(Tiếp theo và hết)
Kỳ II. Đột phá chất lượng nguồn nhân lực số
Việc triển khai quyết liệt các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực số (NLS) đã huy động được sự vào cuộc của các ngành, các địa phương, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự hưởng ứng tích cực của người dân nên đã nhanh chóng đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần quan trọng vào việc đưa Nam Định sớm hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX về chuyển đổi số (CĐS) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và trở thành điển hình của cả nước trong việc cung cấp dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình. Nam Định luôn nằm trong tốp dẫn đầu bảng xếp hạng của Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Người dân đăng ký thực hiện thủ tục hành chính tại trung tâm giao dịch hành chính huyện Hải Hậu.
Những kết quả đáng ghi nhận
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, đến nay nhiều chỉ tiêu về NLS của tỉnh đã đạt và vượt so với yêu cầu đề ra. Trong đó có gần 2.000 công chức, viên chức chuyên trách và kiêm nhiệm về CĐS ở các ngành, các địa phương; 142 công chức, viên chức chuyên trách kiêm nhiệm về an toàn thông tin mạng; 96,26% số người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số; 90% người dân được phổ cập kỹ năng số cơ bản trên các nền tảng số Cốc Cốc, trực tuyến mở Onetouch, mạng xã hội… Đặc biệt Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng có 40 thành viên (là cán bộ của Sở TT và TT và các sở, ngành chức năng, được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin (CNTT) từ trình độ đại học trở lên) thường xuyên được củng cố và phát triển. Lực lượng này đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin mạng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; an toàn dữ liệu của các cơ quan, quản lý Nhà nước và có đủ năng lực, trình độ tham gia đầy đủ các cuộc diễn tập quốc gia và quốc tế về ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng… Bên cạnh lực lượng tại chỗ, trung bình mỗi năm tỉnh có trên 1.500 sinh viên chuyên ngành CNTT và truyền thông tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn ra trường, đây là nguồn bổ sung quan trọng vào nguồn NLS của tỉnh. Ngành Giáo dục đã tổ chức giảng dạy môn Tin học cho học sinh ở 509 trường học các cấp và xây dựng mô hình trường học thông minh để chuẩn bị hành trang cho thế hệ tương lai trở thành những công dân số.
Kết quả đột phá về phát triển nguồn NLS đã góp phần đưa Nam Định nhanh chóng trở thành điển hình của cả nước trong việc cung cấp thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình với 1.286/1.705 dịch vụ công của tỉnh (tương đương 75%) đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ đạt gần 60%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được thực hiện bằng hình thức trực tuyến đạt hơn 96%; tỷ lệ hồ sơ có phát sinh thanh toán trực tuyến đạt gần 90%; 100% kết quả thủ tục hành chính được số hóa và trả kết quả điện tử. Nam Định luôn nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng của Cổng dịch vụ công quốc gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về CNTT, lực lượng chính thực hiện CĐS trên địa bàn được bố trí chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương. Còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc CĐS. Một số cơ quan, đơn vị chưa có đủ nguồn nhân lực phục vụ cho CĐS và chưa đáp ứng được sự đổi mới liên tục của công nghệ. Nhu cầu cần hỗ trợ của người dân là rất lớn trong khi lực lượng tham gia công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân lại ít. Nhiều tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động chưa hiệu quả. Trong khi đó, mục tiêu CĐS đến năm 2025 của tỉnh vẫn còn 2 nhiệm vụ cần phải quyết liệt thực hiện mới có thể hoàn thành mục tiêu đã đề ra là: 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý; đến năm 2025, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn. Đến năm 2030, tỉnh hoàn thành cơ bản CĐS và xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với Trung ương và hệ thống các đô thị thông minh trên toàn quốc; thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ số đánh giá CĐS.
Giải pháp thúc đẩy nguồn nhân lực số
Phát triển NLS là yếu tố then chốt trong CĐS. Để phát triển NLS hiệu quả, bền vững cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Trong đó, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển NLS và các sở, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số; doanh nghiệp là nhân tố trung tâm trong đầu tư, chuyển đổi và thích ứng với công nghệ số, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn NLS bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của CĐS nói chung và NLS nói riêng. Chú trọng phát triển nguồn NLS trong các cơ quan quản lý Nhà nước và người dân thông qua việc đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng số. Cùng với đó, UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đặc thù với cán bộ, công chức, viên chức phụ trách CNTT, CĐS trong các cơ quan Nhà nước. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CĐS; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo nhân lực, xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo về công nghệ. Trước mắt, tỉnh sẽ phát huy vai trò của cơ quan Nhà nước làm “cầu nối” giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động; ưu tiên nguồn nhân lực có chuyên môn CNTT đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thực tế… Tổ chức chương trình dạy và học về kỹ thuật số; chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên và đầu tư nâng cấp trang thiết bị; đổi mới cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường học, cơ sở giáo dục để hình thành thói quen số, văn hóa số…; nhanh chóng nghiên cứu đổi mới, cập nhật chương trình dạy học và đào tạo chuyên sâu các công nghệ mới, có tính ứng dụng cao tại các trường cao đẳng, đại học; xây dựng mạng lưới thư viện điện tử, phần mềm quản lý học tập, đào tạo và phục vụ học tập suốt đời của công dân...
Từ những chính sách đúng sẽ góp phần tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân ra sức sáng tạo, cống hiến, nhiệt huyết với công việc, khắc phục kịp thời những hạn chế về chất lượng đội ngũ NLS hiện nay. Quyết tâm xây dựng thành công chính quyền số, xã hội số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh Nam Định, xứng đáng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương