Bài 2: Giải pháp mềm để hóa giải mọi khúc mắc
Thời điểm trước khi các đoàn công tác đặc biệt chính thức hoạt động, thành phố Biên Hòa từng tính đến phương án cưỡng chế bàn giao mặt bằng đối với khoảng 600 hộ dân tại Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam (giữa), Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Phong An trao đổi với một hộ dân tại phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng
Và, điều đáng phấn khởi là, nguy cơ bùng phát “điểm nóng” do số lượng hộ dân phải thực hiện cưỡng chế bàn giao mặt bằng quá lớn đã không xảy ra. Sự đồng thuận của người dân sau khi được tuyên truyền, vận động là chìa khóa hóa giải nguy cơ này.
Tuyên truyền để tạo đồng thuận từ người dân
Tháng 2-2025, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Vũ Quốc Thái cho biết, thành phố đã tính toán phương án phải cưỡng chế bàn giao mặt bằng đối với khoảng
500-600 hộ dân.
“Đa phần các hộ này mua đất bằng giấy tay, xây nhà trên đất nông nghiệp nên việc xác minh nguồn gốc đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) theo quy định gặp nhiều khó khăn, khiến người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng” - ông Vũ Quốc Thái cho biết.
Giữa tháng 3-2025, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai để nghe báo cáo tiến độ thi công các dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Bến Lức - Long Thành, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Trưởng đoàn kiểm tra số 6 về rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án giao thông trọng điểm của Chính phủ, nhấn mạnh: “Trong công tác giải phóng mặt bằng, càng ít số hộ dân bị cưỡng chế thì càng thành công”.
Trước thông tin này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, cưỡng chế chỉ nên là phương án cuối cùng, sau khi đã áp dụng đầy đủ các biện pháp tuyên truyền, vận động và đối thoại với người dân. Đất đai không chỉ là tài sản, mà còn là nơi gắn bó lâu đời, là kỷ niệm, là sinh kế của người dân; nếu vội vàng cưỡng chế khi người dân chưa đồng thuận có thể tạo ra tâm lý bức xúc, phát sinh mâu thuẫn, thậm chí gây mất an ninh trật tự. Việc cưỡng chế, nếu buộc phải thực hiện, cần đảm bảo đúng quy trình, đúng pháp luật và luôn tôn trọng quyền lợi chính đáng của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, ngày 14-2-2025, Thường trực Thành ủy Biên Hòa đã ban hành Thông báo kết luận số 1702-TB/TU thành lập các đoàn công tác đặc biệt của thành phố để triển khai thực hiện vận động người dân bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Từ ngày 17 đến 25-2, 6 đoàn công tác do Thành ủy Biên Hòa quyết định thành lập đã trực tiếp tiếp xúc, tuyên truyền và vận động hơn 850 hộ dân với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Kết quả, chỉ trong 10 ngày, có 173 thửa đất được thu hồi, 139 hộ dân có tài sản xây dựng trên đất người khác đồng ý bàn giao mặt bằng.
Bí thư Đảng ủy phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Đắc Tuyên cho biết, cả hệ thống chính trị của phường đã vào cuộc phối hợp với các đoàn công tác của thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh để vận động người dân. Bên cạnh tuyên truyền, vận động, phường còn tập trung giải quyết đơn thư, bức xúc chính đáng nhằm tạo sự đồng thuận cao. Các trường hợp được TĐC được hướng dẫn thủ tục bốc thăm, hỗ trợ hồ sơ đất đai xây dựng; các hộ không đủ điều kiện TĐC thì được đề xuất ưu tiên mua nhà ở xã hội, hỗ trợ tạm cư, hoặc chi trả các khoản hỗ trợ theo quy định để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nhận thấy vẫn còn nhiều trường hợp chưa đồng thuận, sau đợt vận động 10 ngày, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam chỉ đạo tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Các đoàn công tác được yêu cầu rà soát từng trường hợp chưa đồng thuận, đã đồng thuận nhưng chưa di dời… để chuẩn bị tốt hơn cho những đợt vận động tiếp theo.
Trong suốt tháng 3, cả 6 đoàn công tác không nghỉ cuối tuần, liên tục đi tuyên truyền, vận động cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Song song đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố cũng tổ chức đối thoại trực tiếp với các hộ chưa đồng thuận, có đơn thư chưa được giải quyết. Đến cuối tháng 3-2025, đã có hơn 880 hộ dân đã đồng thuận bàn giao mặt bằng.
