Dự án INVICTUS hé lộ phương tiện tái sử dụng siêu vượt âm

Dự án INVICTUS hé lộ phương tiện tái sử dụng siêu vượt âm
5 giờ trướcBài gốc
Nền tảng thử nghiệm bay siêu vượt âm mới
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và công ty Frazer‑Nash có trụ sở tại Anh đã khởi động chương trình nghiên cứu INVICTUS, hướng tới phát triển công nghệ siêu vượt âm áp dụng cho các phương tiện tái sử dụng có khả năng cất cánh theo phương ngang.
INVICTUS được tài trợ thông qua Chương trình Hỗ trợ Công nghệ Chung (GSTP) và Hạng mục Phát triển Công nghệ (TDE) của ESA. Đây là một phương tiện hàng không vũ trụ thử nghiệm, hoàn toàn tái sử dụng, có khả năng bay ở tốc độ Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).
Phương tiện này sẽ trình diễn các công nghệ then chốt cho chuyến bay siêu vượt âm duy trì trong khí quyển và có thể nâng cấp, cho phép hoán đổi vật liệu, phần mềm và hệ thống động cơ giữa các đợt bay thử.
INVICTUS kế thừa những phát triển công nghệ trước đây do ESA quản lý và mang lại cho ngành công nghiệp, các cơ quan và giới học thuật cơ hội thử nghiệm công nghệ siêu vượt âm trong môi trường thực tế.
Công nghệ động cơ tiên tiến và thách thức vận hành
Một trong những thách thức chính khi vận hành phương tiện siêu vượt âm là ở tốc độ cao, do hiện tượng sốc nhiệt và ma sát bề mặt, lớp ngoài của máy bay và luồng khí đi vào động cơ trở nên cực nóng.
Những điều kiện trên đòi hỏi công nghệ đặc biệt cũng như hệ thống động cơ độc đáo để dẫn động phương tiện qua dải tốc độ cao.
Ông David Perigo, kỹ sư động cơ hóa học của ESA và là trưởng kỹ thuật chương trình, giải thích:
“Chương trình INVICTUS sẽ chứng minh tính phù hợp của hệ thống động cơ dùng nhiên liệu hydro, làm mát trước, hô hấp không khí, cho cất cánh ngang và bay siêu vượt âm.”
Ông cho rằng nó mang lại cơ hội vô giá để thử nghiệm toàn bộ đường dẫn động cơ, từ cửa hút gió tới buồng đốt tăng lực, ở quy mô đầy đủ trong một máy bay tích hợp.
Hệ thống làm mát trước này được phát triển dựa trên công nghệ trong nghiên cứu SABRE của ESA, do công ty Reaction Engines Ltd tại Anh thiết kế và được tài trợ giai đoạn đầu thông qua GSTP của ESA.
Công nghệ đổi mới này, có khả năng làm lạnh luồng khí siêu nóng chỉ trong tích tắc, đã được chứng minh thành công khi tích hợp với các động cơ phản lực thông thường.
Ngoài việc cung cấp hệ thống làm mát, kiến trúc nhẹ của một động cơ kiểu SABRE mở đường cho các tàu bay vũ trụ thực thụ, có thể cất cánh ngang từ đường băng, đưa chúng ta tiến gần hơn tới việc tiếp cận không gian rộng rãi.
Ông Mark Ford, Trưởng bộ phận Động cơ hóa học của ESA, nhận xét: “INVICTUS là bước đi quan trọng tiếp theo trong phát triển công nghệ cần thiết cho các tàu bay vũ trụ tương lai và sẽ mang lại cho châu Âu một công cụ độc nhất để khám phá loại hình bay này.”
Ông Tommaso Ghidini, Trưởng phòng Cơ khí của ESA, nói thêm rằng bay siêu vượt âm không chỉ là ranh giới tiếp theo của hàng không vũ trụ – đó là cánh cửa tới một mô hình di chuyển, quốc phòng và tiếp cận không gian hoàn toàn mới.
Với INVICTUS, châu Âu đang nắm lấy cơ hội dẫn đầu về công nghệ sẽ định nghĩa lại cách chúng ta di chuyển trên Trái Đất và vươn ra ngoài nó, ông Ghidini nhận định và cho biết:
“Bằng việc làm chủ động cơ hô hấp không khí tái sử dụng, chúng ta đang đặt nền móng cho những máy bay cất cánh như phi cơ và lên quỹ đạo như tên lửa – cách mạng hóa cả vận tải mặt đất lẫn quỹ đạo.”
Trong 12 tháng tới, liên danh INVICTUS do Frazer‑Nash dẫn đầu, gồm Spirit AeroSystems và Đại học Cranfield, sẽ hoàn thiện thiết kế sơ bộ của toàn bộ hệ thống bay.
Theo ESA
Hải Yến
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/du-an-invictus-he-lo-phuong-tien-tai-su-dung-sieu-vuot-am-post740299.html