Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua Đồng Nai. Ảnh minh họa: L.An
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án.
Thiếu hàng triệu m3 cát, đá
Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 76km, qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Đây là dự án giao thông có ý nghĩa quan trọng không chỉ với 4 địa phương nói trên, mà của cả vùng Đông Nam Bộ và các vùng kinh tế khác. Theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, năm 2025 sẽ thông xe một số đoạn, thông xe kỹ thuật vào tháng 4-2026 và đưa vào khai thác toàn tuyến vào tháng 9-2026.
Hiện nay, mặt bằng của dự án đã giải phóng gần hết nhưng việc triển khai thi công các dự án thành phần còn gặp khó khăn do khan hiếm vật liệu xây dựng, cụ thể là cát và đá.
Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư hơn 75 ngàn tỷ đồng, được khởi công tháng 6-2023, dự kiến hoàn thành trong tháng 9-2026.
Về cát xây dựng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho hay, dự án đang thiếu khối lượng lớn cát đắp đường. Nguyên nhân là tiến độ cấp phép khai thác các mỏ chưa đáp ứng yêu cầu, công suất khai thác không đáp ứng khối lượng và tiến độ dự án; cát thương mại do nhà thầu huy động để xử lý khu vực đất yếu cũng khan hiếm.
Chỉ tính riêng Dự án Thành phần 1 có nhu cầu cát đắp nền khoảng 6,6 triệu m³ nhưng đến nay lượng cát về công trường mới được khoảng 1,45 triệu m³, còn thiếu khoảng 77% khối lượng. Cũng theo ông Lâm, trước đây, 3 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre cam kết cung cấp cho dự án 10 triệu m³ cát tại 13 mỏ. Tuy nhiên, đến hết tháng 1-2025, mới có 6 mỏ được cấp phép với tổng trữ lượng khoảng 3,3 triệu m³.
Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu nhiều cát đắp nền.
Tương tự, đá xây dựng của các dự án thành phần cũng thiếu. Chỉ tính riêng Dự án Thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua Đồng Nai hiện thiếu khoảng 1,6 triệu m³. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai thi công, làm chậm tiến độ hoàn tất nút giao vành đai 3 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đồng thời cũng ảnh hưởng đến tiến độ toàn dự án.
Cung cấp cát, đá trực tiếp cho nhà thầu
Chia sẻ tại Hội nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh với UBND các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và tỉnh Long An diễn ra ngày 15-1, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, để “đi xa, làm lớn”, các tỉnh trong vùng cần có sự hợp tác, kết nối chặt chẽ trên mọi lĩnh vực. Đối với các dự án giao thông đang triển khai, mà cụ thể là đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có 8 dự án thành phần, 21 gói thầu nếu không có sự nỗ lực, hợp tác và kết nối chặt chẽ giữa các địa phương sẽ không đạt tiến độ theo kế hoạch.
Liên quan đến thách thức về nguồn vật liệu, ông Mãi cho biết, thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang và Bến Tre đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục cấp phép 7/13 mỏ cát trong tháng 2 này; bổ sung thêm trữ lượng cát từ các mỏ đã cấp phép để đảm bảo công suất khai thác, khối lượng cát cho dự án. Riêng với đá xây dựng, ông Mãi đề nghị UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hỗ trợ đảm bảo nguồn cung cho dự án.
Vào ngày 1-2, khi đi kiểm tra tiến độ Dự án Thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh tại điểm cầu Nhơn Trạch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ theo dõi, báo cáo việc cấp phép các mỏ cát cung cấp cho dự án. Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai và Bình Dương đảm bảo nguồn đá xây dựng và cấp thẳng cho ban quản lý dự án hoặc nhà thầu xây dựng mà không qua trung gian. Các địa phương, đơn vị rà soát, nếu phát hiện găm hàng, đội giá vật liệu xây dựng thì xử lý nghiêm.
Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh là dự án có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, dự án góp phần tăng kết nối vùng, giảm ách tắc giao thông cho các đô thị, tạo không gian phát triển mới cho những nơi có tuyến đường đi qua. Việc triển khai dự án theo kế hoạch và sớm đưa vào khai thác là mong muốn chung của các địa phương, nhưng đạt được yêu cầu tiến độ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: mặt bằng, con người và phương tiện phục vụ thi công, nguồn nguyên vật liệu cho dự án…
Lê An