Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, hệ thống pháp luật giữ vai trò then chốt trong việc định hình môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết số 66-NQ/TW được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế này, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, thống nhất và hiệu quả.
Đổi mới tư duy pháp luật để mở đường cho cái mới
Một trong những điểm nhấn của Nghị quyết là xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Điều này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tạo lập môi trường pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế.
Bà Phan Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quốc tế Bảo Hưng (tỉnh Thái Bình), chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Nghị quyết 66-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 cơ bản tháo gỡ các "điểm nghẽn" từ quy định pháp luật và đến năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN. Chúng tôi rất kỳ vọng vào những cải cách pháp luật sắp tới. Một hệ thống pháp luật rõ ràng, với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước và sự đồng hành của doanh nghiệp, Nghị quyết sẽ được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, đồng thời giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển lâu dài”.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng và phản biện chính sách. Việc này không chỉ giúp pháp luật sát thực tiễn hơn mà còn bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong tổ chức thi hành.
Bà Châm bày tỏ: “Nghị quyết nhấn mạnh vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và sự tham gia thực chất của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đóng góp ý kiến, phản ánh thực tiễn, giúp chính sách pháp luật sát với cuộc sống. Chúng tôi đánh giá cao việc Nghị quyết tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia góp ý vào quá trình xây dựng pháp luật”.
Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ; tư duy xây dựng pháp luật ở một số lĩnh vực còn nặng về quản lý, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn phát triển. Đổi mới tư duy pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ phát triển là yêu cầu cấp thiết nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tháo gỡ rào cản từ thực tiễn thi hành
Không chỉ vướng về quy định, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình thực thi thủ tục hành chính, khi tình trạng nhũng nhiễu, gây khó dễ vẫn diễn ra.
Ông Hoàng Hữu Huỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Hà Mobile chia sẻ: “Việc pháp luật chậm thể chế hóa các chủ trương đổi mới khiến các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới gặp nhiều rào cản. Có những mô hình phù hợp thông lệ quốc tế, nhưng ở Việt Nam lại chưa có quy định rõ, doanh nghiệp vừa làm vừa lo sợ rủi ro pháp lý”.
Theo ông Huỳnh, việc Nghị quyết 66-NQ/TW đặt yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là tín hiệu rất tích cực. “Pháp luật phải đi trước, mở đường cho cái mới, chứ không thể chỉ theo tư duy ‘cái gì chưa cấm thì được làm’. Chúng tôi mong muốn các cơ quan soạn thảo sớm tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp, khuyến khích sáng tạo, rồi điều chỉnh chính sách dần. Nếu cứ giữ tư duy cũ, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài ngay trên sân nhà”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc ứng dụng công nghệ số vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính và minh bạch hóa quy trình xử lý là giải pháp hữu hiệu.
Ông Hoàng Hữu Huỳnh cho biết: “Lợi ích nhóm trong các thủ tục đấu thầu, cấp phép, kiểm tra chuyên ngành… vẫn là vấn đề nhức nhối. Một số cán bộ lợi dụng kẽ hở pháp luật hoặc tình trạng pháp luật chồng chéo để gây khó dễ cho doanh nghiệp. Có thủ tục theo quy định chỉ mất 7 ngày nhưng chúng tôi phải mất hằng tháng mới xong. Do đó, yêu cầu tăng cường kiểm soát quyền lực, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu trong Nghị quyết lần này rất thiết thực. Nếu thực thi tốt, môi trường kinh doanh sẽ công bằng, minh bạch hơn”.
Ông cũng kiến nghị cần công khai quy trình, thời hạn xử lý từng thủ tục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ, giảm tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thụ lý. “Khi mọi thứ công khai, minh bạch thì tiêu cực tự nhiên giảm đi rất nhiều”, ông Hồng đề xuất.
Thẳng thắn nhìn nhận, công tác xây dựng và thi hành pháp luật vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, định hướng của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời, đầy đủ. Tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý. Chất lượng pháp luật chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Còn có những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng, cản trở việc thực thi, không thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút và khơi thông nguồn lực đầu tư.
