Dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực công nghệ cao chưa tương xứng với kỳ vọng

Dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực công nghệ cao chưa tương xứng với kỳ vọng
5 giờ trướcBài gốc
Chỉ 5% vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao
Ngày 23.4, Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 3, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỉ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.
Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025 - Vietnam Connect Forum 2025
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cho rằng vẫn còn tồn tại không ít hạn chế trong thu hút và sử dụng FDI.
Ví dụ như quy mô và trình độ công nghệ của các dự án FDI còn hạn chế; nhiều dự án chưa thực sự tạo giá trị gia tăng cao; thiếu liên kết giữa khu vực doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; tỷ lệ nội địa hóa thấp, khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu được vào các chuỗi giá trị; các nhà đầu tư cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Ngoài ra, vẫn còn xảy ra hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại, đặc biệt là vấn đề “đội lốt, tráng men xuất xứ” sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương
Theo ông Sơn, trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, làm dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Dòng vốn FDI trên thế giới cũng dần thay đổi theo hướng giảm phụ thuộc vào một quốc gia mà thay bằng gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, R&D, trí tuệ nhân tạo cũng như gắn với các tiêu chuẩn ESG, năng lượng tái tạo, giảm phát thải. Bên cạnh đó, yếu tố an toàn chuỗi cung ứng và ổn định chính trị ngày càng được xem là nền tảng trong các quyết định đầu tư.
“Đối với Việt Nam, lợi thế cạnh tranh không chỉ đến từ quy mô thị trường gần 100 triệu dân và mức tiêu dùng gia tăng nhanh chóng, mà còn nhờ mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do. Là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, Việt Nam tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Lim Dyi Chang - Giám đốc Cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam đánh giá trong bối cảnh những dịch chuyển sâu rộng đang tái định hình cục diện thương mại toàn cầu, Việt Nam không chỉ đang nổi lên như một điểm sáng về thu hút dòng vốn FDI, mà còn là một trong những thị trường tiềm năng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.
Cải cách sâu rộng để thu hút dòng vốn FDI chất lượng
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị.
Theo ông Trung, một trụ cột quan trọng trong nâng tầm chất lượng FDI chính là đội ngũ nhân lực trong nước. Nhiều chuyên gia Việt Nam hiện đã và đang đảm nhận các vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy Việt Nam có một môi trường tốt và phù hợp cho các doanh nghiệp FDI.
"Việt Nam đang có một môi trường rất phù hợp để các doanh nghiệp FDI phát triển. Nhưng để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau, cần sự chia sẻ và đóng góp từ chính cộng đồng doanh nghiệp FDI", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung
Ông Trung khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách các thủ tục thuế, hải quan và hành chính liên quan đến đầu tư theo hướng tự động hóa, số hóa, minh bạch và giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi quyết tâm cải cách sâu rộng ở nhiều khâu, từ chính sách thuế, thủ tục hải quan đến các quy trình đầu tư. Mục tiêu là nâng cao hiệu suất, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam", ông Trung nêu.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cho hay Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, trong đó có các cải cách có tính cách mạng như tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị)…
“Những thay đổi mang tính chiến lược này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với việc định hình lại chính sách thu hút, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài. Thay vì thu hút đại trà, Việt Nam đang chuyển sang chiến lược chọn lọc, định hướng rõ ràng hơn vào các dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, có tính kết nối chuỗi, trung tâm R&D và công nghiệp nền tảng”, ông Sơn nêu.
Để phát huy tối đa tiềm năng này, ông Lim Dyi Chang cho rằng Việt Nam cần chuyển mình từ một quốc gia tiếp nhận vốn đơn thuần thành một đối tác chiến lược, chủ động tạo ra giá trị.
“Đặc biệt, thành công của chiến lược FDI không chỉ được đo bằng lượng vốn thu hút, mà quan trọng hơn là hiệu quả mà dòng vốn đó mang lại, qua việc nâng cao năng lực ngành, phát triển cộng đồng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của khu vực”, ông Lim Dyi Chang khuyến nghị.
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/dong-von-fdi-chay-vao-linh-vuc-cong-nghe-cao-chua-tuong-xung-voi-ky-vong-231873.html