Đột phá theo Nghị quyết 57: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số

Đột phá theo Nghị quyết 57: Phát huy vai trò trí thức khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số
6 giờ trướcBài gốc
Một mô hình trưng bày tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh minh họa: Tuấn Anh - TTXVN
Ngày 29/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Hội thảo “Vai trò của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị”.
Hội thảo nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ; đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Trình bày dự thảo kế hoạch triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Liên hiệp hội, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Khoa học và Hợp tác quốc tế Liên hiệp hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Công Lương cho biết: Nghị quyết 57 xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.
Để cụ thể hóa tinh thần này, Liên hiệp hội xây dựng các nhóm giải pháp gồm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghiên cứu và điều hành, đồng thời tăng cường năng lực số của đội ngũ trí thức trong toàn hệ thống.
Theo Phó Giáo sư Lê Công Lương, các đề án trọng điểm sẽ được triển khai giai đoạn 2026-2030 với trọng tâm phát triển văn phòng điện tử, mạng lưới đổi mới sáng tạo, đào tạo chuyên sâu về công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cho cán bộ hội viên; thúc đẩy hoạt động tư vấn, phản biện chính sách, phổ biến tri thức khoa học công nghệ cho cộng đồng; gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học và thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Liên hiệp hội cũng đề xuất xây dựng cơ chế giám sát, báo cáo định kỳ và huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của quá trình triển khai.
Tiến sỹ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp hội Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ cần gắn liền với đổi mới cơ chế hoạt động của các hội trí thức; cần xem đây không chỉ là tổ chức xã hội nghề nghiệp, mà là kênh tham mưu, phản biện chính sách chiến lược cho Đảng và Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ mới, kinh tế số và phát triển đô thị thông minh.
Các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập, đặc biệt là những viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học công nghệ, đang đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, nhưng lại chưa được hưởng các chính sách ưu đãi tương xứng. Do đó, cần thể chế hóa vai trò của khối này trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia, đồng thời cho phép thí điểm mô hình “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý) trong triển khai các đề án nghiên cứu phục vụ địa phương.
Liên hiệp hội Hà Nội đề xuất ba nhóm giải pháp chính: Kiến nghị sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập, đồng thời thiết lập cơ chế đặt hàng nghiên cứu từ chính quyền thành phố và doanh nghiệp; ưu tiên đầu tư cho cơ sở vật chất, nền tảng số và chương trình đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học tại các hội thành viên; hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cấp đô thị, kết nối trí thức Hà Nội trong và ngoài nước với hệ thống giáo dục, doanh nghiệp, chính quyền nhằm thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ theo nhu cầu thực tiễn của thành phố.
Tiến sỹ Lê Xuân Rao cũng nhận định, cần coi trọng hơn nữa công tác tập hợp, kết nối trí thức trẻ, trí thức Việt kiều và chuyên gia đang làm việc tại các tổ chức quốc tế. Đây là nguồn lực có trình độ cao, có khả năng tiếp cận nhanh công nghệ mới và là cầu nối quan trọng giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ khoa học Nghiêm Vũ Khải, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội cho rằng, trong thời đại chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống, cần xây dựng cơ chế đồng hành lâu dài giữa Nhà nước và trí thức, trong đó đổi mới mạnh mẽ cách tiếp cận chính sách, chuyển từ “quản lý” sang “hỗ trợ”, từ “định hướng” sang “khai phóng”.
Theo Tiến sỹ Nghiêm Vũ Khải, cần thành lập Hội đồng quốc gia về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu, với sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nhân, đại diện các bộ ngành và địa phương.
Đồng thời, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi nên bổ sung điều khoản về nhiệm vụ phản biện xã hội của trí thức; cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các chính sách tài chính ổn định cho hoạt động nghiên cứu. Quan trọng hơn cả là tạo dựng môi trường học thuật lành mạnh, dân chủ, khuyến khích tư duy độc lập, sáng tạo và dám đổi mới, đặc biệt với thế hệ trí thức trẻ.
Các đại biểu tại hội thảo cho rằng, trong thời đại kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo, đội ngũ trí thức Việt Nam cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò tiên phong trong sáng tạo tri thức, định hình chính sách và dẫn dắt phát triển bền vững.
Việc phát huy vai trò này đòi hỏi phải có tư duy chính sách đổi mới, đồng hành và tạo điều kiện để trí thức đóng góp toàn diện vào sự nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Các đại biểu cũng kiến nghị Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, ưu tiên đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, coi trí thức là đối tác chiến lược trong xây dựng tương lai đất nước.
Lý Thanh Hương/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/dot-pha-theo-nghi-quyet-57-phat-huy-vai-tro-tri-thuc-khoa-hoc-cong-nghe-trong-ky-nguyen-so/371897.html