Việc phân cấp, phân quyền chưa đủ mạnh; thủ tục hành chính còn rườm rà, “nhiều khúc quanh”; chi phí tuân thủ pháp luật còn cao. Tổ chức thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; thiếu cơ chế phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Chậm nghiên cứu, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới, chưa tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới...
Trích bài viết ngày 4/5 của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm nêu rõ các yêu cầu mục tiêu; những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/04/2025 của Bộ Chính trị vào cuộc sống
Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật là xu thế tất yếu. Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch trong thực thi pháp luật.
FPT Long Châu tại sự kiện hợp tác đồng hành với Báo Nhân Dân trong công tác truyền thông y tế vì sức khỏe cộng đồng và kỳ vọng có thêm nhiều nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật.
Bà Trần Thị Huyền, Trưởng phòng Pháp chế Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT, nhận định: “Nghị quyết đề ra nhiệm vụ ưu tiên nguồn lực xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Điều này giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu rủi ro pháp lý. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước sẽ giúp giảm thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Chúng tôi kỳ vọng có thêm nhiều nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật”.
Doanh nghiệp đặt niềm tin vào Nghị quyết 66
Với những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng Nghị quyết số 66-NQ/TW sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Đại diện Tập đoàn Flamingo, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh và đô thị sinh thái khẳng định: “Doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn ủng hộ tinh thần đổi mới tư duy lập pháp mà Nghị quyết 66-NQ/TW thể hiện, coi đây là "đột phá của đột phá" trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao định hướng xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, đồng bộ, thống nhất và dễ tiếp cận. Đây là yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin và nền tảng ổn định cho doanh nghiệp đầu tư lâu dài, nhất là trong những lĩnh vực yêu cầu tiêu chuẩn cao về môi trường và phát triển bền vững như bất động sản xanh hay công nghệ trải nghiệm trong du lịch”.
Đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh: “Việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình bất động sản mới như condotel, biệt thự du lịch, shophouse du lịch là rất cần thiết. Thực tế hiện nay cho thấy, các quy định còn thiếu thống nhất và chưa rõ ràng, dẫn đến vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giao dịch, vận hành và thu hút đầu tư. Flamingo kỳ vọng Nhà nước sẽ sớm đồng bộ hóa các luật liên quan, tạo khung pháp lý rõ ràng, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Chúng tôi tin rằng, đây sẽ là điều kiện tiên quyết để ngành du lịch và bất động sản Việt Nam phát triển bền vững, có sức cạnh tranh trong khu vực”.
Là Tập đoàn đầu tư Phát triển đô thị & Khu công nghiệp, Dịch vụ và Tài chính, đại diện Tập đoàn ROX Group, một trong những doanh nghiệp đầu tư, phát triển hạ tầng và bất động sản quy mô lớn chia sẻ: “Nghị quyết 66-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2028 hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đưa môi trường đầu tư của Việt Nam vào top 3 ASEAN. Để đạt được điều này, chúng tôi kiến nghị ưu tiên hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch và đầu tư, đặc biệt là xóa bỏ sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Chính sự thiếu đồng bộ đã tạo nên tình trạng 'pháp lý không rõ ràng', khiến các nhà đầu tư thận trọng, các dòng vốn chiến lược bị chậm lại, đặc biệt trong các dự án phát triển hạ tầng xanh và bất động sản đô thị bền vững. Tập đoàn ROX Group đề xuất cần thiết lập một cơ chế điều phối liên thông giữa các cơ quan quản lý, đi cùng với một hệ thống pháp lý thống nhất, minh bạch và có tính dự báo cao, từ đó tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng hai con số mà Nghị quyết 66 hướng tới”.
Để hiện thực hóa khát vọng vươn mình của dân tộc, chúng ta phải giải quyết nhiều việc, trong đó, một nhiệm vụ rất trọng tâm là phải tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, pháp luật để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước, tận dụng mọi cơ hội phát triển...
Trích bài viết ngày 4/5 của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm
Có thể khẳng định, Nghị quyết 66-NQ/TW là bước đi quan trọng, thể hiện sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, khi Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, sẽ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng và an toàn hơn, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
THÙY LINH