Đốt rác thải phát điện: Cần phải phân loại rác, kiểm soát chặt nguồn khí thải

Đốt rác thải phát điện: Cần phải phân loại rác, kiểm soát chặt nguồn khí thải
3 giờ trướcBài gốc
(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN phát)
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày trên cả nước đang phát sinh khoảng 67.110 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong số đó có khoảng 65% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp. Điều đáng nói là nhiều bãi chôn lấp hiện đã “quá tải,” không còn khả năng tiếp nhận nên hầu hết các địa phương đang “lái” hướng xử lý rác thải theo công nghệ đốt rác phát điện.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cảnh báo việc đầu tư dự án đốt rác phát điện cần phải tính toán cẩn trọng (nhất là đối với các tỉnh nghèo) đồng thời cần phải có cơ chế về đấu nối phát điện; cũng như thắt chặt quy chuẩn phát thải, kiểm soát chặt chẽ nguồn khí thải từ các nhà máy đốt rác phát điện - bởi loại hình này tiềm ẩn nguy cơ phát tán nhiều khí độc hại ra môi trường.
Cấm chôn lấp, tăng đốt rác: Có khả thi?
Bày tỏ nỗi trăn trở về vấn đề xử lý rác thải hiện nay, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, cho biết công nghệ xử lý rác thải ở Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là chôn lấp. Nếu tính các bãi chôn lấp có diện tích trên 1.000ha thì cả nước hiện có trên 1.000 bãi chôn lấp, trong đó số bãi chôn lấp đảm bảo hợp vệ sinh chỉ chiếm khoảng 30%, số còn lại chủ yếu là bãi chôn lấp tự nhiên.
“Trong khi đó, tại các đô thị, dường như không còn quỹ đất để làm bãi chôn lấp, các bãi chôn lấp đã có thì gần như đã đầy,” ông Dũng nói.
Với công nghệ đốt rác, ông Dũng nhấn mạnh công nghệ này hiện cũng rất đáng lo ngại với môi trường không khí, đặc biệt là đối với các lò đốt tiêu hủy có quy mô nhỏ từ 5-10 tấn rác thải/ngày ở các địa phương. Còn công nghệ đốt rác thu hồi nhiệt có thể phát điện, hiện cả nước có khoảng 15 dự án (trong đó số dự án hoàn thành mới chỉ có khoảng 5 dự án, còn lại đang vướng rất nhiều thủ tục về đầu tư, điểm nghẽn về cơ chế chính sách).
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, lãnh đạo một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều địa phương (kể cả các tỉnh nghèo, miền núi) đang xác định cấm chôn lấp rác thải, chuyển hết sang đốt rác phát điện. Vì thế, có những chủ đầu tư đề xuất dự án xử lý chôn lấp đều bị địa phương gạt bỏ, chỉ đồng ý dự án đốt rác phát điện.
“Nghe phương án chuyển đổi xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt phát điện có vẻ rất hợp lý, nhưng bài toán nghịch lý đặt ra thứ nhất là giá xử lý. Ví dụ giá chôn lấp rác hiện nay là 20 USD/tấn, nhưng khi đốt rác sẽ tăng lên thành 50 USD/tấn - bởi với phương án đốt thì dự án phải đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại hơn. Vậy các địa phương, nhất là các tỉnh nghèo có chịu bỏ ra 50 USD để xử lý 1 tấn rác, hay vẫn chỉ trả 20 USD/tấn rác? Nếu địa phương chỉ trả 20 USD/tấn rác thì chắc chắn doanh nghiệp đầu tư sẽ lỗ, xây xong bỏ hoang sẽ gây lãng phí. Thứ hai là nếu xử lý đốt rác phát điện thì việc quy hoạch, đấu nối để hòa lưới, bán điện trên thực tế cũng rất khó khăn. Ngay như nhà máy đốt rác phát điện ở Hà Nội hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn,” vị cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trăn trở.
Thực tế trên càng đáng suy ngẫm hơn khi nhìn sang nước láng giềng (Trung Quốc), sau 4 năm triển khai phân loại rác thải - họ đã phải dừng gần 8.500 lò đốt rác phát điện. Trong khi đó các tỉnh của Việt Nam đang ồ ạt nhập lò về.
Rác thải chưa qua phân loại đổ thải tràn lan tại nhiều điểm ở trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Cũng theo vị cán bộ trên, trường hợp “đốt không được, chôn lấp cũng không cho,” trong khi rác ngày càng nhiều, thì nguy cơ ngập rác sẽ tái diễn. Thực tế tại nhiều địa phương thời gian gần đây cho thấy việc xử lý rác đang bị “tắc,” thậm chí nhiều nơi, rác đổ tràn lan. Điển hình như tại khu vực phường Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội), thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm rác tái phát tại rất nhiều điểm, có bãi rác "chình ình" lấn chiếm cả lòng đường.
