Đồng Văn kể câu chuyện đổi đời trên đá xám

Đồng Văn kể câu chuyện đổi đời trên đá xám
5 giờ trướcBài gốc
Bà con các dân tộc xã biên giới Đồng Văn vừa giữ gìn văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế một cách hài hòa. Ảnh: Phương Thùy
Đánh thức miền đá ngủ quên
Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi từng được mệnh danh là “nơi đá cũng nở hoa”, nay lại thực sự “nở hoa”, nhưng là hoa của du lịch, của hi vọng no ấm. Những năm trước đây, Đồng Văn chủ yếu gắn liền với hình ảnh của những bản làng nằm cheo leo bên triền núi, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sản xuất nông nghiệp hạn chế. Bà con sống chủ yếu nhờ vào trồng ngô, nuôi bò và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Nhưng giờ đây, sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, những tiềm năng về du lịch tự nhiên và văn hóa đã bắt đầu được khai thác mạnh mẽ. Từ thị trấn Đồng Văn cổ kính đến các xã vùng cao như Sảng Tủng, Phó Bảng, Lũng Táo, Lũng Cú..., dòng khách du lịch bắt đầu đổ về ngày một đông. Không còn là những người chỉ đứng bên lề dòng khách du lịch, giờ đây, người dân tộc thiểu số ở xã Đồng Văn đang trở thành những “chủ nhà”, những người kể chuyện, hướng dẫn viên, nghệ nhân biểu diễn, đầu bếp bản địa. Điều quan trọng là họ không phải “diễn” mà sống thật với chính bản sắc của mình, đó mới là điều giữ chân du khách. Anh Giàng Mí Vừ, chủ homestay ở xã Sà Phìn chia sẻ: “Khách du lịch không chỉ đến để ngắm cảnh mà họ còn muốn được ăn, ở, trải nghiệm cuộc sống như một người dân bản địa. Chính điều đó đã mở ra cho người dân chúng tôi hướng phát triển kinh tế mới từ chính ngôi nhà, thửa ruộng, bộ trang phục truyền thống mà bấy lâu chỉ dùng trong lễ, Tết”.
Ở thôn Lô Lô Chải dưới chân cột cờ Lũng Cú, những mái nhà trình tường nhuốm màu thời gian giờ đây đã trở thành homestay đón khách trong và ngoài nước. Không cần xây mới, không phá vỡ cảnh quan, chỉ cần giữ nguyên như cũ, chỉ thêm một vài tấm đệm, nhà vệ sinh sạch sẽ, một vài món ăn dân tộc thế là du khách đã mê mẩn. Cùng với chỗ nghỉ, bà con còn tham gia các hoạt động trình diễn khèn Mông, dạy thêu khăn, nấu thắng cố, giã bánh giầy..., tạo ra nguồn thu ổn định và đều đặn quanh năm. Theo thống kê của huyện Đồng Văn, hiện, toàn huyện có gần 200 hộ làm du lịch cộng đồng, trung bình mỗi hộ có thu nhập từ 70-150 triệu đồng/năm - một con số từng là “mơ ước” với nhiều hộ đồng bào trước đây.
Khai thác bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển bền vững
Bài học lớn nhất mà xã Đồng Văn đang cho thấy là phát triển du lịch không đồng nghĩa với bê tông hóa, không phải “làm mới” văn hóa mà ngược lại, càng giữ được nguyên bản, càng độc đáo, càng hút khách.
