Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Cân nhắc quy định 'cứng' trách nhiệm liên quan đến di sản tư liệu

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Cân nhắc quy định 'cứng' trách nhiệm liên quan đến di sản tư liệu
3 giờ trướcBài gốc
Quang cảnh phiên họp.
Quỹ bảo tồn di sản văn hóa chỉ hỗ trợ kinh phí một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm
Nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến là quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn; rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.
Phát biểu tại phiên họp, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đoàn Điện Biên) chỉ ra rằng, cả nước hiện có khoảng hơn 40.000 di tích vật thể các loại, 70.000 di sản văn hóa phi vật thể, 15 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và 9 di sản tư liệu.
Theo Đại biểu, Quỹ bảo tồn di sản văn hóa rất cần thiết ra đời để thực hiện các yêu cầu cấp bách trong các trường hợp khẩn thiết như trong dự thảo Luật đã nêu là để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa, nhưng ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được, trong các trường hợp cụ thể như bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; bảo quản, tu bổ, phục hồi, bảo vệ, phát huy các giá trị di tích; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm, di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc ở Việt Nam từ nước ngoài về nước…
Đại biểu, Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tại phiên họp.
Để Quỹ bảo tồn di sản văn hóa hoạt động phát huy hiệu quả, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có những cơ chế đặc thù, có chính sách phù hợp, tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi xứng đáng với tâm huyết, công sức tham gia phục hồi, tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa. Có như vậy, quỹ mới huy động được nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm ở trong nước và nước ngoài đóng góp cho quỹ.
Trong khi đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) lại đề nghị cân nhắc về vấn đề này.
“Hiện nay, chúng ta thành lập rất nhiều quỹ. Vừa rồi, các Ủy ban của QH tham gia đi giám sát một số quỹ tài chính ngoài ngân sách thấy hoạt động không hiệu quả và đã có ý kiến rằng chúng ta nên giảm những quỹ trong thời gian qua”, Đại biểu nói.
Theo Đại biểu, đây cũng là một vấn đề rất quan trọng. Bởi, dù không phải là ngân sách của nhà nước mà là huy động của toàn dân nhưng huy động của toàn dân cũng là nguồn lực của xã hội.
Đại biểu Mai Thanh Hải (Đoàn Thanh Hóa) chỉ ra rằng, việc hình thành Quỹ ở địa phương rất khó khăn.
“Giả sử có xây dựng để đáp ứng được yêu cầu trong việc bảo tồn các di tích là cũng rất khó khăn. Cho nên việc sử dụng Quỹ bảo tồn ở địa phương theo cá nhân tôi nghĩ sẽ không hiệu quả”, Đại biểu nêu quan điểm và đề xuất rằng nên để việc thành lập Quỹ ở trung ương, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định thành lập và quản lý.
Lần đầu tiên quy định về di sản tư liệu
Trên cơ sở nội dung đổi mới về tư duy xây dựng pháp luật đã được quán triệt tại đầu kỳ họp, Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) chỉ ra rằng, dự thảo Luật có tới 17 điều có quy định về trình tự, thủ tục thực hiện các công việc có liên quan đến di sản, trong đó có một số điều giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tuy nhiên có một số điều, khoản vẫn quy định khá cụ thể như khoản 2,3 Điều 25, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 31, khoản 4, 5 Điều 69…
“Tôi nhận thấy các quy định về trình tự, thủ tục là những nội dung thường có sự thay đổi, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong nội tại và tính ổn định của luật, tạo điều kiện trong quá trình chỉ đạo điều hành, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này”, Đại biểu nói.
Về di sản tư liệu, nhấn mạnh rằng đây là nội dung mới, lần đầu tiên được quy định, Đại biểu cho biết, Ban soạn thảo cho rằng các quy định tại Chương IV của dự thảo Luật về vấn đề này được quy định trên cơ sở nội luật hóa khuyến nghị của Chương trình ký ức thế giới.
Đại biểu Đỗ Đức Hiển phát biểu tại phiên họp.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, Chương trình ký ức thế giới là một sáng kiến mới của UNESCO và nội dung các khuyến nghị của Chương trình thì thường xuyên được cập nhật, thay đổi.
Trong khi đó, dự thảo Luật có nhiều quy định khá chi tiết với nhiều nội dung quy định cứng về trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, người đứng đầu ngành, cơ quan, tổ chức ở trung ương trong việc chỉ đạo, tổ chức kiểm kê, phê duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di sản tư liệu hàng năm (Điều 54); xây dựng đề án, dự án, kế hoạch và báo cáo định kỳ về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh (Điều 61), thậm chí quy định việc xây dựng kho bảo quản phải theo tiêu chuẩn phù hợp yêu cầu bảo vệ, bảo quản theo loại hình và chất liệu của di sản tư liệu kho bảo quản di sản...
Băn khoăn về tính khả thi của các quy định này, Đại biểu đề nghị, do đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ nên trước mắt chỉ nên quy định theo hướng khuyến khích các cơ quan tổ chức thực hiện, không nên quy định thành trách nhiệm hay nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan tổ chức như dự thảo hiện nay.
Cũng liên quan đến di sản tư liệu, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết, dự thảo Luật quy định về thủ tục đề nghị UNESCO ghi danh đối với di sản tư liệu còn phức tạp, nhiều tầng nấc.
“Khuyến nghị của Chương trình ký ức thế giới của UNESCO quy định bất cứ tổ chức, cá nhân nào được sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu tư liệu đều có quyền trình hồ sơ đề cử ghi danh di sản tư liệu khu vực hoặc thế giới của UNESCO. Trong khi dự thảo Luật tại Điều 55 quy định điều kiện phải là di sản tư liệu trong Danh mục kiểm kê di sản tư liệu quốc gia thì mới được đề nghị ghi danh trong các danh mục của UNESCO và phải qua nhiều khâu xét duyệt được quy định tại Điều 56 của dự thảo. Như vậy là chưa phù hợp với khuyến nghị”, Đại biểu chỉ rõ.
Mặt khác, thời gian vừa qua, một số tài liệu quý của nước ta đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu khu vực hoặc thế giới, như Mộc bản Triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm mà không phải làm các hồ sơ thủ tục công nhận, ghi vào Danh mục kiểm kê di sản tư liệu quốc gia...
Tường Minh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/du-an-luat-di-san-van-hoa-sua-doi-can-nhac-quy-dinh-cung-trach-nhiem-lien-quan-den-di-san-tu-lieu-post529516.html