Dự án đường trục chính từ Quốc lộ 24C dẫn vào khu công nghiệp phía đông Dung Quất (đường số 6) được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành trong năm 2020, với tổng vốn đầu tư 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thập kỷ, công trình mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng công việc. Nhiều hạng mục quan trọng vẫn "giậm chân tại chỗ", chịu cảnh nắng mưa mà không rõ ngày hoàn thiện.
Sau 10 năm kể từ ngày khởi công tuyến đường trục chính nối Quốc lộ 24C vào Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất vẫn còn dở dang.
Theo ghi nhận thực tế, phần nền đường đã được đắp đất khoảng 80%, một số đoạn đã lên cấp phối và bó vỉa. Thế nhưng, ngay tại điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 24C, việc thi công vẫn bị đình trệ do vướng mắc mặt bằng. Trên công trường, thiết bị và vật tư xây dựng tập kết từ lâu đã hoen gỉ, phủ đầy cỏ dại.
Đặc biệt, hạng mục trọng yếu của dự án là cầu vượt sông Đầm và đường ống dẫn sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mới chỉ hoàn thành phần mố cầu và lao dầm hai nhịp đầu tiên. Các hạng mục quan trọng khác như nhịp cầu vượt đường ống dẫn dầu, mố M1 và trụ T3 vẫn chưa thể triển khai.
Hạng mục cầu xây dựng dở dang.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Giao thông tỉnh Ngô Văn Dụng cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận công trình từ chủ đầu tư cũ. Bước đầu xác định vướng mắc lớn nhất đối với hạng mục cầu vượt đường ống dẫn sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khiến chưa thể triển khai thi công, đó là do phương án đảm bảo an toàn cho tuyến ống vẫn chưa được các bên liên quan thống nhất vì lo ngại ảnh hưởng an toàn, an ninh năng lượng.
Vật liệu xây dựng bỏ ngổn ngang bên công trình.
Đối với phần tuyến chính, ông Dụng thông tin thêm, đoạn đầu tuyến đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng do 5 hộ dân chưa đồng thuận về đơn giá bồi thường và tái định cư. Nguyên nhân là do đơn giá đất hiện tại đã có sự khác biệt so với phương án bồi thường được phê duyệt cách đây nhiều năm.
"Hiện chúng tôi đang nghiên cứu, báo cáo UBND tỉnh để xin chủ trương và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tái khởi động và đưa công trình vào khai thác," ông Dụng nói.
Bài, ảnh: LINH ĐAN