Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) về sự cần thiết cho việc đầu tư sớm dự án này cũng như hiệu quả dự án mang lại trong việc tái cơ cấu phân bổ dân cư trên toàn tuyến.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) trao đổi với phóng viên TTXVN. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc cần thiết sớm đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam?
Tổng giám đốc Vũ Hồng Trường:
Với đất nước có địa lý hẹp lại trải dài hình chữ S như Việt Nam hay Nhật Bản, đường sắt phải là phương tiện vận chuyển chủ yếu, đặc biệt ở những cự ly trên 800 km. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, thời gian vừa qua, sự đầu tư cho đường sắt ở mức độ rất hạn chế. Đường sắt chưa phát huy được vai trò, sứ mệnh trong vận chuyển hàng hóa và hành khách Bắc Nam.
Nhìn ra thế giới, so với các nước bắt đầu xây dựng đường sắt cao tốc hay đường sắt tốc độ cao, Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Thực tế, “hiện cũng là muộn nhưng mà thà muộn còn hơn không bao giờ”. Điều này không chỉ đáp ứng được sự mong mỏi của người dân, của các cấp chính quyền, đặc biệt là những người trong ngành đường sắt như chúng tôi.
Phóng viên: Theo ông, hiệu quả đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam như thế nào?
Tổng giám đốc Vũ Hồng Trường:
Từ kinh nghiệm tiếp nhận vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông từ ngày 6/11/2021 và tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao từ ngày 8/8/2024, nếu như chúng ta làm mọi việc tuần tự thì đến nay chưa biết là Cát Linh - Hà Đông hay Nhổn - Ga Hà Nội đã được đưa vào vận hành hay không. Bởi vậy, để đưa được Cát Linh - Hà Đông cũng như Nhổn - Ga Hà Nội đi vào hoạt động, chúng ta phải có sự quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là có những cơ chế đặc thù, những cái quyết sách kịp thời mới thực hiện được.
Từ kinh nghiệm đó, đối với chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam khi đã được Trung ương thông qua, với quyết tâm chính trị tuyệt đối thì chắc chắn chúng ta sẽ triển khai thành công. Lúc này, hiệu quả đem lại lại không chỉ dừng lại về mặt vận tải hay tài chính, mà phải nhìn rộng ra là hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội, về môi trường, về an ninh quốc phòng. Đây cũng là một trong những công cụ để chúng ta tiến tới mục tiêu Net-Zero theo cam kết của Chính phủ.
Đặc biệt, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, đưa đường sắt tốc độ cao vào hoạt động sẽ hình thành ngành công nghiệp mũi nhọn, đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp để có thể triển khai tiếp các dự án khác, không chỉ đường sắt tốc độ cao mà còn đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.
Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn về hiệu quả tái cơ cấu phân bổ dân cư khi triển khai dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam?
Tổng giám đốc Vũ Hồng Trường: Hiệu quả đầu tiên có thể nhìn thấy ngay trong việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư. Theo đó, tái cấu trúc phân bố dân cư giữa khu vực đô thị, khu vực ven đô và khu vực nông thôn để hạn chế dịch chuyển từ khu vực nông thôn về khu vực thành phố, khiến mật độ dân cư tập trung quá cao tại các thành phố, khu đô thị.
Với ưu thế vận tải khối lượng lớn, nhanh, tin cậy, thuận tiện, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, góp phần giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, dự án là tạo điều kiện kết nối vùng và phát triển kinh tế ở những khu vực vùng trũng còn chưa phát triển trên dọc tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.
Với sự quyết tâm chính trị cao nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tập trung nguồn lực, nhất là nguồn lực về mặt tinh thần, sự ủng hộ của các địa phương và người dân, tôi hy vọng dự án sẽ được triển khai nhanh chóng và chúng ta sẽ sớm được nhìn thấy thành quả trên.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Diệp Anh/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)