Dự án nhà ở xã hội khu đô thị Nam Vĩnh Yên chính thức khởi công là một bước nhảy vọt đáng ghi nhận phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ của Vĩnh Phúc và nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng nhu cầu nhà ở cấp thiết cho người lao động có thu nhập thấp. Đây còn là công trình mang theo những kỳ vọng của người dân lao động về một mái nhà để có thể “an cư lạc nghiệp”.
Dự án nhà ở xã hội khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên được khởi công mang theo kỳ vọng của người lao động về một mái nhà để có thể “an cư lạc nghiệp”.
An cư cho người thu nhập thấp
Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp để người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với địa phương là nhiệm vụ luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Hiện, tỉnh có 17 khu công nghiệp, trong đó 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy cao, có trên 260.000 lao động thường xuyên, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn.
Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000 công nhân đang ở trọ tại 2.074 nhà trọ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên. Công nhân tại các khu công nghiệp đang phải sinh sống trong các phòng trọ do tư nhân xây dựng cho thuê hầu hết đều rất chật hẹp, diện tích sử dụng chỉ từ 3-5m2/người.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động, tỉnh đã kêu gọi đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Hiện, trên địa bàn có 13 dự án nhà ở xã hội, tập trung ở các đô thị lớn và các huyện có nhiều khu công nghiệp của tỉnh (Vĩnh Yên, Phúc Yên, Bình Xuyên). Tổng diện tích đất của các dự án này là 65,4 ha.
Tổng diện tích sàn nhà ở là 961.378 m2, tổng số căn nhà là 10.143 căn, trong đó 732 căn nhà thấp tầng, diện tích sàn 160.698 m2, 9.411 căn nhà chung cư, diện tích sàn 800.680 m2. Các dự án này đều được triển khai phù hợp với các quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương.
Trong tổng số các dự án nêu trên, đã có 5 dự án được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng với tổng số 1.623 căn nhà ở xã hội gồm khu nhà ở công nhân và người thu nhập thấp Khu công nghiệp Khai Quang; khu nhà ở thu nhập thấp Vinaconex Xuân Mai; khu nhà ở Công ty Honda Việt Nam; khu nhà ở xã hội phường Liên Bảo...
Theo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" của Chính phủ, Vĩnh Phúc được giao chỉ tiêu đầu tư xây dựng 28.300 căn nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, tổng số căn nhà phải triển khai là 8.800 căn; còn lại 19.500 căn sẽ được triển khai ở giai đoạn 2026-2030.
Để đẩy nhanh tiến độ, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, các chủ đầu tư triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc lập Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Vĩnh Phúc 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; lập kế hoạch triển khai cụ thể cho các dự án nhà ở xã hội, phần dự án nhà ở xã hội trong các khu đô thị mới, khu nhà ở theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.
Để hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đề ra, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận tín dụng đối với nhà đầu tư vào các lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân của các khu công nghiệp; rà soát, kiểm soát chặt chẽ các chủ đầu tư nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội; rà soát, điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để dành diện tích đất phát triển nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Đồng thời tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội; tăng cường hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quá trình lựa chọn chủ đầu tư.
Hiện thực hóa ước mơ
Cũng như nhiều địa phương khác, Vĩnh Phúc đã có thay đổi mạnh mẽ về tư duy, cách làm phát triển nhà ở xã hội; theo đó, phải ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại, chứ không phải không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội.
Từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh đã khởi công 2 dự án và theo kế hoạch năm 2025 sẽ khởi công 6 dự án/công trình nhà ở xã hội với quy mô 2.190 căn. Dự kiến từ nay tới hết tháng 8, mỗi tháng tỉnh sẽ khởi công một dự án. Tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu Thủ tướng giao trước 1 năm so với kế hoạch.
Là một trong những công trình được khởi công xây dựng trong năm 2025, Dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên - giai đoạn 1 có quy mô lớn với 38 tòa nhà, hơn 5.300 căn hộ, tổng diện tích sàn gần 190.000 m2 trên diện tích đất 17 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Công trình nhà ở xã hội Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên là bước cụ thể hóa Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030"; Quyết định số 444 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030.
Theo quy hoạch được phê duyệt, quy mô dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên bao gồm 38 tòa chung cư cao 11 – 15 tầng, xây dựng trên diện tích đất 17,08ha với tổng diện tích sàn xây dựng 489.166m2 và tổng mức đầu tư 6.824 tỷ đồng.
Các tòa nhà nằm tại vị trí trung tâm khu đô thị với kết nối hạ tầng đầy đủ, thuận lợi giao thông. Dự án có thiết kế hiện đại, thi công theo phương pháp sàn dầm bán lắp ghép, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường nên tiến độ thi công nhanh và đảm bảo chất lượng, không gian sống.
Ông Nguyễn Quang Tín, Tổng Giám đốc Tập đoàn DIC cho biết: "Hiện nay, Tập đoàn DIC đã hoàn thành các thủ tục pháp lý và bắt đầu triển khai đầu tư đợt một 5 tòa nhà tại Lô E4-29; 33 tòa nhà tiếp theo sẽ được Tập đoàn DIC lần lượt đầu tư trong giai đoạn 2025 – 2030.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 5.320 căn hộ, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc, hoàn thành nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về phát triển nhà ở xã hội tại địa phương, đảm bảo an cư cho người lao động cũng như giải bài toán ổn định nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn".
Anh Trần Văn Thủy làm việc tại Công ty TNHH Exedy, khu công nghiệp Khai Quang cho biết: Gia đình anh có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ đã thuê trọ nhiều năm. Gia đình 4 người sống trong 1 căn phòng nhỏ cũng có nhiều bất tiện. Không gian sinh hoạt nhỏ nên các con không có phòng riêng cũng như điều kiện học tập thoải mái. Do nguồn thu không ổn định, chi phí sinh hoạt lại cao (mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng) nên ước mơ có một ngôi nhà là điều anh không dám nghĩ đến.
Tuy nhiên, sau khi biết đến chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động của tỉnh, anh Thủy như thắp lên niềm hi vọng một ngày nào đó gia đình anh sẽ có cơ hội được thuê hoặc mua nhà ở xã hội. “Tôi rất mong các dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động sớm được triển khai để người lao động thu nhập thấp như chúng tôi sẽ có ngôi nhà của riêng mình, từ đó an cư lạc nghiệp, tạo dựng cho các con môi trường sống tốt nhất”, anh Thủy bày tỏ.
Chung niềm mong ước như anh Thủy, chị Nguyễn Kim Oanh, hiện làm việc tại Công ty TNHH Haesung Vina, khu công nghiệp Khai Quang cho rằng: Việc sớm triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân sẽ tạo điều kiện để những lao động ngoại tỉnh thu nhập thấp như chị có cơ hội được tiếp cận với nhà ở xã hội, qua đó, tạo động lực cho người lao động phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống và cố gắng cống hiến, đóng góp sức lực cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