Những homestay ở Lô Lô Chải gây ấn tượng bởi nét kiến trúc mộc mạc nhưng vô cùng độc đáo. Ảnh: Phương Thùy
Tại xã Sà Phìn - nơi từng nổi tiếng qua bộ phim "Chuyện của Pao", chị Mua Thị Chía, người dân tộc Mông đã mạnh dạn cải tạo ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi thành điểm du lịch, vừa là homestay, vừa là nơi trình diễn dệt lanh, thêu thổ cẩm. Mỗi năm, chị đón hơn 2.000 lượt khách, tạo việc làm thêm cho gần chục phụ nữ trong bản. “Khách du lịch bây giờ rất thích được "chạm tay" vào văn hóa” - chị Chía chia sẻ: “Họ muốn tận mắt thấy cách nhuộm chàm, muốn tự tay nấu bữa ăn người Mông. Nhờ đó mà những nghề tưởng đã mai một như dệt lanh, làm khèn, thêu váy truyền thống lại được hồi sinh”. Không chỉ riêng Sà Phìn, nhiều xã khác như Lũng Cú, Khâu Vai, Phó Bảng... cũng đang nỗ lực giữ gìn không gian văn hóa truyền thống, phục dựng lễ hội, khôi phục nghề thủ công để gắn với hoạt động du lịch. Những nét riêng này giúp du lịch xã Đồng Văn không bị “pha loãng”, không lặp lại như nhiều điểm du lịch đại trà khác.
Thành công của Đồng Văn hôm nay không thể tách rời những chính sách hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương. Từ việc hỗ trợ tập huấn làm du lịch, kỹ năng đón tiếp khách, hỗ trợ vay vốn cải tạo nhà cửa, đến quảng bá du lịch qua các lễ hội như: “Lễ hội hoa tam giác mạch”, “Chợ tình Khâu Vai”, “Ngày hội văn hóa Mông toàn quốc”... đều góp phần đưa hình ảnh Đồng Văn ra xa hơn. Xã biên giới Đồng Văn là nơi sinh sống của 18 dân tộc anh em. Ẩn chứa trong mỗi vùng đất là những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời và thiên nhiên độc đáo như những “viên ngọc thô” đang chờ được đánh thức. Nếu văn hóa bị thương mại hóa, bị mất gốc, thì du lịch cũng sẽ "chết" theo. Để phát triển du lịch bền vững, việc khơi dậy và phát huy tiềm năng du lịch tại các địa phương không chỉ là cơ hội, mà còn là nhiệm vụ quan trọng. Qua đó, giúp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần tạo sinh kế cho người dân, giữ gìn văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế một cách hài hòa. Đặc biệt là khơi dậy niềm tự hào, ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc vùng miền. Khi mỗi địa phương biết tận dụng và tôn vinh đúng tiềm năng của mình, du lịch sẽ không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là cầu nối văn hóa, là động lực phát triển bền vững, toàn diện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả, du lịch Đồng Văn cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Tình trạng xây dựng trái phép để đón khách, mất cân bằng giữa bảo tồn và khai thác, ô nhiễm môi trường từ rác thải du lịch... đang dần lộ rõ. Một số thanh niên bỏ nghề nông, chạy theo “làm homestay”, nhưng thiếu kiến thức vận hành khiến thất bại, nợ nần chồng chất. Một số bản làng bắt đầu có hiện tượng thương mại hóa quá mức các giá trị truyền thống, biến lễ hội thành “diễn”, nhà cổ thành điểm check-in nhạt nhòa... Để khắc phục, xã Đồng Văn đang từng bước siết lại quy hoạch phát triển du lịch, phân vùng điểm đến phù hợp, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về du lịch bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển sinh kế.
Từ một vùng đất chỉ có đá và sương, Đồng Văn đang “nở hoa” trên hành trình phát triển mới. Không ồn ào, không vội vã, nhưng từng bước đi đều in dấu nỗ lực của chính quyền và sự đồng hành của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển du lịch không chỉ mang về nguồn thu mà quan trọng hơn, nó đánh thức niềm tự hào văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh và khơi dậy khát vọng vươn lên làm giàu của đồng bào vùng cao.
Giữa mênh mông đá xám, giữa những con đường quanh co lên đỉnh trời, Đồng Văn đang kể câu chuyện đổi đời bằng chính giọng nói, bước chân, nụ cười của người dân bản địa. Một hành trình dài, nhưng đầy hứa hẹn như chính mùa hoa tam giác mạch rực rỡ sau những ngày gió lạnh.
Phương Thùy
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/dong-van-ke-cau-chuyen-doi-doi-tren-da-xam-post491904.html