Đoàn công tác của Quốc hội trong một chuyến khảo sát thực tế tại cảng Chân Mây liên quan đến nội dung tuyến metro, khu logistics
Cơ hội “bứt phá”
Trong khi thế giới đã có hơn 60.000km đường sắt cao tốc, Việt Nam vẫn đang ở vạch xuất phát. Sự chậm trễ không thể kéo dài. Những bài toán lớn về GDP, vốn, nợ công, công nghệ, tất cả đã có lời giải. Cái thiếu, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh sáng 9/7 tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc, đó là quyết tâm hành động.
“Đường sắt chậm một nhịp là mất cơ hội kết nối phát triển cả vùng”, thông điệp ấy được nêu lên trong bối cảnh nhu cầu đầu tư hạ tầng đồng bộ đang là lực kéo tăng trưởng. Đặc biệt với các tỉnh, thành có tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua, mệnh lệnh hành động đã rõ ràng.
Theo Bộ Chính trị, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao không chỉ giúp tăng 0,97 điểm phần trăm GDP mỗi năm, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, đó là thu hút đầu tư, tạo việc làm, thúc đẩy đô thị hóa theo mô hình phát triển định hướng giao thông công cộng (TOD).
Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương đầu tư DA đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (DA đường sắt). Và Huế, nơi tuyến đường đi qua với chiều dài hơn 95km đang chạy nước rút.
Gần như ngay lập tức sau hội nghị trực tuyến với Chính phủ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Nguyễn Văn Phương đã triệu tập cuộc họp khẩn với các sở, ngành liên quan. Nhiệm vụ quan trọng được đặt ra đó là, bắt đầu ngay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng khu tái định cư (TĐC)... phục vụ DA đường sắt.
“Chúng ta phải gấp rút nhưng bài bản, kỹ lưỡng. Làm nhanh nhưng đúng luật, đảm bảo hiệu quả lâu dài”, Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Lộ trình được chốt, ngày 19/8/2025, khởi công 5 khu TĐC đầu tiên. Đến cuối năm 2026, toàn bộ mặt bằng phải bàn giao sạch.
Ứng vốn, mở quỹ đất tái định cư
DA đường sắt đi qua 12 xã, phường với tổng chiều dài 95,1km, ảnh hưởng đến hơn 825ha đất và hơn 8.100 hộ dân ở Huế. Trong đó, gần 900 hộ phải di dời, 6.850 ngôi mộ cần di chuyển. Con số khổng lồ này đặt ra bài toán không chỉ về kinh phí, mà còn về sự đồng thuận trong dân.
Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII vừa qua, UBND thành phố đã đề xuất ứng trước 60 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để triển khai các DA TĐC ngay trong năm 2025, và đề xuất này đã được HĐND thành phố thông qua.
Báo cáo của UBND thành phố cho thấy, hạn mức ứng trước ngân sách theo quy định còn dư khoảng 84,1 tỷ đồng, trong khi nhu cầu ứng là 60 tỷ đồng, hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu pháp lý và khả năng cân đối ngân sách.
“Qua thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách nhận thấy phương án này là cần thiết và cấp bách để đảm bảo tiến độ GPMB phục vụ DA đường sắt”, ông Hoàng Phú, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Huế cho biết.
Theo bà Võ Thị Quế Hương, Phó Giám đốc Sở Tài chính, thành phố dự kiến đầu tư 22 khu TĐC với tổng diện tích 66ha, cùng 6 khu nghĩa trang (6ha) để đáp ứng nhu cầu TĐC, di dời mồ mả. Công tác kiểm kê đất đai, lập bản đồ địa chính đang được triển khai khẩn trương.
DA đường sắt không chỉ là một tuyến giao thông. Với Huế, đây là trục động lực phát triển mới, kéo dài từ Khu Công nghiệp Phong Điền, xuyên qua sông Hương, đầm Cầu Hai, tiến về Chân Mây - Lăng Cô, kết nối với Đà Nẵng.
Tuyến đường sẽ vượt Quốc lộ 49B, Quốc lộ 1A, và đường sắt hiện tại, mở ra không gian phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và logistics cho thành phố Huế và vùng phụ cận. Trong chiến lược dài hạn, Huế xác định đây là tuyến động lực để hình thành các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp xanh gắn với cảng nước sâu Chân Mây, sân bay Phú Bài, Quốc lộ 1A.
Với quyết tâm cao, Huế đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp thành phố do Bí thư Thành ủy làm trưởng ban. Ban này chịu trách nhiệm tổng thể việc thực hiện công tác GPMB, phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan để đảm bảo đúng tiến độ.
Theo kế hoạch, Huế sẽ triển khai 4 DA đầu tư xây dựng khu TĐC và nghĩa trang, với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1.419 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước, nguồn đầu tư công trung hạn, và vốn địa phương sẽ được huy động linh hoạt.
“Đây là DA có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế của đất nước, các địa phương phải chủ động, nhất là công tác GPMB”, ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH TP. Huế nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII.
Bài, ảnh: Lê Thọ