Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây thuộc Viện Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) được UBND tỉnh Ninh Thuận giao hơn 73 ha đất tại xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc để xây dựng trạm nghiên cứu, thực nghiệm và nhân giống dê, cừu Ninh Thuận (trạm nghiên cứu) vào năm 2006.
Trong đó, riêng khu chăn nuôi rộng 71 ha. Sau đó, 17 hộ dân ở xã Lợi Hải khiếu nại bị thu hồi đất nhưng chưa bồi thường. UBND tỉnh Ninh Thuận thu hồi gần 19 ha của dự án để giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất ổn định cuộc sống.
Trạm nghiên cứu có tổng mức đầu tư hơn 22 tỉ đồng với mục tiêu chọn lọc, nhân giống đàn dê, cừu chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ. Đồng thời, chuyển giao kết quả nghiên cứu chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo, đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, dự án hoạt động không đúng với quy mô.
Trong vai một người có nhu cầu mua cừu, PV đã đến khu điều hành của trạm nghiên cứu tại xã Lợi Hải. Theo ghi nhận, bảng thông tin dự án nằm ngay cạnh quốc lộ 1 đã bị bong tróc, không còn đọc được thông tin.
Mặc dù trong giờ hành chính nhưng hai dãy nhà điều hành với các phòng đều đóng kín cửa, không một bóng người. Liên hệ qua điện thoại, bà Lý Thị Luyến, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê - cừu - thỏ Sơn Tây, nói khu nhà điều hành buổi tối mới có người về ngủ. Bình thường, nơi đây không có người.
Theo bà Luyến, muốn mua dê, cừu phải liên hệ trước. "Dê, cừu ở trong trại, còn khu điều hành tối mới có người về ngủ. Ban ngày anh em đi thả cừu ở trong trại. Khoảng cuối tháng 4 tôi mới vào lại, anh muốn mua giống thì liên hệ trước với tôi"- bà Lý Thị Luyến, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê - cừu - thỏ Sơn Tây, nói.
Tại khu vực trạm nhân giống, PV ghi nhận đàn cừu được chăn thả trong một khuôn viên khoảng 4 ha được xây tường rào kiên cố. Khu vực này xây dựng một số khu nhà chăn nuôi, khu nhà xưởng.
Tại đây, một thanh niên tên Cảnh giới thiệu mình là nhân viên kỹ thuật. Theo anh Cảnh, anh làm việc cùng hai người đang chăn nuôi khoảng 550 con cừu. Thanh niên này cho biết khu vực này chỉ chăn nuôi và các kho chứa thức ăn, dụng cụ. "Khu vực này chỉ chăn nuôi, còn hành chính giấy tờ thì ngoài khu điều hành"- anh Cảnh nói.
Theo UBND huyện Thuận Bắc, trạm nghiên cứu này hiện có diện tích hơn 52 ha. "Qua báo cáo sơ bộ của UBND xã Lợi Hải và trạm chăn nuôi thú y huyện Thuận Bắc, tổng đàn dê, cừu của trạm là gần 500 con, chủ yếu nuôi nhốt nên việc sử dụng 50 ha để trồng cỏ phục vụ cho 500 con dê, cừu là chưa hợp lý. Theo định mức, nếu trồng cỏ để phục vụ 500 con dê, cừu trong một năm thì diện tích trồng cỏ là 2 ha"- báo cáo của UBND huyện Thuận Bắc nêu.
Cũng theo UBND huyện Thuận Bắc, trạm nghiên cứu hoạt động ở mức độ cầm chừng, chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Hiệu quả sử dụng đất chưa cao, phần lớn diện tích đất để hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất, nhất là địa phương thiếu đất như huyện Thuận Bắc.
Năm 2023, UBND tỉnh Ninh Thuận kết luận Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và nhân giống dê, cừu Ninh Thuận buông lỏng quản lý đất được giao tại khu chăn nuôi để xảy ra tình trạng các hộ gia đình lấn, chiếm và mở rộng ranh giới lấn chiếm.
Theo ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và môi trường huyện Thuận Bắc, người dân cho rằng đất được cấp cho dự án sử dụng không hết, bỏ hoang khá nhiều gây lãng phí tài nguyên đất. Trong khi đó, nhiều hộ dân nghèo ở địa phương chưa có đất sản xuất. Do đó, người dân kiến nghị thu hồi một phần diện tích đất dự án cấp cho người dân sản xuất. Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Bắc cũng từng kiến nghị tỉnh có giải pháp thu hồi một phần diện tích đất của dự án để giao lại cho huyện bố trí đất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.
HUỲNH HẢI