Dự án siêu cảng Cần Giờ chạy nước rút để khởi công

Dự án siêu cảng Cần Giờ chạy nước rút để khởi công
một ngày trướcBài gốc
Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ về đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm b, khoản 9, Điều 7 Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Từ đó gỡ khó cho dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (sau đây gọi là cảng trung chuyển Cần Giờ).
Trong động thái mới nhất, ngày 26-3, Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn (trong liên danh đầu tư) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, trong đó thông tin đặc biệt liên quan đến dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Chuẩn bị khởi công siêu cảng Cần Giờ trong năm nay
Đại diện cảng Sài Gòn cho biết đang làm việc với các sở ngành để hoàn tất thủ tục pháp lý, lựa chọn nhà đầu tư và triển khai xây dựng.
Về tài chính, cảng Sài Gòn sẽ xây dựng kế hoạch huy động vốn và phân kỳ đầu tư cho cảng Cần Giờ. Theo lộ trình, doanh nghiệp sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Phối cảnh siêu cảng Cần Giờ. Ảnh: Portcoast
Trao đổi với PV PLO, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ thông tin cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là một trong những siêu dự án đánh thức các tiềm năng, thế mạnh rừng vàng, biển bạc của Cần Giờ, phát huy vị trí cửa ngõ phía Đông quan trọng của TP.HCM. Đồng thời là hạt nhân quan trọng, mang tính chất quyết định tương lai phát triển kinh tế biển của huyện Cần Giờ và TP.HCM nói chung.
Thời gian qua, huyện Cần Giờ đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp quan trọng như công tác quy hoạch, hạ tầng giao thông, cải thiện hệ thống kết nối vùng, và thu hút nguồn lực đầu tư... nhằm đảm bảo tiến độ cho dự án. Cần Giờ sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển mới, trở thành đô thị sinh thái, thông minh và hiện đại của TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ.
Cạnh đó, cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ cho địa phương.
Vị trí dự kiến làm cảng trung chuyển. Ảnh: Portcoast
Còn theo Sở Giao thông công chánh TP.HCM (GTCC), hiện nay, sở này và các sở ngành, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch thực hiện đề án Nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và kế hoạch triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Hồi tháng 1-2025, Thủ tướng đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Dự án sẽ sử dụng 571 ha đất, trong đó có gần 83 ha đất rừng được chuyển mục đích, tổng mức đầu tư trên 50.000 tỉ đồng. Vị trí thực hiện ở cù lao Gò Con Chó (huyện Cần Giờ), thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.
Dự án chia làm 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu hoàn thành năm 2027, hoàn tất toàn bộ cuối năm 2045.
Cạnh đó, TP.HCM cũng đặt mục tiêu sẽ khởi công siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào năm 2025 để đưa vào khai thác cảng từ năm 2027.
Cảng trung chuyển Cần Giờ - cú hích phát triển kinh tế
Trao đổi với PV PLO, TS Huỳnh Phước Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Kinh tế, Luật và Quản lý, ĐH Kinh tế TP.HCM nhận định nếu nhìn tổng thể về chiến lược phát triển logistics thì việc kết hợp cảng Cát Lái - cảng trung chuyển Cần Giờ - cảng Cái Mép Thị Vải cùng với việc phát triển kinh tế ven biển thì vị trí dự kiến xây cảng Cần Giờ sẽ làm gia tăng luồng xuất khẩu và giao thương quốc tế.
"Đây còn là vấn đề liên quan đến việc giải quyết giao thông, tối ưu kết nối và nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu... Cảng trung chuyển Cần Giờ nếu giải quyết được vấn đề về đường sá, giao thông thì sẽ giải quyết được vấn đề hạ tầng logistics rất lớn, đặc biệt là logistics cho xuất khẩu. Trong đó, hệ thống trung chuyển sẽ tận dụng tàu thuyền nhỏ, gia tăng tốc độ vận chuyển đồng thời tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả trong cả luồng và quy mô logistics" - chuyên gia này nhận định.
