Dự án kè rạch Cái Sơn đình trệ, quyền lợi của dân treo nhiều năm

Dự án kè rạch Cái Sơn đình trệ, quyền lợi của dân treo nhiều năm
2 giờ trướcBài gốc
Dự án kè rạch Cái Sơn, dài hơn 2,8 km, do Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT TP Cần Thơ) làm chủ đầu tư, được khởi công từ cuối năm 2019, tổng mức đầu tư gần 315 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong vòng một năm. Tuy nhiên, hiện nay dự án đã ngưng thi công và chưa biết ngày tái khởi động.
Rạch Cái Sơn, bờ bên kia kè đã hoàn thành, khang trang, còn bờ thuộc khu vực 6, phường An Bình còn dở dang
Khốn đốn vì ngập nước
Việc dự án tạm dừng thi công không chỉ khiến người dân phải chung sống với cảnh ngập úng mà còn tác động đến nhiều mặt khác của đời sống. Quanh năm sống trong môi trường ẩm thấp, ô nhiễm, người dân rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Chưa kể kinh tế bị ảnh hưởng nặng vì phải thường xuyên bỏ tiền ra sửa chữa nhà cửa, mua sắm thêm vật dụng để ngăn nước tràn vào nhà.
Tình trạng ngập nước do triều cường dâng cao đến hơn 1m càng làm cuộc sống của người dân thêm khổ cực. Xe máy liên tục bị chết máy khi đi qua các đoạn ngập, những hộ dân sống gần kè phải đối mặt với cảnh nước tràn vào nhà mỗi khi triều lên. Khi thấy chúng tôi đến ghi nhận tình hình, một người dân hỏi đầy hi vọng: "Bao giờ kè mới thi công lại?"
Đợt triều cường rằm tháng 9 vừa qua người dân phải chịu cảnh ngập sâu
Người dân xây thêm tường để ngăn nước tràn
"Đợt triều cường vừa rồi nước ngập lênh láng, tôi phải xây thêm gạch để ngăn nước nhưng vô ích, nước vẫn tràn đầy nhà, không buôn bán được gì, trẻ nhỏ đi học phải lội nước bì bõm" - bà Nguyễn Thị He, một người dân ở gần bờ kè thở dài và cho biết rất lo lắng khi đợt triều cường tháng 10 âm lịch sắp đến.
2 năm không có tiền tạm cư, tái định cư cũng chưa thấy
Bà Trần Hoàng Oanh, một trong những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, chia sẻ: "Khi có thông báo về dự án làm kè, chúng tôi rất vui mừng và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để Nhà nước triển khai. Căn nhà của tôi bị giải tỏa trắng, phải thuê nhà và sống nhờ vào công việc làm thuê. Chúng tôi chấp hành chủ trương phát triển đô thị nhưng đến nay vẫn chưa có nơi để tái định cư, tiền tạm cư cũng bị dừng từ cuối năm 2022."
Cũng theo bà Oanh, sau khi bàn giao mặt bằng, bà chỉ nhận được tổng cộng 13 tháng tiền tạm cư (2,5 triệu đồng/tháng). Khi hỏi cơ quan chức năng thì chỉ nhận lại câu trả lời là chưa có tiền và sự im lặng kéo dài.
Gia đình bà Trần Hoàng Oanh bị giải tỏa trắng, không có nơi ở khác nhưng vẫn chấp hành bàn giao mặt bằng sớm, thuê nhà trọ ở nhưng 2 năm nay không nhận được tiền tạm cư
Cùng cảnh ngộ là gia đình ông Phùng Văn Túc. Vì nhà chật hẹp, con gái ông phải dọn vào thuê trọ ở Phong Điền, kiếm sống qua ngày nhờ buôn bán nhỏ. Ông Túc bức xúc: "Nhà nước chưa chi tiền tạm cư, nền tái định cư cũng chưa thấy đâu trong khi dự án thì dở dang, mỗi khi triều cường lên là nước ngập vào nhà, đời sống chúng tôi rất khó khăn."
Công trình ngổn ngang, không đồng bộ
Dự án có 3 gói thầu xây lắp quan trọng. Trong đó, Công ty CP Lắp đặt Điện nước IEE 24/7 trúng 2 gói thầu gồm: Gói thầu số 1 xây dựng đoạn kè từ cầu Cái Sơn 1 đến cầu rạch Bần và gói thầu số 2 xây dựng đoạn kè từ cầu rạch Bần đến cầu Cái Sơn 2. Gói thầu số 3 do Công ty CP Tập đoàn Phú Tài Miền Trung trúng thầu, xây dựng đoạn kè từ cầu Cái Sơn 2 đến cầu Sáu Bé.
Theo ghi nhận của PV, gói thầu số 3 cơ bản đã hoàn thành nhưng 2 gói thầu còn lại đang dang dở. Hiện trạng công trình ngổn ngang, không đồng bộ, phương tiện, vật liệu xây dựng nằm rải rác, rác thải ùn ứ gây mất vệ sinh. Một số hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp, vỉa hè sụt lún. Người dân rất lo lắng về chất lượng công trình.
