Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đây là một dự án quan trọng Quốc gia, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước ta trong thời gian tới. Để có thêm những thông tin về dự án này, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Khánh Hòa về một vài thông tin liên quan chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
- Thưa ông, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là một dự án quan trọng quốc gia với sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 1.713.548 tỷ đồng, xin ông cho biết sự cần thiết của dự án này?
Theo tôi, việc triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là một quyết định đúng đắn và kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Trong đó, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược.
Hành lang Bắc - Nam là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, có vai trò, ý nghĩa to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo đó, việc phát triển giao thông theo trục Bắc - Nam giúp kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng và các hành lang kinh tế của khu vực và thế giới. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua chủ yếu tập trung cho đường bộ, hàng không; hạ tầng đường sắt chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, dẫn đến tụt hậu, phát triển không tương xứng, chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng vốn có của phương thức vận tải này.
Do đó, việc đầu tư dự án đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối với hệ thống đường sắt trong khu vực và Châu Á; mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tạo động lực lan tỏa, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam từ sản xuất vật liệu đến chế tạo cơ khí, xây dựng hạ tầng, điện, công nghệ số...
Tuy nhiên, tôi đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm đến các yếu tố về công nghệ khi thực hiện dự án, chúng ta triển khai dự án sau nhiều nước trên thế giới, đây là một yếu tố thuận lợi để lựa chọn công nghệ, tiếp thu kinh nghiệm của các nước đã triển khai dự án này. Đất nước ta cũng đã có bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng đường sắt trên cao tại Hà Nội, cho nên, đây là một yếu tố rất quan trọng để Quốc hội, Chính phủ có quyết định lựa chọn công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, phù hợp điều kiện kinh tế, áp dụng công nghệ tiên tiến của đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
- Thưa ông, theo tìm hiểu thì dự án này chúng ta sẽ tự thu xếp vốn, điều này có thuận lợi và khó khăn gì so với các dự án vay vốn nước ngoài?
Trước đây, khi chúng ta vay vốn viện trợ phát triển (ODA) để làm các dự án hạ tầng nên đều phải chấp nhận các điều kiện do bên cho vay quy định về nhà thầu, vật liệu, thiết kế... Ngược lại, khi chúng ta có chủ trương tự chủ nguồn vốn, chúng ta sẽ có vị thế chủ động trong cuộc chơi lớn này.
Việc chúng ta tự chủ được nguồn vốn cũng hấp dẫn các quốc gia đang làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, và tất nhiên chúng ta sẽ có cơ hội chủ động lựa chọn công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng yêu cầu của chúng ta.
Đường sắt tốc độ cao là công nghệ cực kỳ hiện đại. Chúng ta chưa tự làm được nên gần như phải thực hiện hợp đồng với nhà thầu nước ngoài để cung cấp công nghệ nhằm đảm bảo sự thống nhất từ hạ tầng đến thiết bị và hệ thống điều khiển đảm bảo khai thác. Hợp đồng áp dụng chủ yếu trong trường hợp này là hợp đồng EPC. Nước nào thắng thầu sẽ thực hiện toàn bộ từ giai đoạn thiết kế - cung cấp thiết bị - xây dựng trọn gói. Nhưng chúng ta chủ động nguồn vốn thì điều kiện chuyển giao công nghệ sẽ là nội dung quan trọng cần thương thảo.
Tuy nhiên, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), với số vốn dự kiến trên, đây là dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay của nước ta. So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (là 1.500.000 tỷ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng) và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. So với các dự án đã, đang triển khai, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gấp hơn 5 lần dự án có tổng mức đầu tư lớn nhất ở thời điểm hiện tại là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với 336.630 tỷ đồng (16 tỷ USD); gấp gần 3 lần mục tiêu xây dựng 5.000 km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư 23,4 tỷ USD (chưa bao gồm nâng cấp từ 2 lần lên 4 lần là 21 tỷ USD)… Trong khi giai đoạn 2026 - 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án quan trọng quốc gia và các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021 - 2025 (khoảng trên 130.000 tỷ đồng), các Chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 200.000 tỷ đồng), các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (khoảng 72 tỷ USD); tuyến đường sắt kết nối trung chuyển với cảng biển quốc tế, kết nối Trung Quốc, Lào (khoảng 5 tỷ USD)...
Theo đó, dự kiến chỉ tính riêng trong giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn cho các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2021 - 2025 nguồn ngân sách trung ương và nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực giao thông (không bao gồm dự án) khoảng 1.126.846,19 tỷ đồng, tương đương 73,7% Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Nếu tính cả dự án, nhu cầu kế hoạch vốn giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 1.983.643,19 tỷ đồng (chưa tính đến thực hiện các dự án khởi công mới đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực khác). Với nhu cầu vốn thực hiện dự án rất lớn như trên, để bảo đảm nguồn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên và có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước tăng lên trong một số năm (điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai). Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng các phương án và giải pháp về nguồn vốn cho đầu tư dự án này.
Thưa ông, trong dự thảo dự án cơ quan trình đưa ra phương án vận tốc thiết kế 350km/h nhưng vận tốc vận hành là 320km/h chậm hơn vận tốc vận hành của các tuyến đường sắt tốc độ cao của một số nước tiên tiến, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?
Trong dự thảo dự án, cơ quan trình đưa ra phương án vận tốc thiết kế 350km/h nhưng vận tốc vận hành là 320km/h cũng có nhiều lý do. Tuy nhiên, qua báo cáo của đơn vị tư vấn, chúng ta thấy hiện nay như Trung Quốc đã vươn lên tốc độ tới 380 km/h hoặc Nga đã 360 km/h, một số nước vận tốc thiết kế và vận tốc vận hành như nhau là 350 km/h. Vì vậy, theo tôi chúng ta nên xem xét kỹ vấn đề này, tại sao không phải thiết kế và vận hành là 350 km/h, mà chúng ta chỉ đặt vấn đề 320 km/h, vấn đề này cần có sự lý giải cũng như phương án tính toán để Quốc hội đưa ra phương án hợp lý.
Đường sắt tốc độ cao chúng ta đầu tư phải tiệm cận ở mức tương đối sát cả về công nghệ, cả về tốc độ và cả trên các phương diện khác so với các nước đã đi trước trên thế giới.
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)