Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú là đoạn đầu tiên của tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, có tổng chiều dài hơn 60km, đi qua các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán và Tân Phú.
Dự án được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giảm tải áp lực cho quốc lộ 20 và nâng cao an toàn giao thông. Đồng thời, tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông trên trục vận tải kinh tế kết nối TP.HCM - Dầu Giây - Liên Khương, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai và vùng Đông Nam Bộ, cũng như kết nối các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long - đơn vị chủ đầu tư, trong năm 2025, dự án được bố trí nguồn vốn 814 tỷ đồng phục vụ công tác GPMB. Khoản kinh phí này đã được phân bổ về các trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện, gồm: Thống Nhất 324 tỷ đồng, Định Quán 315 tỷ đồng, Xuân Lộc 25 tỷ đồng và Tân Phú 150 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Giai đoạn 1 của dự án sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Riêng các đoạn có nền đất yếu, cầu và điểm dừng khẩn cấp sẽ thi công theo quy mô hoàn chỉnh với mặt đường rộng gần 25m.
Bộ Xây dựng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư cho giai đoạn 1 vào giữa tháng 4 vừa qua. Công tác GPMB được thực hiện theo quy mô hoàn chỉnh, với diện tích đất thu hồi ước tính khoảng 378 hécta.
Với việc dự án đi qua 4 địa phương, UBND tỉnh Đồng Nai đã phân công cụ thể cho từng huyện triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường và tái định cư.
Tại huyện Thống Nhất, Chủ tịch UBND huyện Mai Văn Hiền cho biết tuyến cao tốc đi qua địa bàn 4 xã với chiều dài gần 16km, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 98 hécta, trong đó có 60 hécta thuộc sở hữu của hộ dân. Huyện đã hoàn tất việc phê duyệt dự toán bồi thường và đang triển khai ký hợp đồng với đơn vị đo đạc. Công tác tái định cư chỉ áp dụng với hơn 20 trường hợp, do phần lớn diện tích thu hồi là đất nông nghiệp. Huyện đang chuẩn bị khởi công xây dựng hai khu tái định cư quy mô 20 hécta.
Tại huyện Xuân Lộc, diện tích đất cần thu hồi khoảng 5 hécta với 28 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 7 - 8 hộ sẽ được bố trí tái định cư. Huyện đã có sẵn ba khu tái định cư với hạ tầng hoàn chỉnh. Đồng thời, đã hoàn thành lập dự toán GPMB và ký hợp đồng đo đạc địa chính.
Tại hai huyện Định Quán và Tân Phú, chính quyền địa phương đã phê duyệt dự toán GPMB và chuẩn bị phương án bố trí tái định cư. Riêng huyện Tân Phú có đến 131 trường hợp phải di dời, và đã có sẵn các khu tái định cư với quy mô khoảng 15 hécta.
Tại cuộc họp về công tác GPMB giữa tháng 5, ông Hồ Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, đã yêu cầu các địa phương phát động chiến dịch cao điểm 45 ngày nhằm hoàn tất GPMB trước khi đơn vị hành chính cấp huyện giải thể vào đầu tháng 7. Theo chỉ đạo, mỗi huyện cần thành lập các đoàn công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy đứng đầu để thực hiện công tác vận động, tuyên truyền người dân bàn giao mặt bằng đúng hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu là đến ngày 20-6, các địa phương phải hoàn thành việc lập phương án bồi thường và hỗ trợ, tiến tới cơ bản hoàn thành GPMB vào cuối tháng 6-2025, nhằm đảm bảo điều kiện khởi công dự án theo đúng kế hoạch.
NH