Dù chưa hoàn thành nhưng 1 số hạng mục đã xuống cấp, nứt bung
Một đoạn vỉa hè có dấu hiệu sụt lún
Gạch lát vỉa hè tạm bợ, nền cũng bị sụt lún
Vật tư ngổn ngang
Nhiều đoạn đường bị ngập, sình lầy gây khó khăn trong việc đi lại
Cát, đá để dọc kè không ai trông coi bị hao hụt, gây lãng phí
Là thành viên Hội đồng giải phóng mặt bằng, ông Trần Minh Luân không kiềm chế được bức xúc khi chứng kiến tình cảnh của người dân bị ảnh hưởng nặng vì dự án. "Nhà dân đã bị đập, mặt bằng đã giao, vì sao dự án vẫn chưa được thi công? Tiến độ lẻ tẻ và vật tư thì để ngổn ngang, không bảo quản gây thất thoát" - ông Luân nói
Người dân sống tại khu vực không khỏi ngậm ngùi khi thấy bờ kè phía đối diện đã hoàn thành sạch đẹp, trong khi bên mình thì vẫn dở dang.
"Họp dân họ nói dự án làm 13 tháng là hoàn thành nhưng nay đã mấy năm rồi vẫn dang dở. Chúng tôi rất trông chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố" - ông Túc kỳ vọng.
Người dân mong mỏi kè rạch Cái Sơn sẽ sớm thi công lại để bà con có được một cuộc sống ổn định, đô thị khang trang
Theo thống kê, có tổng cộng 31 hộ dân không được chi trả tiền tạm cư gần 2 năm nay với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.
Để lấy lại lòng tin của người dân, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công và kịp thời chi trả tiền hỗ trợ tạm cư để giảm bớt gánh nặng cho người dân khu vực bị ảnh hưởng.
Đã có hướng ra, sẽ hoàn thành trong năm 2025
Trao đổi về dự án trên, ông Huỳnh Thanh Việt - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ cho biết: “Với vai trò là chủ đầu tư, chúng tôi nhận trách nhiệm về việc dự án bị chậm tiến độ.”
Theo ông Việt, dự án kéo dài vì nhiều nguyên nhân như quá trình giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi mặt bằng đã sẵn sàng thì thời hạn thực hiện dự án lại kết thúc dẫn đến việc phải tạm ngưng thi công từ cuối năm 2023 đến nay.
Ông Việt chia sẻ thêm, chi cục đã nhiều lần tham mưu để UBND thành phố gửi kiến nghị lên Bộ KH&ĐT xin gia hạn thời gian thực hiện và bố trí vốn tiếp tục cho dự án, hoặc cho phép thành phố chủ động tìm nguồn vốn hoàn thành. Đến nay, bộ đã cơ bản thống nhất với đề xuất này nhưng phải đợi văn bản chính thức. Dự kiến trong tuần sau sẽ có văn bản trả lời của bộ.
“Khi có văn bản từ bộ, chúng tôi sẽ trình phương án điều chỉnh dự án và lập tức khởi động lại công trình với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025” - ông Việt nhấn mạnh.
Về vấn đề hỗ trợ tạm cư, ông Việt cho biết rất thấu hiểu hoàn cảnh của người dân, tuy nhiên do dự án đã hết hạn nên ngân sách địa phương không thể chi trả. “Khi dự án được bố trí vốn trở lại, người dân sẽ được truy lãnh tiền tạm cư” - ông Việt đảm bảo.
Ngoài ra, ông Việt khẳng định nhà thầu dự án có đủ năng lực và từng thực hiện nhiều công trình trên địa bàn thành phố, như công trình bờ kè đối diện đã hoàn thành.
Ngày 2-11, trao đổi với PV PLO, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, vừa qua đã tham mưu với thành phố để đăng ký làm việc với Bộ KH&ĐT về dự án. Và phản hồi thông tin, phía Bộ đã hướng dẫn đồng thuận việc tiếp tục triển khai dự án, nhưng nguồn vốn trung ương không thể bố trí mà cần tham mưu với thành phố theo hướng thực hiện tiếp dự án bằng nguồn vốn địa phương. Sở ngành của thành phố đã thống nhất khi Bộ KH&ĐT có văn bản hồi đáp chính thức theo hướng trên sẽ tiếp tục tham mưu và cân đối nguồn ngân sách địa phương để hoàn tất các phần việc còn lại của dự án.
Cũng theo ông Sử, trước đây phần vốn trung ương còn phải giải ngân cho dự án khoảng trên 90 tỉ, nhưng do hết thời gian thực hiện nên không thể cấp phát và phải thu hồi không bố trí, nên khi chính thức có quyết định cho tiếp tục thực hiện để hoàn thiện dự án thì sẽ cân đối từ nguồn của địa phương.
"Và theo tính toán, hiện chỉ cần khoảng 40 tỉ đồng là có thể hoàn tất dự án. Việc cân đối, bố trí nguồn vốn này Sở đã trao đổi và thống nhất với sở ngành của thành phố và sẽ có vốn để bố trí cho dự án sớm hoàn thành" - người đứng đầu ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ chia sẻ.
HẢI DƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/du-an-ke-rach-cai-son-dinh-tre-quyen-loi-cua-dan-treo-nhieu-nam-post817739.html