Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tránh tình trạng đội vốn khi triển khai

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Tránh tình trạng đội vốn khi triển khai
2 giờ trướcBài gốc
Yêu cầu này được nêu ra trong thông báo kết luận công bố ngày 7/10 của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc ngày 5/10. Nguồn: VGP.
Theo thông báo kết luận, Bộ Chính trị và Trung ương đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với vận tốc thiết kế 350 km/h, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
"Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các Bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện," thông báo nêu.
Bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết
Để hoàn thành công tác thẩm định sớm nhất cho việc trình dự án tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 sắp tới, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tính toán, thiết kế phương án kỹ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Về hướng tuyến phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí. Dự án này cần tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp; thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, Thường trực Chính phủ yêu cầu rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư phù hợp nhất với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của đất nước và các yếu tố đặc thù của công trình để tính toán sơ bộ tổng vốn đầu tư chính xác nhất có thể.
Đặc biệt, Thường trực Chính phủ lưu ý hạn chế việc vượt tổng mức đầu tư do yếu tố chủ quan khi phê duyệt dự án đầu tư và tránh tình trạng đội vốn khi triển khai đầu tư, thi công công trình.
Về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần phải rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư dự án.
Về phân cấp, phân quyền. Bộ Giao thông vận tải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc phân cấp, phân quyền cho các Bộ, ngành, địa phương nhằm huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực thực hiện dự án và xây dựng các ga dừng, đỗ, giao Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực đầu tư.
Về nguồn lực, Thường trực Chính phủ cho rằng cần huy động đa dạng nguồn lực, trong đó đầu tư công là chính; bên cạnh đó là các nguồn vốn đầu tư BOT, BT và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài Nhà nước bằng các cơ chế đặc thù, đặc biệt…
Thường trực Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu thành lập tổ giúp việc chuyên trách do một Thứ trưởng chỉ đạo xây dựng dự án, trường hợp cần thiết phải bổ sung một thứ trưởng chuyên trách triển khai dự án, báo cáo Thủ tướng để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Về trình tự, thủ tục, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần nghiên cứu có cơ chế rút ngắn thời gian; làm thủ tục triển khai thực hiện nhanh, dành thời gian tập trung thi công.
Về đánh giá tác động và đánh giá hiệu quả đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, đánh giá các chỉ số kinh tế vĩ mô; việc đánh giá hiệu quả kinh tế dự án cần đánh giá tổng thể, toàn diện; xác định việc triển khai dự án sẽ giúp nâng cao tiềm lực, vị thế của đất nước; giúp giảm chi phí đi lại của nhân dân, giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh, thuận lợi đi lại của Nhân dân, làm tăng giá trị gia tăng của đất…
Về vật liệu xây dựng, cần phải có cơ chế đặc thù về khai thác đất, vật liệu xây dựng thông thường và phân cấp, phần quyền tối đa cho địa phương xử lý việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường.
Về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất lúa: cần rà soát để phân cấp cho địa phương có cơ chế chủ động triển khai thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trong trường hợp có điều chỉnh phạm vi, diện tích do thay đổi, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí các công trình của dự án. Dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương triển khai thực hiện, việc kiểm tra theo phương thức hậu kiểm.
Chậm nhất ngày 20/10 phải có Tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội
Đưa ra mốc thời gian về tiến độ, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước trước 10/10; Hội đồng thẩm định Nhà nước hoàn thành thẩm định trước 18/10 và chậm nhất 20/10 phải có tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội.
Ưu tiên triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trong 2025
Về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng), Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc để có thể triển khai đầu tư sớm hơn.
Thường trực Chính phủ đề nghị ưu tiên triển khai trước tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025.
Thu Thảo
Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-tranh-tinh-trang-doi-von-khi-trien-khai-34107.html