Dự án chống ngập TP. HCM: Sắp 'chốt' phương án xử lý vướng mắc

Dự án chống ngập TP. HCM: Sắp 'chốt' phương án xử lý vướng mắc
3 giờ trướcBài gốc
Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. HCM chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về phương án xử lý các vướng mắc của dự án. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất phương án xử lý các vướng mắc của dự án, báo cáo Thủ tướng trước 20/12/2024.
Đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP. HCM, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo, đôn đốc UBND Thành phố và các cơ quan chức năng tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc của dự án thuộc thẩm quyền.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố, cần chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư và các cơ quan có liên quan khẩn trương đề xuất cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án khả thi, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án.
Trường hợp vướng mắc về pháp luật cần báo cáo cụ thể, đề xuất Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho dự án, không để chậm trễ kéo dài, xảy ra thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước và thiệt hại cho nhà đầu tư.
UBND TP. HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thống nhất chủ trương sẽ xem xét việc gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn cho dự án trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng (ảnh: TN)
Chỉ đạo quyết liệt này được đưa ra, cách khoảng 10 ngày sau khi người đứng đầu UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận nhóm giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các nút thắt căn bản của dự án chống ngập, trên cơ sở thống nhất tại các cuộc họp của Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 12 vừa qua.
Cụ thể, Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị cho phép UBND TP. HCM điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án mà không thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư. Về vướng mắc nguồn vốn, lãnh đạo thành phố đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tái cấp vốn cho dự án và BIDV xem xét miễn giảm lãi suất vay phát sinh trong quá trình chậm triển khai dự án vì lý do khách quan.
Liên quan tới nút thắt thanh toán, UBND TP. HCM xin phép thanh toán cho hợp đồng BT bằng ba quỹ đất đã xác định cho nhà đầu tư – tương ứng với phần giá trị dự án BT hoàn thành theo tiến độ, phần còn lại sẽ được thanh toán bằng tiền từ nguồn đầu tư công.
Tuy nhiên, việc thanh toán bằng quỹ đất sẽ mất nhiều thời gian nên Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng khoảng 3.000 tỷ đồng từ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 (đã ghi vốn cho dự án) để trả cho phần khối lượng hoàn thành đã được kiểm toán kết luận hồi tháng 7/2018.
Như TheLEADER thông tin, để giải quyết vấn đề ngăn triều đe dọa TP. HCM, hai bản quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2001 và 2008, trong đó đặc biệt chú trọng đến quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. HCM năm 2008, tính đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Dựa trên quy hoạch này, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM giai đoạn 1 đã được giao cho Trungnam Group triển khai. Dự án bao gồm việc xây dựng sáu cống lớn kiểm soát triều tại các vị trí chiến lược cùng với việc xây dựng một số đoạn đê bao ven sông Sài Gòn.
Dự án này có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát ngập do triều cường và ứng phó chủ động với biến đổi khí hậu, bảo vệ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP. HCM, nơi sinh sống của khoảng 6,5 triệu dân.
Dự án được triển khai theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó, TP. HCM sẽ thanh toán cho nhà đầu tư 84% bằng tiền và phần còn lại bằng quỹ đất.
Được khởi công giữa năm 2016, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc trước khi ngưng trệ sau đó hơn hai năm. Và đã tám năm trôi qua kể từ ngày khởi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thành do vướng mắc liên quan đến nguồn vốn để thi công.
Chủ đầu tư cho biết kể từ khi khởi công, dự án đã dừng thi công ba lần, tổng cộng thời gian dừng là 66 tháng.
Theo tính toán của nhà đầu tư, nếu không giải quyết đồng thời các thủ tục thuộc thẩm quyền của TP. HCM và đảm bảo nguồn vốn, dự án có thể mất tới 28 tháng nữa để hoàn thành và chỉ riêng việc thực hiện thủ tục trong 16 tháng tới, không tính thời gian thi công, lãi vay sẽ phát sinh khoảng 845 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố.
Tính đến ngày 22/11/2024, tổng chi phí lãi vay của dự án ước tính đã lên tới gần 2.573 tỷ đồng. Trungnam Group cho rằng, những khoản chi phí này cần được tính vào dự án thông qua việc điều chỉnh giá trị tổng mức đầu tư của dự án lên khoảng 14.400 tỷ đồng và đặt ra mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025.
Thái Bình
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/du-an-chong-ngap-tp-hcm-sap-chot-phuong-an-xu-ly-vuong-mac-d38425.html