Trăm đường khổ
Sau loạt phản ánh của phóng viên (PV) Chuyên đề Công an TPHCM (CATP) về tình trạng bụi mù trên nhiều tuyến đường ở khu Đông TP, đường LĐC - một "điểm đen" khác về GT - tiếp tục được bạn đọc lên tiếng phản ánh. Suốt một thập kỷ sống chung với con đường "đau khổ", người dân nơi đây đã nhiều lần kêu cứu, nhưng thực trạng vẫn không thay đổi. Thậm chí, tính đến bài viết này, Báo CATP (nay là Chuyên đề CATP) đã thực hiện hàng chục bài viết phản ánh tình trạng thi công ì ạch, kéo dài. Thế nhưng, viễn cảnh về một con đường thẳng tắp, khang trang vẫn còn quá xa vời.
Một ngày cuối tháng 3/2024, trong khi trên nhiều tuyến đường của TPHCM đang được khẩn trương chỉnh trang, làm đẹp để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì trên con đường ở phía Đông thành phố, khung cảnh khói bụi, ì ạch lại khiến người dân không khỏi bức xúc... Ghi nhận của PV lúc 17 giờ ngày 24/3, khung giờ kẹt xe cao điểm ở cả 2 đầu của đường LĐC (đoạn giao với đại lộ Mai Chí Thọ và đoạn giao với nút giao Trần Não). Phải rất vất vả, các cán bộ CSGT mới có thể giữ ổn định cho GT khu vực này. Chị Thùy (một tiểu thương tại giao lộ Mai Chí Thọ - LĐC) kể: "Kẹt xe triền miên, quanh năm. Thậm chí, ngày Tết cũng ùn ứ. Bán buôn ở con đường này, muốn nhập hàng hóa, giao đồ thì bà con phải thật chủ động. Cứ tới khung giờ cao điểm thì mọi thứ gần như đóng băng".
Một đoạn đường đang được rào chắn để thi công
Cách khu vực bán hàng của người phụ nữ này không xa, PV tiếp tục bắt chuyện với một nam thanh niên xung phong đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ phân luồng và điều tiết GT. Người này kể, chỉ cần đến khung giờ cao điểm, thiếu bóng lực lượng chức năng là con đường gần như tê liệt. Nhiều người đi xe mô tô thậm chí còn chạy ngược chiều để thoát kẹt xe. Việc làm này càng khiến tình trạng thêm trầm trọng. Đoạn đường LĐC giao với đại lộ Mai Chí Thọ hiện đang có dãy rào sắt chắn ngang, kéo dài khoảng gần 1km. Độ cao ở cả 2 chiều đường có sự chênh lệch. Ở làn đường hướng về đại lộ Mai Chí Thọ có diện tích khá nhỏ hẹp nhưng tập trung lượng phương tiện rất lớn. Cứ vào khung giờ cao điểm sáng hoặc chiều thì xe cộ cứ phải nối đuôi nhau chờ qua đèn đỏ.
Kẹt xe triền miên dù có vất vả nhưng so với những hộ dân sống ở khu vực cuối của đường LĐC, đoạn giao với nút GT Trần Não vẫn chưa là gì. "Bụi quá, người dân buôn bán khó khăn, còn một đoạn ngắn mà làm mãi chưa xong. Quạt trong nhà tôi phải mở hướng ra đường để đẩy bụi ra, nhưng vẫn không ăn thua. Mỗi ngày lau nhà 3 lần, sáng bán hàng lau chùi kỹ lưỡng nhưng đến chiều lại phủ bụi trắng xóa" - anh Lê Duy Dương, chủ cửa hàng đồ gỗ tại đường LĐC than thở. Đúng như những gì người đàn ông này nói, trước ống kính của PV, đời sống thường nhật của người dân xung quanh lô cốt án ngữ tại cuối đường LĐC bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hàng ngày phải sống chung với bụi. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội, buôn bán khó khăn.
Chị Võ Thị Tuyết, buôn bán trên đường LĐC chia sẻ: "Bụi nhiều nhất vào giờ cao điểm và từ 20 - 21 giờ, khi có gió. Tôi sống ở đây 13 năm rồi, giờ chỉ còn cách đeo khẩu trang, tưới nước để giảm bụi. Mỗi khi trời khuya, công nhân công trình mới bắt đầu làm, ồn ào suốt đêm không ngủ được". Hàng rào công trình bằng tôn hoen gỉ, chỗ đổ nghiêng, chỗ bật gốc, trở thành chướng ngại vật nhếch nhác dọc tuyến đường. Cỏ dại mọc lấn át cả lối đi, chen chúc giữa những dải hàng rào chắn dọc sống lưng đường. Vào giờ cao điểm, lượng phương tiện di chuyển qua đây lớn, hàng dài ôtô, xe máy nối đuôi nhau. Một số người còn chọn cách đi ngược chiều bên phần đường ngược lại mỗi khi thấy kẹt xe. Ban đêm, ánh sáng lờ mờ từ vài bóng đèn đường không đủ xua tan bóng tối. Những đống đất đá, sắt thép nằm rải rác, biến con đường thành một mê cung nguy hiểm, rình rập người tham gia GT.