Cảng Cần Giờ là cú hích phát triển kinh tế. Ảnh: Portcoast
Theo ông Nghĩa, tất cả những yếu tố trên sẽ giải quyết bài toán rất lớn về tầm nhìn và quy hoạch phát triển logistics, đặc biệt là logistics cho vùng xuất khẩu trọng điểm TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là vấn đề nan giải thời gian qua khi chiến lược thu hút FDI và đẩy mạnh xuất khẩu đóng vai trò then chốt trong việc gia tăng GDP của Việt Nam, nhất là TP.HCM. Giải pháp này không chỉ giải quyết nút thắt hạ tầng mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
Cạnh đó, việc phát huy tiềm năng Cần Giờ, đặc biệt là khơi dậy tiềm năng hệ sinh thái ven biển hiện có, sẽ là bước đột phá quan trọng. Cần Giờ đối mặt với thách thức bảo tồn hệ sinh thái biển, nhưng nếu phát triển đúng cách, gắn liền với logistics và các dịch vụ đi kèm, sẽ tạo ra giá trị gia tăng mạnh mẽ cho nền kinh tế địa phương.
Cảng trung chuyển Cần Giờ không chỉ là điểm nối giao thương giữa miền Tây, Bà Rịa - Vũng Tàu và các cảng TP.HCM, mà còn là cú hích cho sự phát triển kinh tế khu vực. Khi hạ tầng giao thông được kết nối, các dịch vụ sinh thái và kinh tế Cần Giờ mới thực sự bứt phá, mở ra tương lai tươi sáng cho cả vùng ven biển.
TS Huỳnh Phước Nghĩa
Mặt khác, cảng trung chuyển Cần Giờ không chỉ có chức năng trung chuyển hàng hóa, mà còn là cảng du lịch, cảng phát triển các dịch vụ đa dạng. Việc xây dựng cảng sẽ mở ra cơ hội cho ngành du lịch sinh thái và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng chưa được chú trọng của Cần Giờ.
"Đây không chỉ là một cảng biển mà còn là một trung tâm kết nối, nơi giao thoa giữa logistics và du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế và làm nổi bật những điểm mạnh vốn có của vùng đất này" - TS Nghĩa nói.
Ông Nghĩa đánh giá đây là một đề án đã được mang ra bàn bạc suốt nhiều năm, vấn đề chủ đầu tư và các giải pháp kinh tế vận hành vẫn là những thách thức cần được giải quyết. Dù vậy, ý nghĩa kinh tế của dự án là không thể phủ nhận, rõ ràng và đầy tiềm năng.
Quy hoạch Cần Giờ đến nay vẫn giữ vững tầm nhìn về một đô thị sinh thái kết hợp dịch vụ, là sự hòa quyện giữa bảo tồn và phát triển. Nếu được thu hút và ưu tiên đầu tư đúng mức, Cần Giờ sẽ trở thành một đô thị sinh thái mới, độc đáo, vừa gìn giữ giá trị thiên nhiên, vừa tối ưu hóa tiềm năng biển cả.
Cần Giờ sẽ là đô thị sinh thái độc đáo của TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Tiến
Nói về tương lai của Cần Giờ khi có cảng trung chuyển, ông Nghĩa kỳ vọng trong 10 năm tới, khi Cần Giờ trở thành đô thị sinh thái hiện hữu, nó sẽ là diện mạo độc đáo và mới mẻ của TP.HCM. Ngay cả khi có kết nối với Vũng Tàu thì Cần Giờ vẫn giữ được bản sắc đô thị sinh thái, nơi phát triển bền vững đi đôi với các dịch vụ hiện đại.
Trong chiến lược phát triển của TP.HCM, công nghiệp công nghệ cao sẽ là trọng tâm với trọng điểm nặng về dịch vụ tài chính, logistics và dịch vụ lưu trú... Cần Giờ với vị trí chiến lược sẽ là yếu tố then chốt, góp phần thúc đẩy sức bật kinh tế cho cả khu vực Nam TP.HCM.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/du-an-sieu-cang-can-gio-chay-nuoc-rut-de-khoi-cong-post841927.html