Chồng thường xuyên uống rượu, lười biếng không lao động khiến gánh nặng kinh tế đè lên vai người phụ nữ ngoài 30 tuổi, mâu thuẫn thường xuyên xảy ra dẫn đến bạo lực gia đình. Người phụ nữ ấy bị chồng đánh chửi, xúc phạm, hôn nhân của họ trên bờ vực tan vỡ. Đó là câu chuyện được chia sẻ bởi một phụ nữ giấu tên ở thôn đặc biệt khó khăn của xã Vĩnh Yên.
Nắm bắt được tình hình gia đình, Tổ truyền thông cộng đồng thôn gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội trưởng chi hội phụ nữ cùng những người có uy tín đã đến nhà họ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Người chồng đã dần thay đổi nhận thức, tập trung làm ăn, cùng vợ gánh vác kinh tế gia đình. Khi kể lại câu chuyện ấy, người phụ nữ không giấu nổi niềm vui: “Phụ nữ chúng tôi không cần gì chỉ cần người đàn ông trong gia đình chăm chỉ, biết yêu thương vợ con thế là đủ hạnh phúc”.
Tổ truyền thông cộng đồng góp phần tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình.
Gia đình chị Đặng Thị Ngọn và anh Đặng Văn Tình ở thôn Nhai Thổ 2, xã Kim Sơn là điển hình của cặp đôi hạnh phúc. Anh chị sinh được hai cô con gái xinh đẹp, đồng lòng phát triển kinh tế với mô hình trồng rừng rộng 4 ha, ngoài ra còn trồng ngô, sắn, chăn nuôi. Mỗi năm, hai vợ chồng chị tiết kiệm được 50 triệu đồng gửi ngân hàng. Vợ chồng chia sẻ mọi công việc trong gia đình, vợ bận việc thì chồng nấu cơm, rửa bát, đưa đón con đi học. Ngôi nhà khang trang là thành quả của việc đồng vợ, đồng chồng, anh chị còn đang phấn đấu mua một chiếc ô tô làm phương tiện đi lại của gia đình. Được biết, anh chị đều là thành viên Tổ truyền thông cộng đồng thôn, từ đó lan tỏa mô hình gia đình hạnh phúc đến các gia đình khác trong thôn.
Đó là hai câu chuyện điển hình về vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng ngày càng được nâng cao, là mục tiêu xuyên suốt Dự án 8 hướng tới.
Sân khấu hóa các nội dung tuyên truyền.
Theo chị Ngô Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên, việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn huyện Bảo Yên năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng. Thời gian qua, 50 tổ truyền thông cộng đồng trên địa bàn huyện được thành lập và duy trì sinh hoạt hơn 600 buổi về các nội dung: Vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống hằng ngày, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cũng như xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, khuyến khích huy động sự tham gia của nam giới vào mô hình. Hội Phụ nữ huyện Bảo Yên cũng tổ chức được 5 lớp bồi dưỡng, củng cố, cập nhật, nâng cao năng lực triển khai mô hình cho 500 thành viên tổ truyền thông cộng đồng.
Truyền thông bình đẳng giới tại các chợ phiên.
Hội Phụ nữ huyện cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức truyền thông về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình (bằng hình thức sân khấu hóa tại các phiên chợ) trên địa bàn các xã: Điện Quan, Phúc Khánh, Tân Dương, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô... thu hút hơn 1.000 hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia; tổ chức hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong truyền thông thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Các cơ sở xây dựng được hơn 600 bài truyền thông về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bình đẳng giới, bạo lực gia đình... phát trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, Hội Phụ nữ huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ xã Cam Cọn, Kim Sơn, Điện Quan, Tân Tiến thành lập và ra mắt 4 mô hình "Địa chỉ tin cậy" với 107 thành viên tham gia. Đồng thời hướng dẫn các xã xây dựng kế hoạch trang bị cơ sở vật chất, trang bị kiến thức - kỹ năng cho thành viên của mô hình.
Những buổi đối thoại đảm bảo tiếng nói thực chất của phụ nữ.
Đồng thời, Hội Phụ nữ huyện tổ chức 2 lớp tập huấn để trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Với những buổi truyền thông định kỳ, kết hợp sinh hoạt và hội thi sôi nổi đã thực sự làm thay đổi nhận thức của Nhân dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - những hạt nhân tiên phong trong gia đình mạnh dạn lên tiếng xóa bỏ bạo lực gia đình trên cơ sở giới, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán, bóc lột sức lao động trẻ em…
Vị thế, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội được khẳng định.
Qua ghi nhận tại địa phương và một số hội viên phụ nữ, hiện nay trên địa bàn rất ít trường hợp phản ánh liên quan đến bạo lực gia đình. Vị trí vợ chồng trong gia đình được bình đẳng hơn. Chuyện nội trợ, nuôi dạy con cái không còn là của riêng phụ nữ mà cả đàn ông trong gia đình…
Phụ nữ nói chung và phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế gia đình, bởi chị em là người trực tiếp tham gia sản xuất, chăm sóc gia đình, duy trì bản sắc văn hóa. Dự án 8 đang dần tạo điều kiện cho phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, có cuộc sống tốt hơn.
Vân Thảo