Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: 'Phải tính đúng, không tô hồng bức tranh tài chính'

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam: 'Phải tính đúng, không tô hồng bức tranh tài chính'
2 giờ trướcBài gốc
Chiều 14-10, Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức phiên họp thứ hai, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Đây là bước quan trọng cuối cùng trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào cuối năm nay.
Ý kiến đóng góp cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị…
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, khẳng định đây là công trình hạ tầng giao thông quan trọng, rất đặc biệt cả về quy mô, công nghệ, có tác động tới cả trăm năm, vì thế việc thẩm định phải thể hiện được tâm, tầm và trí tuệ. Từ đó, Hội đồng có thể kiến nghị, đề xuất các ý kiến chất lượng lên cấp có thẩm quyền.
Trong đó, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước lưu ý, quá trình thẩm định, cho ý kiến cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực Chính phủ.
Cụ thể, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đầu tư công, tốc độ 350 km/h, vận chuyển hành khách là chính, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể chở hàng hóa khi cần thiết…
Dự kiến Việt Nam sẽ khởi công dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào năm 2027. Ảnh sử dụng công nghệ AI. Ảnh: V.LONG
Về hướng tuyến, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu phải bám sát các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ. Cụ thể ở đây là hướng tuyến phải thẳng nhất có thể, nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí.
Thêm vào đó, hướng tuyến dự án cần tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn, bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đối với các ga, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước yêu cầu phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.
Cơ quan nghiên cứu cần giải trình thuyết phục
Với các định hướng trên, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT, tư vấn lập dự án phối hợp chặt chẽ với tư vấn thẩm tra, tổ chuyên gia thẩm định liên ngành tập trung làm rõ, giải trình cụ thể, có sức thuyết phục cao đối với một số vấn đề quan trọng của báo cáo.
Chẳng hạn, vấn đề dự báo nhu cầu hành khách, phạm vi phục vụ; lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn; các cơ chế chính sách đặc thù…
Ông Nguyễn Chí Dũng nói: “Phải tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành khai thác để có cơ chế xử lý hiệu quả dù đây là dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng rất cao”.
Về tiến độ dự án, Bộ GTVT đề xuất thời gian chuẩn bị và thực hiện đầu tư trong vòng 10 năm. Với thời gian này, ông Nguyễn Chí Dũng nhận định “tiến độ rất gấp”, nhất là trong bối cảnh công trình có quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, chưa từng có tiền lệ.
Vì vậy, Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan phải xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.
Cuối cùng, ông Nguyễn Chí Dũng hi vọng các thành viên Hội đồng phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, dân tộc khi góp ý, bỏ phiếu đối với dự thảo báo cáo kết quả thẩm định.
Dự kiến, sau khi được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua, Bộ GTVT hoàn thiện dự án và trình lên Chính phủ để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Ngày 19-10, hoàn thành công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án
Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với vận tốc thiết kế 350 km/h, đường đôi khổ 1.435 m, điện khí hóa.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỉ USD, tương đương suất đầu tư 43,7 triệu USD/km.
Về phương án đầu tư, Bộ GTVT cho biết đã phân tích hai phương án và lựa chọn đầu tư toàn tuyến để cơ bản hoàn thành trong năm 2035. Cụ thể, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027, đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028. Đây được xem là thay đổi lớn của cơ quan nghiên cứu, bởi các đề xuất trước đều đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào năm 2045.
Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp thứ 8 tới đây. Vì vậy, công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án phải hoàn thành trong ngày 19-10.
“Tiến độ thẩm định, trình báo cáo chủ trương đầu tư dự án đang rất gấp nhưng không vì thế mà châm chước, bỏ qua yêu cầu về chất lượng thẩm định”- ông Nguyễn Chí Dũng nhắc nhở.
VIẾT LONG - P.TÂM
Nguồn PLO : https://plo.vn/du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-huong-tuyen-phai-thang-nhat-co-the-post814944.html