng viện có thể làm phức tạp thêm việc đạt được một thỏa thuận thương mại kịp thời với Mỹ, gây ra rủi ro suy giảm cho nền kinh tế Nhật Bản và đồng yên.
Hà Vy
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/dong-usd-van-chiu-nhieu-ap-luc-167650.html