Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):Cân nhắc quy định liên quan đến phân cấp cho chính quyền địa phương

Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi):Cân nhắc quy định liên quan đến phân cấp cho chính quyền địa phương
5 giờ trướcBài gốc
Tham gia ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên phát biểu
Bày tỏ quan tâm Điều 14 liên quan đến phân cấp cho chính quyền địa phương, đại biểu Trần Hồng Nguyên đóng góp ý kiến vào Khoản 6, trong đó quy định rằng: “Trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân được phân cấp đề nghị UBND cấp tỉnh xem xét, ban hành văn bản điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan.”
Theo đại biểu, hiện nay, trình tự, thủ tục đã được quy định trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung phân cấp lại nằm trong nhiều luật chuyên ngành, hiện nay hệ thống pháp luật chuyên ngành có nhiều quy định về thẩm quyền của các cơ quan và Quốc hội không thể sửa đổi đồng thời tất cả các luật chuyên ngành để tương thích với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì lý do đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị cần cân nhắc lại quy định này. Đại biểu cho rằng, trong quy định chuyển tiếp, có đề cập rằng trong thời hạn 2 năm kể từ khi luật có hiệu lực, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền được quy định những nội dung để thực hiện việc phân cấp. Tuy nhiên, nếu khoản 6 không nằm trong phần quy định chuyển tiếp, thì quy định này sẽ được thực hiện đồng hành với Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) khi có hiệu lực và không chỉ giới hạn trong 2 năm. Hơn nữa, nếu giao cho UBND cấp tỉnh sửa các quy định của luật, pháp lệnh hoặc nghị định của Chính phủ, đại biểu cho rằng cần cân nhắc để đảm bảo tính hợp lý và thống nhất của hệ thống pháp luật.
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ sáng nay 13/2
Liên quan đến quy định chuyển tiếp, theo đại biểu Trần Hồng Nguyên do không thể sửa đổi ngay tất cả các luật chuyên ngành để quy định lại thẩm quyền, nên dự thảo luật có quy định chuyển tiếp; khi luật này có hiệu lực, giao Chính phủ quyền điều chỉnh trình tự, thủ tục để thực hiện phân cấp. Tuy nhiên, khi so sánh giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu nhận thấy có một số điểm khác biệt cần thống nhất. Mặt khác, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên thực hiện theo hướng của Luật Tổ chức Chính phủ.
Khi điều chỉnh, quy định mới sẽ khác so với quy định, luật hiện hành. Đối với các luật hiện hành, trong Luật Tổ chức Chính phủ có yêu cầu: Sau khi Chính phủ ban hành thì phải báo cáo Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ngưng hiệu lực của các điều khoản, điểm của luật, nghị quyết của quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gần nhất. Tuy nhiên, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương cũng giao thẩm quyền đó cho Chính phủ nhưng yêu cầu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thường lệ gần nhất.
Đại biểu cho rằng chỉ báo cáo để cung cấp thông tin là chưa đủ, vì khi một quy định mới có nội dung khác với luật hiện hành, nếu không có cơ chế để ngưng hiệu lực các điều khoản liên quan trong luật cũ, sẽ gây khó khăn trong việc thực thi. Khi hệ thống pháp luật tồn tại đồng thời hai quy định khác nhau về cùng một nội dung thì doanh nghiệp và người dân sẽ không biết phải thực hiện theo quy định nào. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định trong Luật Tổ chức Chính quyền địa phương theo hướng tương tự như Luật Tổ chức Chính phủ. Cụ thể, khi có văn bản hướng dẫn có nội dung khác với các luật, pháp lệnh hiện hành thì phải báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét ngưng hiệu lực các quy định cũ. Điều này sẽ giúp đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc áp dụng pháp luật.
T.HÀ
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/du-an-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-can-nhac-quy-dinh-lien-quan-den-phan-cap-cho-chinh-quyen-dia-phuong-127884.html