Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch (Điều 21; khoản 1 Điều 39; khoản 1, 2 Điều 41; khoản 1, 2 Điều 43)
Người dân tham gia Lễ hội đường phố tại Không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Phạm Hùng
Để thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô “ Văn minh -Văn hiến - Hiện đại”, Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định nhiệm vụ: “Tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”.
Trên cơ sở kế thừa các nội dung về văn hóa tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, Điều 21 Luật Thủ đô năm 2024 quy định nhiều biện pháp có tính nổi trội, đột phá nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, các văn bản của Trung ương và TP về phát triển văn hóa, thể thao đồng bộ với phát triển kinh tế, để văn hóa, thể thao, du lịch trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô.
a) Tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát triển các giá trị di sản văn hóa và đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô
- Luật xác định cần tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát triển giá trị văn hóa (khoản 3 Điều 21):
+ Khu vực Ba Đình;
+ Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh;
+ Di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các di sản văn hóa khác được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới;
+ Khu di tích Cổ Loa và các di tích quốc gia đặc biệt khác, các di tích quốc gia, bảo vật quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn TP; di tích cấp TP; di sản văn hóa trong danh mục được kiểm kê;
+ Khu vực Hồ Hoàn Kiếm, khu vực Hồ Tây;
+ Phố cổ, làng cổ, làng nghề, làng có nghề truyền thống tiêu biểu;
+ Công trình kiến trúc có giá trị.
- Về biện pháp thực hiện, Luật quy định trách nhiệm của HĐND TP ban hành: Danh mục cụ thể các khu vực, di tích, di sản, công trình quy định được tập trung nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử; Quy định việc lập hồ sơ quản lý công trình kiến trúc có giá trị, việc hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo vệ khu vực, công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu (khoản 4 Điều 21); Quy định các biện pháp ưu tiên đầu tư nguồn lực và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia cho việc bảo vệ và phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô (khoản 2, Điều 21).
b) Chính sách, chế độ ưu đãi đặc thù đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao
HĐND TP có thẩm quyền quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành hoặc chưa có trong quy định của cơ quan nhà nước cấp trên tùy theo khả năng cân đối ngân sách TP đối với:
- Nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (khoản 5 Điều 21);
- Vận động viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo, huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao, tập huấn đội tuyển thể thao thành tích cao của TP và quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên trở thành huấn luyện viên, trọng tài viên quốc gia, quốc tế (khoản 5 Điều 21);
- Vận động viên, huấn luyện viên, người hoạt động nghệ thuật bị tai nạn, suy giảm sức khỏe do đào tạo, huấn luyện, thi đấu, biểu diễn nghệ thuật; vận động viên, huấn luyện viên, người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được học nghề để chuyển nghề khi không còn đáp ứng yêu cầu thi đấu, huấn luyện, hoạt động nghệ thuật (khoản 5 Điều 21);
- Quy định mức thưởng bổ sung đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật được tặng giải thưởng cao của khu vực và quốc tế (khoản 6 Điều 21).
c) Xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của Thủ đô
Luật quy định TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, giao HĐND TP quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và chính sách ưu đãi được áp dụng đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của TP (khoản 7 Điều 21).
Quy định này là quy định mới, đặc thù của Luật Thủ đô năm 2024, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch, nhất là du lịch văn hóa của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quy định này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh, hiện thực hóa chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, đồng thời gắn kết mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa với xây dựng TP sáng tạo để Thủ đô xứng tầm là thành viên của mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.
d) Thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa
Luật quy định TP Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề, điểm dân cư nông thôn hiện hữu, bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện về văn hóa kinh doanh, an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường cao hơn so với quy định chung để thu hút, phát triển du lịch, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy các hoạt động thương mại trên địa bàn, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo tồn các ngành, nghề truyền thống (khoản 8 Điều 21).
Các khu phát triển thương mại và văn hóa này là các khu được thành lập, tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản do một Hội đồng quản lý, điều hành gồm đại diện chính quyền cơ sở, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở, đại diện của cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và cộng đồng dân cư trong khu vực thực hiện. Việc thành lập, quản lý, điều hành, cơ chế thu, chi, mục tiêu và phương hướng phát triển của các khu này được thực hiện theo đề án do Ủy ban nhân dân TP phê duyệt theo quy định của HĐND TP và Quy chế mẫu do HĐND TP ban hành (khoản 8 Điều 21).
Đây là một biện pháp mới, đặc thù có tính đột phá nhằm thúc đẩy hợp tác công tư giữa chính quyền với cộng đồng dân cư trong phát triển văn hóa kết hợp thương mại, du lịch.
g) Quy định cơ chế huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, thể thao
- Áp dụng phương thức đối tác công tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao trên địa bàn TP với quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án đầu tư được thực hiện giống như quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo (khoản 1 Điều 39);
- Áp dụng các ưu đãi đầu tư cao hơn quy định hiện hành về miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, về thuế suất và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư khi có các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao; các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa, văn hóa ẩm thực theo danh mục chi tiết do Ủy ban nhân dân TP quyết định (khoản 1, 2 Điều 43);
- Áp dụng cơ chế ký hợp đồng nhượng quyền khai thác, quản lý công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao, công trình kiến trúc có giá trị là tài sản công do cơ quan, tổ chức đang được giao quản lý, sử dụng với nhà đầu tư, doanh nghiệp để khai thác công trình, hạng mục công trình trong thời gian nhất định (khoản 1, 2 Điều 41), nhằm tạo cơ chế tài chính đặc thù khai thác, vận hành và bảo trì có hiệu quả, đúng công năng của công trình văn hóa, thể thao; tổ chức nhiều hơn, rộng rãi hơn các hoạt động văn hóa, thể thao đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tạo đà cho phát triển văn hóa
Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô nghìn năm văn hiến, nơi hội tụ, tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế, những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng là tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước.
Chủ tịch Hiệp hội CLB UNESCO TP Hà Nội Trương Minh Tiến cho rằng, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô 2024 sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn về mọi mặt trong đó có lĩnh vực văn hóa.
Điều 21 về Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và những điều luật khác có liên quan trong Luật Thủ đô là điều kiện thuận lợi để TP thực hiện thắng lợi Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17/3/2021, về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, Hà Nội sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Trong khi đó, PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, Hà Nội không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng, là biểu tượng cho giá trị văn hóa, lịch sử của đất nước, nơi tụ nhân, tụ nghĩa, tụ tài của dân tộc, và là nơi lắng hồn núi sông ngàn năm.
Vì thế, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), chúng ta đưa vào những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để làm nổi bật hơn những đặc trưng này, để văn hóa Thủ đô dẫn dắt, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.
Hồng Thái