Dù đã tưới nước nhưng trình trạng bụi vẫn còn
Không chỉ riêng tuyến đường LĐC đang "ngụp lặn" trong bụi bặm, các trục đường trọng yếu khác như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định (cửa ngõ ra vào cảng Phú Hữu, Cát Lái) cũng "oằn mình" gánh chịu tình trạng tương tự. Lượng xe tải, container khổng lồ ngày đêm qua lại đã biến những con đường này thành nguồn phát khói bụi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Đường Nguyễn Duy Trinh, một trong những tuyến GT huyết mạch của khu vực, nối liền đường Nguyễn Thị Định (cầu Giồng Ông Tố 1, P.Bình Trưng Tây) với đường Nguyễn Xiển (P.Trường Thạnh) được xem là điểm đen về ô nhiễm khói bụi.
Ông Lê Ngọc Thành, làm bảo vệ tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Duy Trinh (P.Bình Trưng Tây) tâm sự: "Dự án liên quan đến đường Nguyễn Duy Trinh tôi thấy làm cũng đã mấy năm rồi. Cuối năm ngoái vừa lấp lại, đầu năm nay lại đào lên làm tiếp". Ông Thành cho biết, bụi ở đoạn đường này cực kỳ dày đặc. Để hạn chế bớt bụi, mỗi ngày ông Thành phải tưới nước cả chục lần nhưng vẫn không thấm vào đâu.
Chờ đến bao giờ?
Đây là câu hỏi chung được các hộ dân sống dọc theo các con đường "đau khổ" đặt ra với cơ quan quản lý, chủ đầu tư sau thời gian dài sống trong cảnh khổ. Theo tìm hiểu của PV, đường LĐC từ nút giao đường Trần Não đến đường Mai Chí Thọ được Sở GTVT TPHCM (nay là Sở Giao thông công chánh) phê duyệt tại Quyết định số 4539/QĐ-SGTVT ký ngày 23/10/2014. Công trình sau đó được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình GT thành phố làm chủ đầu tư.
Lễ khởi công bắt đầu triển khai từ tháng 4/2015 và kéo dài cho đến ngày hôm nay vẫn chưa hoàn thành. Trong suốt quá trình này, người dân sống trên con đường "đau khổ" đã quá quen thuộc với cảnh làm rồi nghỉ, nghỉ rồi lại làm... Với tổng mức đầu tư hơn 800 tỷ đồng, dự kiến mặt đường LĐC sẽ được mở rộng lên 30m (đáp ứng 6 làn xe). Xây dựng cầu Ông Tranh bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài cầu 46,2m, rộng 30m. Xây dựng nút GT Trần Não - Lương Định Của - đại lộ Vòng Cung (giai đoạn 1) dạng đồng mức cùng hệ thống cây xanh, chiếu sáng công cộng...
Hiện tại (tính đến ngày 28/3), dự án nâng cấp đường LĐC gần như "đóng băng" tại đoạn từ đại lộ Mai Chí Thọ đến đường Nguyễn Hoàng. Một phần nguyên nhân được xác định do vướng mắt xung quanh công tác bàn giao mặt bằng. Trả lời với truyền thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình GT thành phố cho biết, việc chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành mở rộng dự án, mà còn làm ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ nút giao An Phú. Còn phía đoạn giao với vòng xoay Trần Não, quá trình thi công dù có triển khai nhưng vẫn chỉ ì ạch, cầm chừng... Việc triển khai nâng cấp một con đường trong một khoảng thời gian dài đã gây ra vô số hệ lụy, tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh tế. Người dân cho rằng các cấp có thẩm quyền không quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và giám sát dự án, đồng thời nghi ngờ nhà thầu xây dựng không đủ năng lực khiến dự án kéo dài. Ngoài ra, người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra làm rõ quá trình thực hiện dự án này.
Hàng rào chắn chạy dọc sống lưng chia đường Lương Định Của thành 2 làn xe
Liên quan đến dự án nâng cấp và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, công trình này có kế hoạch hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, cũng như nhiều dự án trọng điểm khác, thời gian hoàn thành đã được lùi lại tới giai đoạn 2021 - 2025. Quá trình triển khai thi công công trình quan trọng này, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và những vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đã khiến dự án bị trì hoãn, nằm trong nhóm các dự án giãn tiến độ. Hiện tại, cơ quan quản lý đã có tờ trình phương án ưu tiên đầu tư dự án này trong giai đoạn 2026 - 2030; đồng thời đề xuất bổ sung vốn trong năm 2025 để có thể khởi công và hoàn thành dự án trong giai đoạn tiếp theo.
PHƯƠNG VINH - HỒNG ĐĂNG