Đồng USD giao dịch gần mức đáy 6 tháng so với yên Nhật
Theo các nhà phân tích, phần lớn sự biến động ảnh hưởng đến đồng USD và khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt vào tuần trước dường như đã giảm bớt phần nào vào thứ Ba.
Tuy nhiên đồng bạc xanh vẫn giao dịch gần mức thấp nhất trong 3 năm so với đồng euro và mức thấp nhất trong 6 tháng so với đồng yên, vì các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với tài sản của Mỹ do lo ngại sự bất định xung quanh chính sách thuế quan của ông Trump.
Trong khi đó, đồng Euro, một trong những đồng tiền hưởng lợi lớn nhất từ việc bán tháo tài sản của Mỹ trong tháng này, đã yếu hơn một chút trong ngày ở mức 1,1336 USD, thấp hơn một chút so với mức cao nhất trong 3 năm của tuần trước là 1,1474 USD.
Đồng USD cũng chỉ yếu hơn một chút so với yên Nhật, ở mức 142,99 JPY/USD, gần với mức thấp nhất trong 6 tháng là 142,05 JPY/USD vào thứ Sáu tuần trước.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm so với đồng franc Thụy Sĩ vào tuần trước, đồng USD đã tăng 0,2% vào thứ Ba. Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã giảm gần 8% so với đồng franc Thụy Sĩ trong tháng này, chuẩn bị cho mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 12/2008.
Các loại tiền tệ có liên quan nhiều hơn đến rủi ro đã có một đợt tăng giá. Đồng bảng Anh tăng 0,1% lên 1,347 USD, trong khi đồng đôla Úc tăng 0,7% lên 0,6371 USD và đồng đôla New Zealand tăng 0,71% lên 0,592 USD, gần mức cao nhất trong bốn tháng rưỡi.
Chỉ số USD Index vẫn đang xoay quanh mức 99,64, không xa mức thấp nhất trong 3 năm thiết lập vào tuần trước. Chỉ số này đã giảm hơn 4% trong tháng này, hướng đến mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2022.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng nhẹ 2 điểm cơ bản lên 4,38% sau khi giảm gần 13 điểm cơ bản trong phiên trước. Lợi suất tăng khoảng 50 điểm cơ bản vào tuần trước - mức tăng hàng tuần lớn nhất trong hơn 20 năm.
“Tuần trước là tất cả về việc giảm đòn bẩy, thanh lý và phân bổ lại tài sản ra khỏi các tài sản của Mỹ. Tuần này gcó vẻ bình tĩnh hơn trong một tuần lễ ngắn ngủi vì kỳ nghỉ”, Prashant Newnaha - chiến lược gia lãi suất cao cấp tại Châu Á - Thái Bình Dương tại TD Securities cho biết và nói thêm, sự ổn định này của đồng USD một phần cũng nhờ “những bình luận ôn hòa từ các quan chức Fed, cho thấy họ đang nhìn xa hơn lạm phát”.
Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết hôm thứ Hai rằng các chính sách thuế quan của chính quyền Trump là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Hoa Kỳ, có thể khiến Fed phải cắt giảm lãi suất để ngăn chặn suy thoái ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Dữ liệu của LSEG cho thấy, các nhà giao dịch đang đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất 86 điểm cơ bản trong thời gian còn lại của năm.
Tuy nhiên sự bất ổn xung quanh chính sách thuế quan của ông Trump khiến các nhà phân tích dự đoán “sự bình yên” đối với đồng USD sẽ không kéo dài. Trên thực tế, việc Trump áp đặt và sau đó đột ngột hoãn lại hầu hết các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã gieo rắc sự nhầm lẫn, làm tăng thêm sự bất ổn cho các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới.
Theo chiến lược gia Antje Praefcke của Commerzbank, mỗi lần đảo ngược trong 'thỏa thuận' của mình, ông Trump lại phá hủy thêm sự an toàn trong kế hoạch và thậm chí là lòng tin. “Đó là lý do tại sao cuối cùng tôi không mong đợi bất kỳ sự phục hồi đáng kể nào đối với đồng đôla Mỹ miễn là sự bất ổn này vẫn tiếp diễn”, ông viết trong một ghi chú.
Hà Vy