Dự án cải tạo suối Xiệp ở Đồng Nai chậm hơn Bình Dương, vì sao?

Dự án cải tạo suối Xiệp ở Đồng Nai chậm hơn Bình Dương, vì sao?
2 giờ trướcBài gốc
Suối Xiệp dài hơn 3,5km có điểm đầu gần mỏ đá Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm cuối chảy ra sông Đồng Nai. Hai địa phương này hợp tác để thực hiện dự án cải tạo con suối, tuy nhiên trong khi phía Bình Dương đã thực hiện hơn 50% khối lượng thì phía Đồng Nai hầu như "dậm chân tại chỗ".
Người dân khổ sở
Gần 3 năm nay, người dân sống tại khu phố Cầu Hang, phường Hóa An, TP Biên Hòa luôn phải chịu cảnh ngập úng khi mùa mưa đến, mưa lớn, nước dâng cao, theo dòng chảy từ suối Xiệp tràn lên mặt đường vào nhà.
Ông Lê Thành Tài (ngụ tổ 22C, khu phố Cầu Hang) cho biết, đợt nước dâng gần đây nhất là gần 1m, tràn vào bên trong nhà khiến sinh hoạt của gia đình ông rất khó khăn. Để ứng phó với tình cảnh “sống chung với lũ”, ông Tài đã đôn nền nhà cao thêm, xây hàng gạch chắn khoảng 40cm phía bậc thềm cửa nhưng cũng không ăn thua.
Nước ngập ngang nhà của ông Lê Thành Tài.
Ông Tài thông tin, cách đây 2 năm, phía TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã tổ chức thi công cải tạo suối Xiệp nhưng đến đoạn phường Hóa An này thì dừng lại. Nguyên nhân là người dân chưa đồng thuận với giá đền bù, do chênh lệch giữa hai tỉnh.
"Giá cả chênh lệch quá, người dân đề nghị theo giá thực tế. Khu tái định cư của dự án này gần 20 triệu/m2, trong khi giá bồi thường mua miếng đất không xong thì lấy tiền đâu xây nhà", ông Tài chia sẻ.
Người dân phải xây tường gạch chắn nước nhưng không hiệu quả.
Còn bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (ở khu phố Cầu Hang) cho biết, có những thời điểm nước ngập vào trong nhà đến tận cổ. Đồ đạc trong nhà phải kê cao, do lớn tuổi nên bà bị té ngã khi leo lên lấy đồ.
"Lần đầu tiên ngập, tan nát tài sản, trôi đi hết mà cũng không có ai vào hỗ trợ gì. Cũng buồn lắm, toàn thức đến 1-2 giờ sáng dọn dẹp sình. Nước tanh, người thì bị bệnh mà phải ngửi hoài", bà Oanh cho biết.
Mức giá bồi thường khác nhau nơi giáp ranh 2 tỉnh
Từ năm 2016, theo đề xuất của tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai cùng phối hợp nạo vét dòng suối Xiệp và xây dựng đường 2 bên suối, chống lấn chiếm. Diện tích phải thu hồi hơn 12 ha đất của 2 tỉnh.
Theo đó, mặt bằng dự án đi qua địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng (từ vốn ngân sách địa phương), sau đó bàn giao tỉnh Bình Dương để thi công.
Suối Xiệp bắt nguồn từ tỉnh Bình Dương và chảy ra sông Đồng Nai.
Phía tỉnh Bình Dương giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Dĩ An thực hiện bồi thường đoạn đầu dài 1,3 km (nằm trong phạm vi địa bàn) và bờ phải dài hơn 2,2 km (nằm đoạn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai). Tổng mức đầu tư các gói thầu phía tỉnh Bình Dương khoảng 200 tỷ đồng, phải di dời 106 hộ dân, đến năm 2024 còn 11 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Đến tháng 6/2022, phía Bình Dương đã thi công hết phía mặt bằng trong phạm vi địa bàn, sau đó tạm dừng vì vướng mặt bằng phía Đồng Nai.
Hiện trạng ô nhiễm của suối Xiệp đoạn chưa được cải tạo.
Về phần mình, tỉnh Đồng Nai giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh làm chủ đầu tư thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng đoạn bờ trái suối Xiệp dài 2,2 km nằm giáp ranh với tỉnh Bình Dương. Diện tích đất phải thu hồi hơn 38.400 m2, ảnh hưởng 79 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức. Tổng vốn đầu tư hơn 163 tỷ đồng.
