Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi): Quan tâm yếu tố đảm bảo an toàn cho người dân

Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi): Quan tâm yếu tố đảm bảo an toàn cho người dân
3 giờ trướcBài gốc
Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi): Quan tâm yếu tố đảm bảo an toàn cho người dân. Ảnh minh họa
Nhất trí về tầm quan trọng, sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất hiện hành và cần quan tâm các yếu tố đảm bảo an toàn cuộc sống người dân khi áp dụng Luật vào cuộc sống. Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu tại Hội thảo góp ý Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), do Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra chiều 25/9.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Hóa chất 2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã phát huy được hiệu lực trong 16 năm triển khai, góp phần vào phát triển nền kinh tế Việt Nam, trong đó có công nghiệp hóa chất. Tuy nhiên, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách mới về công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất, an toàn hóa chất, nhất là đối với các hóa chất nguy hiểm; đồng thời nhiều đạo luật mới được ban hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Phòng, chống ma túy... có liên quan đến vấn đề hóa chất, quản lý hóa chất, phòng, chống các rủi ro về hóa chất.
Ngoài ra, sau khi có Luật Hóa chất 2007, Việt Nam đã gia nhập, là thành viên của nhiều công ước quốc tế về hóa chất. Thực tế hiện nay cho thấy vấn đề hóa chất liên quan đến sức khỏe, tác động mạnh mẽ đến môi trường sống với những hậu quả hiện tại và lâu dài. Vì vậy, việc ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi) là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hóa chất, nội luật hóa các quy định của quốc tế tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời giải quyết những vướng mắc còn tồn tại của Luật Hóa chất hiện hành.
Luật sư Trương Thị Hòa đóng góp ý kiến vào Điều 62 quy định: “Địa điểm xây dựng công trình có hoạt động sản xuất hóa chất, tồn trữ hóa chất thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều này phải bảo đảm khoảng cách an toàn tới khu dân cư, công trình công cộng, công trình quốc phòng, khu quân sự, công trình an ninh, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực khai thác nguồn nước sinh hoạt”. Bà đề nghị bổ sung sau chữ “khu dân cư” thêm “trường học, cơ sở tôn giáo, cây xăng”, vì trường học, cơ sở tôn giáo là nơi rất đông người nên khi xảy ra rủi ro hóa chất thì sẽ tác hại đến nhiều người. Cây xăng là nơi dễ phát sinh ra những rủi ro về hóa chất do xăng dầu là nguồn nguy hiểm dễ cháy nổ, nhiều hóa chất cũng là nguồn nguy hiểm về cháy nổ.
Cũng quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn cho người dân từ nguy cơ sự cố hóa chất, Đại tá Trần Thiện Phúc, Trưởng phòng Hóa học, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cho rằng, điều luật chưa nhắc tới đối tượng cá nhân hộ kinh doanh, tồn trữ hóa chất vốn nằm xen lẫn trong khu dân cư và quy định “đảm bảo khoảng cách an toàn” là rất khó thực hiện trên thực tế. Một số hóa chất bình thường đơn lẻ không gây nguy hiểm nhưng khi xảy ra hỏa hoạn, sự cố sẽ tác động, có phản ứng hóa học trở thành những chất độc, khí độc rất nguy hiểm. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất, tồn trữ hóa chất nguy hiểm phải được đưa vào khu vực tập trung, cách xa khu dân cư như khu công nghiệp…
Góp ý vào điều Điều 3 (Áp dụng pháp luật), ông Nguyễn Văn Tâm, Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung: “Trong trường hợp có sự khác biệt giữa Luật Hóa chất và các Điều ước quốc tế về hóa chất mà Việt Nam là thành viên thì áp dụng quy định của các Điều ước quốc tế”, vì hiện nay Việt Nam là quốc gia thành viên của các điều ước quốc tế về lĩnh vực hóa chất nên cần đảm bảo nguyên tắc ưu tiên Điều ước quốc tế khi điều chỉnh cùng một vấn đề. Đồng thời Dự thảo Luật bổ sung quy định hoặc cơ chế cập nhật “danh mục hóa chất nguy hiểm”, đảm bảo tính linh hoạt, nhanh chóng trong việc sửa đổi, bổ sung danh mục hóa chất nguy hiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động liên quan.
Các đại biểu cũng góp ý về nội dung giải thích từ ngữ; quyền và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan; công tác giáo dục, đào tạo, cấp giấy chứng nhận liên quan đến tiêu chuẩn chuyên môn hóa chất; cấp phép vận tải đường bộ cho hàng hóa là hóa chất...
Dự thảo Luật Hóa chất sửa đổi gồm 9 chương, 89 điều, quy định về hoạt động hóa chất; phát triển công nghiệp hóa chất; hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; an toàn trong hoạt động hóa chất; trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động hóa chất; quản lý nhà nước về hóa chất.
Xuân Khu/TTXVN
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/du-an-luat-hoa-chat-sua-doi-quan-tam-yeu-to-dam-bao-an-toan-cho-nguoi-dan/348298.html