Một buổi hoạt động truyền thông của Chi hội Phụ nữ thôn Đầu Nhuần.
Cũng phải dăm ba lần đặt lịch khi tìm hiểu hoạt động Dự án 8 tại xã Phú Nhuận chúng tôi mới gặp được chị Triệu Thị Phấy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Lần nào chị cũng bảo: “Bây giờ hội chị em thực hiện nhiều việc, nhiều phong trào, riêng nội dung bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết với phụ nữ hoạt động rất sôi nổi, thiết thực, hiệu quả nên chị em cán bộ cơ sở càng bận”. Buổi đó, chúng tôi đi cùng chị Phấy tới thôn Đầu Nhuần - nơi đa phần hộ dân là đồng bào Dao, nhằm đúng buổi đội văn nghệ của thôn đang tập kịch, giữa lúc giải lao chị em tập cho nhau lời mấy bài hát truyền thống. Không thạo tiếng địa phương nhưng âm điệu, luyến láy tôi thấy tựa hồ hát ví, hát dặm, hát đối ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ vậy.
Hoạt động tuyên truyền có tính chủ động tại cơ sở của Hội Phụ nữ xã Phú Nhuận.
Cuối buổi, chị Phấy kể vanh vách những nội dung Dự án 8 hoạt động mạnh trong năm 2024 tại các thôn vùng dự án. Đó là các nội dung vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa định kiến và khuôn mẫu giới; việc xây dựng các nhóm truyền thông tiên phong trong cộng đồng; thực hiện chiến dịch xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; hỗ trợ phụ nữ có tiếng nói và tham gia thực chất vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị... “Chỉ chừng ấy thôi cũng đã thấy thiết thực, phong phú như nào rồi. Tập trung vào truyền thông nhưng nội dung của Dự án 8 rất cụ thể, thiết thực với những thôn vùng cao, thôn có phần lớn số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số”, chị Phấy cho hay.
Phụ nữ xã Phú Nhuận tự tin khi tham gia các hoạt động cộng đồng.
Phú Nhuận có 25 thôn, hơn 11 nghìn nhân khẩu thuộc 5 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tập trung tại thôn Phú Sơn, Đầu Nhuần, Nhuần 2 và Nhuần 3. Vốn là vùng khó khăn, nhờ các dự án đầu tư, trong đó có Dự án 8, sự thay đổi toàn diện ở các thôn vùng 3 và xã Phú Nhuận ngày càng rõ nét. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ là 4,1%, đến nay cơ bản đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao.
Cùng nhau trao đổi kinh nghiệm xây dựng đời sống văn hóa.
Bà Lê Hải Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bảo Thắng cho biết, trong 2 năm qua, việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn đã bám sát yêu cầu, định hướng của hội cấp trên, phương châm thực hiện của huyện là lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Để thực hiện, tính chủ động, sáng tạo được phát huy trong triển khai Dự án 8, như với cấp cơ sở là phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp triển khai nội dung truyền thông về bình đẳng giới, các vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, tuyên truyền pháp luật, các quy định về bảo vệ, đảm bảo an toàn cho phụ nữ, nhất là đối tượng yếu thế.
Hoạt động của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi.
Ở các thôn vùng dự án, tổ truyền thông tích cực triển khai hoạt động tuyên truyền phòng chống tảo hôn, phòng chống bạo lực gia đình, phổ biến pháp luật về hôn nhân, gia đình. Kết quả là tình trạng bạo lực với phụ nữ, bạo hành trẻ em giảm mạnh. Về vấn đề tảo hôn, từ đầu năm đến nay, các tổ truyền thông, cấp hội phụ nữ tại cơ sở đã can thiệp, buộc dừng 10 trường hợp có dấu hiệu kết hôn sớm tại xã Phú Nhuận, xã Bản Phiệt và thị trấn Nông trường Phong Hải. Có trường hợp để ngăn chặn thành công tảo hôn đã xảy ra sự căng thẳng giữa cán bộ hội với thành viên gia đình, thậm chí đã phải nhờ đến cấp ủy đảng, chính quyền tham gia, can thiệp.
Phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bảo Thắng trao đổi kinh nghiệm phát triển sản xuất.
Bà Lê Hải Thanh cũng thông tin thêm với phóng viên một số hoạt động và kết quả nổi bật về Dự án 8 trong năm 2024, đó là việc duy trì và thúc đẩy các hoạt động của 25 tổ truyền thông cộng đồng với 250 thành viên tại 12 xã. Nhiệm vụ của các tổ chủ yếu là tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, xóa hủ tục có hại cho phụ nữ và trẻ em. Có hơn 2.000 lượt người với nhiều thành phần, lứa tuổi, trong đó chủ yếu là phụ nữ đã tham gia các buổi tuyên truyền của tổ truyền thông, nhiều buổi tổ chức tại chợ phiên thuộc thị trấn Nông trường Phong Hải, xã Phong Niên; tuyên truyền trên các fanpage của tổ chức hội.
Giúp hộ nghèo vệ sinh môi trường sống.
Các cấp hội phụ nữ huyện Bảo Thắng còn tổ chức các hội thi, liên hoan mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tội phạm mua bán người. Một số đội thi của thị trấn Phố Lu, thị trấn Nông trường Phong Hải đã đoạt giải cao cấp tỉnh, cấp huyện cho phần kịch bản và diễn xuất xuất sắc, được khán thính giả đánh giá cao, lượt bình chọn hàng đầu trên các fanpage.
Thiếu nữ đồng bào Dao huyện Bảo Thắng tiếp cận tài liệu tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn.
"Ngoài ra, các nội dung Dự án 8 tại huyện Bảo Thắng còn nổi bật với việc nhân rộng mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” trong nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; đảm bảo tiếng nói của phụ nữ khi tham gia phát triển kinh tế, phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; cán bộ hội phụ nữ tham gia hỗ trợ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ thôn về kỹ năng, kiến thức đấu tranh, bảo vệ bình đẳng giới. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong Dự án 8 đưa ra, Hội Phụ nữ huyện đều yêu cầu phải gắn chặt với hiệu quả thực tế, lấy đó là cơ sở quyết định đánh giá chất lượng hoạt động", Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bảo Thắng - Lê Hải Thanh nói rõ hơn.
Cao Cường