Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, một số gói thầu trọng điểm trên tuyến vẫn đang "vướng" giải phóng mặt bằng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ.
Tại gói thầu số 09, đoạn từ km14+670 đến cầu Cầm, đến cuối tháng 4/2025, khối lượng công việc mới chỉ đạt khoảng 10% giá trị hợp đồng. Theo báo cáo của chủ đầu tư, nguyên nhân chính là do vướng mắc gần 18ha mặt bằng chưa được giải phóng. Điều đáng nói, diện tích này nằm rải rác, bị chia cắt bởi nhiều công trình hiện hữu như Trại giam Hang Son (5,27ha), Băng tải Đông Bắc (1,01ha), Mương thủy lợi (0,61ha), đường vận chuyển than Mạo Khê (0,16 ha)... Tình trạng "xôi đỗ" này khiến việc thi công bị gián đoạn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ chung của dự án.
Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều (Quảng Ninh) có chiều dài hơn 40km, có tổng vốn đầu tư gần 6.400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương
Trung tá Võ Thành Lê, Giám đốc Ban điều hành công trường (Binh Đoàn 12, Bộ Quốc Phòng) cho biết vướng mắc về mặt bằng vẫn là những khó khăn chính, cùng với đó là chất lượng nguồn vật liệu, nền địa chất phức tạp cũng như điều kiện thời tiết thất thường đều khiến gói thầu 09 khó có thể hoàn thành mục tiêu về đích trong năm 2025.
Theo Trung tá Võ Thành Lê: “Dù chủ đầu tư, địa phương rất nỗ lực để tạo điều kiện giải phóng mặt bằng tuy nhiên trên toàn tuyến mặt bằng vẫn "xôi đỗ" nhiều, đặc biệt có những chỗ liên quan đến đất quốc phòng, an ninh nên chưa thể bàn giao được, cùng với đó có rất nhiều đoạn phải xử lý bấc thấm, gia tải, tiếp đó là các đường băng tải, đường chuyên dụng của Tổng Công ty Đông Bắc… Thực sự để mà nói thì bây giờ hiện đang rất chậm tiến độ".
Gói thầu số 09, Dự án đường ven sông hiện còn vướng gần 18ha diện tích mặt bằng cần được giải phóng...
Những đoạn tuyến không có vướng mắc về mặt bằng, tiến độ cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra. Như gói thầu 08, đoạn từ cầu sông Uông đến Km14+670, các nhà thầu đã huy động tối đa máy móc, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Ông Bùi Văn Doanh, đại diện liên danh nhà thầu thi công trên tuyến cho biết, công tác giải phóng mặt bằng đã được UBND thành phố Uông Bí thực hiện quyết liệt. Nhờ đó, đơn vị đã tăng ca, tăng kíp, tranh thủ thi công cả ban đêm để phấn đấu sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Trên những đoạn tuyến có mặt bằng "sạch", các nhà thầu tăng ca tăng kíp, thi công cả ban đêm để đẩy nhanh tiến độ
“Hiện tại chúng tôi đang đẩy nhanh công tác đào, thay nền đất yếu, thi công đất K95, sẽ kết thúc đào trong tháng 7 năm nay. Công địa hiện tại vẫn đáp ứng yêu cầu thi công. Trước và trong quá trình thì chủ đầu tư, nhà thầu cùng chính quyền địa phương đều vào cuộc hết sức quyết liệt, cùng nhau tháo gỡ để giải quyết nên tiến độ hiện tại đang tạm được như mong muốn. Theo kế hoạch là sẽ kết thúc hợp đồng vào 31/12/2025 và chúng tôi đang lên lịch chi tiết bám vào đó để triển khai theo yêu cầu của chủ đầu tư" - ông Doanh chia sẻ.
Dự án đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều có tổng chiều dài hơn 40km, được thiết kế 4 làn xe cơ giới với dải phân cách cứng, tổng vốn đầu tư gần 6.400 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Công trình được kỳ vọng sẽ trở thành trục giao thông kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía tây của Quảng Ninh.
Khi đưa vào sử dụng, Dự án đường ven sông sẽ là công trình có ý nghĩa động lực trong thúc đẩy phát triển khu vực hành lang kinh tế phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, kết nối tới Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, qua đó khai thác tốt lợi thế khu vực trung tâm, mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng và liên vùng
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Đối với dự án đường ven sông, chúng tôi đang cố gắng quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ xong toàn bộ dự án. Đây là dự án được lãnh đạo tỉnh hết sức quan tâm và các địa phương đã tạo điều kiện về mặt bằng để triển khai. Khó khăn chủ yếu vẫn là nguồn cát và nguồn đất cho dự án.
Hiện nguồn đất cơ bản đã chủ động được, còn nguồn cát cũng đã tìm nguồn vật liệu đáp ứng, như sử dụng cát nước mặn cho công trình, Ban cũng đang rà soát thủ tục pháp lý để phục vụ những đoạn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án… Chúng tôi đang phối hợp tích cực với các địa phương, có mặt bằng đến đâu thì thực hiện giao đất ngay đến đó để đủ điều kiện triển khai thi công".
Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường ven sông được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn cho sự phát triển của hành lang kinh tế phía Tây Quảng Ninh, kết nối với Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực trung tâm và mở ra những cơ hội phát triển mới cho cả vùng. Hiện các sở ban ngành của tỉnh Quảng Ninh, chủ đầu tư, các địa phương và nhà thầu đang tăng cường phối hợp, tìm kiếm các giải pháp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại, quyết tâm đưa công trình trọng điểm này về đích đúng hẹn, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Duy Thái/VOV-Đông Bắc