Tháng 5/2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án suối Xiệp. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất xây dựng kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, kiểm đếm để triển khai thực hiện.
Đoạn suối Xiệp giáp ranh giữa 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.
Hiện phía tỉnh Đồng Nai hoàn thành công tác chi trả tiền bồi thường 11,89 tỷ cho 7 hộ. Còn lại 34 hộ chưa nhận tiền bồi thường số tiền 28,84 tỷ đồng. Trong đó có 22 hộ không thuộc diện bố trí tái định cư. Số trường hợp được xét và thống nhất tái định cư là 13 trường hợp, đang chờ trình UBND TP Biên Hòa ban hành quyết định phê duyệt.
Tháng 8/2022, lãnh đạo hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương đã có kết luận chung trong liên kết vùng, trong đó yêu cầu quý IV/2022 phải bàn giao mặt bằng, không để kéo dài gây ảnh hưởng tiến độ.
Mới đây nhất, tháng 5/2024, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ký văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án suối Xiệp.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2024, phía tỉnh Đồng Nai vẫn chưa giao đủ mặt bằng cho phía tỉnh Bình Dương.
Toàn cảnh tiến độ dự án cải tạo suối Xiệp (màu đỏ là chưa giải phóng mặt bằng)
Về giá bồi thường, phía Đồng Nai bồi thường hơn 2,8 triệu đồng/m2 đất sản xuất kinh doanh, trong khi Bình Dương là 3,2 triệu đồng. Giá bồi thường đất nông nghiệp ở Đồng Nai từ gần 2,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng/m2, còn tại Bình Dương từ 3,2 triệu đến 11,4 triệu đồng.
Đối với đất ở đô thị, Đồng Nai bồi thường từ hơn 14 triệu đến gần 26,5 triệu đồng/m2 trong khi tỉnh Bình Dương là từ 13,3 triệu đến 24,2 triệu đồng.
Đơn giá trên được tỉnh Bình Dương phê duyệt năm 2020 còn tỉnh Đồng Nai phê duyệt năm 2023.
Cố gắng đẩy nhanh tiến độ
Việc chậm cải tạo suối Xiệp gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Ngoài mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối, con suối này mỗi khi mưa lớn là nước ngập dâng cao. Mới đây vào tối 13/9, một người phụ nữ ngụ tại khu phố Cầu Hang, phường Hóa An lái xe bán tải đã bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong. Sau đó, chính quyền địa phương phải đặt bảng cảnh báo.
Chậm tiến độ và thiếu đồng bộ làm đoạn Quốc lộ 1K đi qua địa bàn hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương thường xuyên ngập mỗi khi mưa lớn. Ngoài ra, con suối bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhiều người mắc các bệnh về đường hô hấp.
Phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cảnh báo người dân.
Ông Bùi Minh Quang - Chủ tịch UBND phường Hóa An, TP Biên Hòa cho biết: Nguyên nhân vướng mắc mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai là do người dân chưa đồng thuận với mức giá đến bù. Hiện phương án đền bù, tái định cư vẫn đang trong thời gian phê duyệt. Đến tháng 11/2024, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm đứng ra vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, sau khi kết thúc vận động người dân, đơn vị này sẽ rà soát, tổng hợp hồ sơ những trường hợp không đồng thuận nhận tiền, bàn giao đất để lập thủ tục đề xuất UBND TP Biên Hòa tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Nguy hiểm rình rập người già và trẻ nhỏ ngay bên cạnh nơi ở.
Đối với 15 hồ sơ còn lại của dự án phía tỉnh Đồng Nai, các đơn vị đang tiến hành xác nhận, thẩm tra nguồn gốc đất để làm công tác định giá tài sản. Ông Chu Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai cho biết: "Bây giờ chúng tôi làm bồi thường, chắc là qua tháng 11/2024 là xong thôi. Chúng tôi cùng với phường, các phòng chuyên môn của TP Biên Hòa đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ công việc".
Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai khiến cho dự án cải tạo suối Xiệp chậm tiến độ. Mức giá đền bù, giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai được thực hiện theo quy định, do đó để đẩy nhanh tiến độ, các cơ quan có liên quan của Đồng Nai cần khẩn trương vận động, thuyết phục người dân và có biện pháp mạnh hơn để sớm đưa dự án vào triển khai.
Duy Phương/VOV-TP.HCM
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/du-an-cai-tao-suoi-xiep-o-dong-nai-cham-hon-binh-duong-vi-sao-post1133984.vov