Những năm qua, huyện Quang Bình đã xác định các khâu đột phá để phát triển KT - XH, tập trung mạnh vào xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện chương trình Nông thôn mới (NTM). Với quyết tâm chính trị cao, cách làm chủ động, sáng tạo và sự đồng thuận của Nhân dân, khâu đột phá này đã mang lại thành tựu rõ nét, góp phần thay đổi diện mạo quê hương.
Nền tảng cho phát triển bền vững
Xác định hạ tầng là nền tảng, động lực để thúc đẩy các lĩnh vực phát triển, huyện Quang Bình đã tận dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xã hội hóa để xây dựng các công trình. Cơ chế đặc thù được áp dụng linh hoạt, phân cấp cho các xã, thị trấn làm chủ đầu tư các dự án, qua đó, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của cơ sở. Kế hoạch đầu tư bài bản, gắn với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH và định hướng phát triển đô thị, nông thôn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các công trình, đặc biệt là công trình trọng điểm nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 178, Tỉnh lộ 183.
Người dân Quang Bình mong chờ dự án cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 183 sớm hoàn thiện để tạo đà phát triển kinh tế.
Giai đoạn 2020 - 2025, toàn huyện đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 91 công trình thủy lợi; 64 công trình trường, lớp học; 19 tuyến đường trung tâm huyện. Ngoài ra, huyện đã làm mới 365 km đường giao thông nông thôn; xây dựng 21 công trình điện; 5 nhà sinh hoạt cộng đồng; 3 chợ trung tâm xã; 35 cây cầu; khu tái định cư cho người dân vùng lũ thôn Đồng Tâm. Những công trình hạ tầng sau khi hoàn thiện, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, giao thương, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, cũng là tiền đề thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại và du lịch tại địa phương.
Để đẩy nhanh tiến độ thi công, rút ngắn thời gian hoàn thành các công trình còn lại, cấp ủy, chính quyền huyện đã thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với nhà thầu, đơn vị thi công kịp thời nắm bắt khó khăn, đảm bảo an toàn, chất lượng công trình. Đơn cử như tại dự án cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 183, có tổng chiều dài tuyến 36,5 km, do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình tỉnh làm chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí trên 300 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, một số vướng mắc trong thi công, đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời cột điện đang khẩn trương được tháo gỡ. Người dân mong chờ tuyến đường xong từng ngày, kết nối thuận lợi với huyện Bắc Quang và huyện Lục Yên (Yên Bái), tạo đà cho sự phát triển kinh tế vùng.
Nông thôn đổi mới
Đi đôi với phát triển hạ tầng, Chương trình xây dựng NTM được huyện coi là khâu đột phá quan trọng, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trên cơ sở đó, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân xây dựng NTM với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Tuyến đường bê tông nối thôn Cao Sơn và Hồng Sơn, xã Tiên Nguyên được người dân hiến hàng trăm mét đất mở rộng.
Nhờ lồng ghép hiệu quả các nguồn lực và phát huy nội lực trong dân, phong trào xây dựng NTM ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, huyện đã phát động và duy trì “Ngày thứ Bảy vì NTM” với 890 đợt ra quân, thu hút trên 35.000 lượt người tham gia. Qua đó, người dân đã đóng góp gần 60.000 ngày công lao động, hiến gần 102.000 m2 đất, ủng hộ vật liệu xây dựng trị giá hơn 92 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sức dân, huyện đã làm được 62 công trình đường bê tông; hàng chục công trình thủy lợi các loại; 40 dự án công trình điện; 17 công trình trường học; xây mới và nâng cấp sửa chữa 60 nhà văn hóa; hỗ trợ 14 dự án liên kết phát triển kinh tế. Tính đến nay, có 9/14 xã đạt chuẩn NTM. Nhiều công trình phục vụ cho đời sống, các thiết chế văn hóa mọc lên khang trang, hiện đại.
Ông Hầu Văn Lử, Bí thư Chi bộ thôn Nà Béng, xã Nà Khương chia sẻ: “Thôn có 50 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện chủ trương xây dựng NTM và với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tôi đã hiến hơn 3.000 m2 đất của gia đình để mở rộng tuyến đường liên thôn, làm sân bóng và nhà văn hóa thôn. Tôi cũng đóng góp thêm tiền mặt để san gạt mặt bằng, vận động các hộ dân cùng tham gia phong trào hiến đất mở đường, thu gom rác thải, chăn nuôi gia súc xa nhà, giữ gìn vệ sinh môi trường. Bà con hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài nên rất đồng tình, chung tay vun đắp xây dựng NTM đẹp hơn, sáng hơn”.
Những kết quả đạt được trong 2 khâu đột phá lớn đã và đang mang lại sức sống mới cho vùng đất và con người nơi đây. Điều đó càng khẳng định niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để cùng chung tay xây dựng huyện Quang Bình giàu đẹp, văn minh.
Bài, ảnh: MỘC LAN