Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bò H’Mông trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Thời gian thực hiện dự án trong 5 năm (2024-2028). 60 hộ dân thuộc 2 xã Xuân Quang, Bình Phú đã được hỗ trợ 120 con bò giống, trọng lượng trung bình từ 198kg/con trở lên để nuôi sinh sản. Các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật trồng cỏ, quy trình chăm sóc bò, nuôi dưỡng; hỗ trợ kinh phí làm chuồng nuôi, thức ăn hỗn hợp và được bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra. Sau một thời gian chăm sóc, đàn bò phát triển tốt và đã sinh sản được 35 con bê.
Lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang thăm đàn bò của các hộ dân xã Xuân Quang (Chiêm Hóa).
Xã Bình Phú là 1 trong 2 xã thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bò H’Mông với tổng 60 con bò cái sinh sản. Đồng chí Hoàng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, cho biết: xã đã rà soát, lựa chọn rất kỹ những hộ có đủ điều kiện nhận bò phải là hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo. Mỗi hộ được nhận 2 con bò cái, trong đó, có nhiều hộ bốc thăm được bò đã có con hoặc bò đang chửa. Đến nay, đàn bò phát triển rất tốt và đã đẻ thêm được 15 con bê con.
Trong tháng 11 vừa qua, gia đình anh Mạc Văn Púi, thôn Bản Lếch, xã Bình Phú vui mừng vì 1 trong 2 con bò được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ đẻ sinh đôi 2 con bê cái. Chia sẻ với chúng tôi, anh Púi phấn khởi nói: “Vui lắm cô ạ. Từ 2 con bò cái, sau 5 tháng đã nhân lên thành 4. Mấy ngày nữa con kia đẻ nốt, tổng đàn có 5 con bò. Cứ phát triển như này, nhà tôi thoát nghèo sớm thôi”.
Gia đình chị Ma Thị Dọt, thôn Ngoan B, xã Xuân Quang là 1 trong 30 hộ dân được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ 2 con bò cái H’Mông để nuôi sinh sản. Ngày nhận bò, chị mừng lắm. Ngày nào chị cũng ra đồng cắt cỏ nuôi bò. Quá trình nuôi, bò có dấu hiệu khác thường chị báo cán bộ thú y, Hội Nông dân xã ngay để được hướng dẫn chăm sóc. Sau 5 tháng nuôi, 2 con bò cái đã sinh sản được thêm 1 con bê con. Chị bảo, được hỗ trợ bò một công nhiều lợi ích, vừa tạo công ăn việc làm để tăng thu nhập, gia đình vừa có thêm một nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng.
Đồng chí Nguyễn Thị Vĩnh An, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang cho biết, dự án triển khai không chỉ bảo tồn nguồn gen, cải tạo tầm vóc, phát triển đàn bò H’Mông bản địa, hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu thịt bò đặc sản H’Mông, mà còn giúp các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số tham gia chuỗi liên kết nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình ổn định, bền vững. Đây là một dự án rất thiết thực, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, của Hội trong hiện tại và tương lai.
Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là xu thế tất yếu đối với bất kỳ một ngành hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm bò H’Mông trên địa bàn huyện Chiêm Hóa mở ra nhiều cơ hội giúp nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân, nâng cao vai trò của tổ chức hội nông dân các cấp, giúp người chăn nuôi, đặc biệt người dân tộc thiểu số tham gia vào chuỗi liên kết, hình thành vùng sản xuất tập trung, phát triển kinh tế bền vững. Đồng thời, góp phần xây dựng thương hiệu thịt bò H’Mông, một sản phẩm đặc sản bản địa vươn xa hơn tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Bài, ảnh: Bàn Thanh