Hóa giải mọi khúc mắc
Theo Thành ủy Biên Hòa, tính đến ngày 18-4-2025, thời điểm thành phố Biên Hòa thực hiện bàn giao 100% diện tích mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chỉ có một trường hợp buộc phải áp dụng biện pháp bảo vệ thu hồi đất.
“Ban đầu dự kiến phải cưỡng chế khoảng 600 trường hợp và thực tế thành phố cũng đã ban hành 247 quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có một hộ phải tiến hành bảo vệ thu hồi đất, còn lại đều tự nguyện bàn giao mặt bằng” - Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, bên cạnh khó khăn do người dân chưa đồng thuận, một vướng mắc lớn khác khiến công tác GPMB tưởng như rơi vào “ngõ cụt” là do hồ sơ ban đầu chưa chuẩn xác. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, đơn vị chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua thành phố Biên Hòa hoàn toàn phụ thuộc vào hồ sơ địa phương cung cấp. Trong khi đó, công tác quản lý đất đai tại cơ sở những năm trước còn lỏng lẻo, dẫn đến xác định vị trí sai, gây bức xúc cho người dân.
Trước thực trạng này, thành phố Biên Hòa đã đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh rà soát kỹ hồ sơ, phân tích từng trường hợp cụ thể để lên phương án vận động hiệu quả. Đề nghị đoàn công tác vận động đến đâu, mặt bằng sạch được tiếp nhận đến đó và bàn giao ngay cho chủ đầu tư thi công. Thành phố cũng đẩy mạnh giải quyết đơn thư, kiến nghị vượt thẩm quyền thì kiến nghị tỉnh xem xét. Đồng thời, tổ chức các đợt bốc thăm TĐC, đẩy nhanh dự án xây dựng hạ tầng khu TĐC.
Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4-2025, các buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và người dân được tổ chức thường xuyên hơn nhằm thông tin cho người dân biết về giá đất tạm tính ở khu TĐC, chính sách hỗ trợ thuê nhà trong thời gian chờ TĐC, hay ưu tiên mua nhà ở xã hội đối với các trường hợp không đủ điều kiện TĐC.
Tại phường Tam Phước, tính đến ngày 26-3, tất cả 364 hộ dân trong vùng dự án đều đồng thuận bàn giao mặt bằng. Không những về đích trước mốc thời gian thành phố đưa ra, địa phương này không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế với bất kỳ hộ dân nào.
Chủ tịch UBND phường Tam Phước Nguyễn Trí Tân chia sẻ, phường đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội cùng phối hợp với các đoàn công tác của thành phố và các cơ quan chuyên môn để giải quyết dứt điểm từng kiến nghị của người dân; đồng thời, chủ động hỗ trợ tháo dỡ, di dời tài sản, rà soát các nhà trọ giới thiệu cho người dân trong thời gian chờ TĐC.
“Vì sự phát triển chung của tỉnh, thành phố, gia đình tôi đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm, dù chưa nhận được phương án bồi thường hay tiền đền bù” - ông Lê Tư Hiểu (ngụ khu phố Long Đức 3, phường Tam Phước), người đã tự nguyện bàn giao 400m² đất cho dự án, bày tỏ.
Theo ông Hiểu, nhu cầu lớn của người dân là được giải thích rõ ràng và nhận được những chính sách hỗ trợ tốt nhất để sớm ổn định cuộc sống mới. “Khi gặp gỡ, đối thoại với chính quyền, chúng tôi được thông tin rõ ràng mình sẽ được hỗ trợ gì, đền bù gì nên sẵn sàng bàn giao mặt bằng” - ông Hiểu chia sẻ thêm.
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Mai Phong Phú cho hay, việc vận động được hơn 1,5 ngàn hộ dân chỉ trong hơn 1,5 tháng là kết quả vượt kỳ vọng, gấp gần 3 lần tổng số hộ dân đồng thuận trong suốt gần 2 năm trước đó.
“Điều đáng mừng nhất là số trường hợp phải cưỡng chế được hạn chế đến mức thấp nhất” - ông Mai Phong Phú cho biết.
Phạm Tùng - Hoàng Lộc
Bài 3: Cốt lõi là sự đồng thuận