Cần phải kiểm soát chặt khí phát thải
Trước thực trạng trên, theo lãnh đạo của một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì trong thời gian tới, đốt rác phát điện vẫn là phương án cần khuyến khích nhưng đi kèm với đó cần phải có cơ chế cụ thể liên quan đến giá cũng như việc đấu nối phát điện. Bên cạnh đó, để đốt rác đảm bảo tối ưu, hạn chế ô nhiễm môi trường thì việc phân loại rác thải, đặc biệt là rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn là rất quan trọng.
Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng lưu ý trong bối cảnh nhiều địa phương xây dựng lò đốt rác phát điện để giải quyết bài toán chất thải rắn sinh hoạt thì yêu cầu đặt ra là cần thắt chặt quy chuẩn phát thải, kiểm soát chặt chẽ nguồn khí thải từ các nhà máy đốt rác phát điện (WtE) để tránh phát tán khí độc hại ra môi trường.
Theo ông Tùng, WtE là một lò đốt đặc biệt với nguyên liệu đốt là chất thải sinh hoạt tổng hợp với nhiều loại rác khác nhau, thường sinh ra các loại khí thải như NOx, CO2, HCl, HF, SO2, VOCs, kim loại nặng, bụi và đặc biệt là chất cực độc Dioxin/Furan. Do đó, các nước đều có quy định rất nghiêm ngặt, riêng biệt để kiểm soát chặt chẽ việc phát thải đối với khí và bụi thải.
Tại Việt Nam, nhà máy WtE là nguồn phát thải mới, hàng giờ thải ra hàng trăm nghìn m3 khí bụi thải, trong đó có Dioxin/Furan. WtE thường có vị trí ngay gần khu đô thị, thành phố, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân là rất lớn.
Do vậy, để hoàn thiện khung pháp lý kiểm soát chặt chẽ WtE, giảm thiểu ô nhiễm không khí, theo ông Tùng, Nhà nước cần nhanh chóng sửa đổi, bổ sung quy chuẩn khí và bụi thải đối với lò đốt chất thải sinh hoạt; bổ sung các quy định cụ thể đặc thù vào giấy phép môi trường đối với dự án WtE cùng với các yêu cầu về danh sách các loại chất thải sinh hoạt được đốt (hoặc không được đốt), công nghệ lò đốt, các nội dung cần thiết về điều kiện kỹ thuật và điều kiện vận hành (lúc nào được đốt, lúc nào không được đốt), chế độ báo cáo định kỳ đột xuất (báo cáo khởi động lò, tắt lò, báo cáo thực thi hàng năm), công khai thông tin số liệu quan trắc...
Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cũng lưu ý thời gian tới, các địa phương cần phải thúc đẩy việc phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đặc biệt là cách tính phí xử lý rác thải cần có cơ chế thu phí áp dụng riêng đối với các khu dân cư nghèo với các khu biệt thự nhà giàu, chung cư cao cấp, không nên đánh đồng tính chung, để tạo cơ chế thúc đẩy. Thứ hai là cần phải thực hiện đồng bộ hệ thống hạ tầng thu gom, xử lý rác thải.
Chia sẻ thêm về khía cạnh chính sách, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho biết để giảm phát thải, cải thiện môi trường, hướng đến đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 20250 thì bắt buộc phải đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn.
Do vậy, trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Điều 142 đã quy định cụ thể về các tiêu chí để thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó khẳng định 4 tiêu chí: Thứ nhất là hiệu quả sử dụng và năng lượng; thứ hai là kéo dài vòng đời sản phẩm; thứ ba giảm phát thải rác thải ra môi trường; thứ tư là không gây tác động xấu tới môi trường.
Xuyên suốt Luật Bảo vệ Môi trường, Việt Nam đã có nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn như: Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất; phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cũng như thu phí rác thải theo sản lượng áp dụng từ ngày 1/1/2025; dán nhãn xanh cùng các quy định về trái phiếu xanh, tín dụng xanh, mua sắm xanh, chi trả dịch vụ sinh thái trên cơ sở người phát thải phải trả phí; đặc biệt các lĩnh vực như sắt, thép, ximăng (những lĩnh vực phát thải lớn) sẽ phải thực hiện đồng xử lý chất thải,… để giảm lượng rác thải tới các bãi chôn lấp, cũng như xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn để kéo dài vòng đời của sản phẩm và tái sử dụng rác thải như nguồn tài nguyên để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Vì thế, ông Thọ khuyến nghị thời gian tới cần tiếp tục có các bước cải cách về thể chế, pháp lý liên quan đến định mức, cách thức phân loại, tổ chức phân loại; đầu tư vào hạ tầng thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu trữ và xử lý rác thải; huy động nguồn lực tài chính xanh về khí hậu để hỗ trợ đầu tư công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải. “Nếu chúng ta làm tốt, việc xử lý rác thải sẽ giảm được chi phí đầu tư cũng như tăng hiệu quả sản xuất, mang lại giá trị kinh tế và môi trường cho đất nước,” ông Thọ nói./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/dot-rac-thai-phat-dien-can-phai-phan-loai-rac-kiem-soat-chat-nguon-khi-thai-post1002901.vnp