Đây không chỉ là một bước tiến lớn trong việc điều trị ung thư mà còn mang lại hy vọng cho bệnh nhân tránh được các tác dụng phụ của phương pháp điều trị truyền thống và nguy cơ kháng thuốc.
Theo báo cáo trên trang IFLScience hồi 26/12/2024, nghiên cứu này mở ra một hướng điều trị mới, có thể thay đổi cách tiếp cận đối với bệnh ung thư, bằng cách khôi phục lại chức năng bình thường của các tế bào ung thư.
Thay vì tiêu diệt chúng như các phương pháp điều trị hiện tại, kỹ thuật này giúp các tế bào ung thư trở lại trạng thái biệt hóa, tức là chúng trở lại hình thái của tế bào lành tính, không còn tính ác tính.
Khái niệm đảo ngược ung thư, làm cho các tế bào ung thư trở lại trạng thái bình thường, không phải là điều mới mẻ trong nghiên cứu y sinh. Tế bào ung thư thường không biệt hóa, nghĩa là chúng không phát triển thành các tế bào chuyên biệt như tế bào bình thường. Việc kích hoạt lại quá trình biệt hóa ở tế bào ung thư có thể là một phương pháp điều trị tiềm năng trong tương lai.
Biệt hóa tế bào là quá trình mà một tế bào chuyển đổi từ một dạng sơ khai thành một dạng tế bào chuyên biệt hơn. Quá trình này có thể giúp các tế bào thực hiện các chức năng cụ thể và thích nghi với môi trường xung quanh.
Ảnh minh họa
Bằng cách tái tạo lại các gene liên quan đến quá trình biệt hóa, các nhà khoa học có thể "kích hoạt" lại các tế bào ung thư và phục hồi chức năng bình thường của chúng.
Thậm chí, quá trình này có thể dẫn đến một hình thức biệt hóa cao hơn, được gọi là "chuyển biệt hóa", nơi các tế bào ung thư được chuyển đổi thành một loại tế bào hoàn toàn khác. Ví dụ, các tế bào ung thư vú có thể được biến thành tế bào gan, với chức năng chuyên biệt hơn.
Trước đây, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có thể đảo ngược một số loại tế bào ung thư, chẳng hạn như ung thư vú, bệnh bạch cầu tủy và ung thư biểu mô tế bào gan. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được một cách rõ ràng các gene hoặc protein cụ thể nào kiểm soát quá trình biệt hóa này, điều này vẫn là một thách thức lớn trong việc phát triển các liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả.
Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm nghiên cứu do giáo sư Kwang Hyun Cho, thuộc khoa kỹ thuật sinh học và não bộ tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST), dẫn đầu, đã phát triển một công nghệ mới có thể chuyển đổi các tế bào ung thư ruột kết thành các tế bào bình thường.
Công nghệ này dựa trên việc xây dựng các bản sao kỹ thuật số của mạng gene liên quan đến quá trình biệt hóa bình thường của tế bào. Nhờ vào mô phỏng này, nhóm nghiên cứu có thể xác định các yếu tố chủ chốt cần thiết để tái kích hoạt quá trình biệt hóa tế bào.
Nhờ vào ứng dụng của công nghệ này, các nhà khoa học đã thành công trong việc biến đổi các tế bào ung thư ruột kết trở lại trạng thái bình thường. Nghiên cứu này chứng minh rằng việc đảo ngược trạng thái ung thư của các tế bào là hoàn toàn khả thi, và thông qua phân tích các bản sao kỹ thuật số của mạng gene, các tế bào ung thư có thể được lập trình lại để trở thành tế bào lành tính.
Phát biểu về nghiên cứu, giáo sư Kwang Hyun Cho cho biết: "Việc tế bào ung thư có thể được đảo ngược thành tế bào bình thường là một hiện tượng tuyệt vời. Nghiên cứu này chứng minh rằng chúng ta có thể tạo ra sự đảo ngược đó một cách có hệ thống và có thể áp dụng cho nhiều loại tế bào ung thư khác nhau."
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Advanced Science và được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong việc phát triển các liệu pháp điều trị ung thư, mang lại hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân trên thế giới.
Trọng Nghĩa