Tại phiên thảo luận hội trường về dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi) chiều 5.11, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đánh giá cao tinh thần cầu thị, tiếp thu của Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra; đồng thời cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu tại hội trường chiều 5.11
Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, góp ý 3 nội dung về thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia quy định tại Điều 35.
Thứ nhất, Khoản 1 quy định về các dự án, công trình được thực hiện tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; trong đó có: Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật về đất đai có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc có thời gian hoạt động dài hơn thời gian dự trữ khoáng sản còn lại và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (điểm b).
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, quy định này được hiểu là tất cả dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia theo quy định của Luật Đất đai có thời gian ổn định lâu dài hoặc có thời gian hoạt động dài hơn thời gian dự trữ khoáng sản còn lại phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép mới được triển khai.
“Quy định như vậy chưa phù hợp với thực tế. Bởi, có những công trình nhỏ, như điện, đường, trường, trạm, cống thoát nước, hạ tầng viễn thông... và các công trình cấp bách, nếu phải chờ ý kiến của Thủ tướng mới triển khai sẽ rất khó khăn, kéo dài thời gian không cần thiết”.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến các địa phương có quy hoạch khu vực dữ trữ khoáng sản quốc gia lớn như Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Đắc Nông...
Hơn nữa, “quy định như trên thì công việc của Thủ tướng khi Luật này có hiệu lực sẽ phát sinh rất nhiều và cũng không phù hợp với xu hướng phân cấp thẩm quyền mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước ta hiện nay”, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông nói.
Bên cạnh đó, ngay tại điểm b đã quy định “dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật về đất đai”. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.
Từ những phân tích này, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, cho rằng không cần thiết quy định phải được Thủ tướng cho phép mới được triển khai như dự thảo; đồng thời, đề nghị sửa đổi, bổ sung lại điểm b Khoản 1 Điều 35 như sau: “Dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật về đất đai có thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài hoặc có thời gian hoạt động dài hơn thời gian dự trữ khoáng sản còn lại”.
Thứhai, Khoản 2 quy định: “Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Thời điểm đánh giá được thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, đề xuất chủ trương đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng”.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho rằng, quy định như trên thì tất cả dự án, công trình chấp thuận đầu tư dự án trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đều phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
“Quy định như vậy chưa phù hợp, vì thực tế có những dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, những công trình lợi ích công cộng nhỏ lẻ, quy mô rất nhỏ như đã nêu ở trên thì việc đánh giá là không cần thiết".
Theo đại biểu, chỉ nên quy định đối với những công trình, dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội như điểm a Khoản 1 và khai thác khoáng sản không thuộc đối tượng dự trữ như quy định tại điểm c Khoản 1 mới phải đánh giá mức độ ảnh hưởng. Bởi vì những công trình, dự án và hoạt động này có khả năng tác động, ảnh hưởng đến lớn đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bên cạnh đó, nếu đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng và chất lượng cũng như các giải pháp bảo vệ khoáng sản, thì các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng về nguồn lực, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật, kinh phí thực hiện; đồng thời, các công trình trên sẽ tăng tổng mức đầu tư rất cao, trong khi đó công trình thì rất nhỏ.
Do đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 2 thành: “2. Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định tại khoản 3 Điều này,trừ các dự án, công trình quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều này…”
Thứ ba, Khoản 4 quy định: “Nội dung đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về địa chất, khoáng sản xem xét trong hồ sơ đề nghị quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư”.
Như vậy tất cả dự án quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đều phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
"Quy định này sẽ mất thời gian thực hiện thủ tục, phát sinh chi phí và có thể làm chậm tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh”.
Do đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị, khi Chính phủ quy định chi tiết Điều 35 theo thẩm quyền được giao, cần quy định rõ Khoản 4 theo hướng: Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến đối với các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về đầu tư; Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có dự án đầu tư cho ý kiến đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của tỉnh. Như vậy sẽ phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông cho rằng, các góp ý nêu trên nếu được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu thì chắc chắn rằng địa phương sẽ rất thuận lợi khi thực hiện các công trình dự án, phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân, cộng đồng và góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đức Kiên