Dự án tái định cư dính nhiều vi phạm

Dự án tái định cư dính nhiều vi phạm
một ngày trướcBài gốc
Nhiều vi phạm
Dự án mở rộng khu tái định cư Hoàng Văn Thụ được khởi động từ năm 2014, có quy mô trên 5,8ha, tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng, nhằm phục vụ chỗ ở cho khoảng 1.084 người dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều vi phạm, nhất là ở khâu thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng.
Một góc dự án mở rộng khu tái định cư Hoàng Văn Thụ (xã Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn).
Theo Kết luận của Thanh tra tỉnh Lạng Sơn, dự án không có trong danh mục dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác năm 2015 kèm theo Nghị quyết số 161/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lạng Sơn. Tại danh mục dự án phải thu hồi đất năm 2015 kèm theo Nghị quyết số 162/NQ-HĐND, thể hiện quy mô sử dụng đất dự án 2,5ha, có dự kiến các loại đất thu hồi, nhưng không có thông tin về diện tích đất trồng lúa dự kiến thu hồi.
Năm 2015 đến trước tháng 7/2021, UBND huyện Cao Lộc (cũ) đã ban hành các quyết định thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân, với tổng diện tích 42.187,1m2, vượt 17.187,1m2 (trong đó có 2.411,4m2 đất trồng lúa) so với quy mô sử dụng đất của dự án tại Nghị quyết số 162/NQ-HĐND. Cơ quan Thanh tra khẳng định, việc thu hồi đối với diện tích 17.187,1m2 và thu hồi 2.411,4m2 đất trồng lúa khi chưa có Nghị quyết của HĐND tỉnh phê duyệt là không đảm bảo quy định.
Đoàn Thanh tra cũng phát hiện, UBND huyện Cao Lộc (cũ) ban hành quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ đối với 15 trường hợp (tổng diện tích 4.062,5m2) không đúng người sử dụng đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đáng chú ý, 5 hộ không có quyết định thu hồi đất vẫn được lập phương án bồi thường.
Đặc biệt, qua thanh tra cho thấy, dự án có 10 hộ gia đình, cá nhân xây dựng công trình nhà cửa, vật kiến trúc trái phép trên đất nông nghiệp, không đủ điều kiện được bồi thường công trình, vật kiến trúc. Tuy nhiên, UBND huyện Cao Lộc (cũ) đã phê duyệt phương án bồi thường nhà ở, công trình vật kiến trúc trên đất cho 10 hộ gia đình, cá nhân với tổng số tiền 2 tỷ 887 triệu đồng, không đúng quy định tại Điều 92 Luật Đất đai năm 2013.
Sau khi phát hiện sự việc, UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo áp dụng hình thức hỗ trợ từ 50% - 80% giá trị công trình tùy từng thời điểm xây dựng. Sau đó, UBND huyện Cao Lộc đã rà soát và ban hành 4 quyết định điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với 10 hộ gia đình với tổng số tiền 1 tỷ 415 triệu đồng (giảm 1 tỷ 471 triệu đồng so với phương án được phê duyệt trước khi điều chỉnh), trong đó có hơn 1,2 tỷ đồng đã chi trả cho 7 hộ gia đình, cá nhân. Đến thời điểm thanh tra, UBND huyện Cao Lộc chưa thu hồi được số tiền đã chi trả cho 7 hộ gia đình, cá nhân.
Ngoài ra, theo quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt điều chỉnh dự án tổng quy mô sử dụng đất của dự án là 5,825ha. Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 162/NQ-HĐND và Nghị quyết số 29/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, dự án chỉ có quy mô sử dụng đất là 4,7ha, thiếu 1,125ha so với nhu cầu sử dụng đất của dự án. Thiếu sót trong việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của dự án, tham mưu cho UBND tỉnh Lạng Sơn trình HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận thuộc về sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường). Tuy nhiên, trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và môi trường chưa được kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.
Chỉ yêu cầu rút kinh nghiệm
Theo quyết định phê duyệt ban đầu, dự án có thời gian thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án rất chậm, phải điều chỉnh gia hạn thời gian hoàn thành nhiều lần. Đến thời điểm thanh tra dự án vẫn chưa được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Đến thời điểm thanh tra, dự án được bố trí kế hoạch vốn từ năm 2014 đến năm 2024, là 71,4 tỷ đồng. Trong khi đó, theo quy định, thời gian bố trí vốn cho công trình nhóm B không được vượt quá 4 năm, việc kéo dài đến 11 năm là không đảm bảo quy định.
Đến thời điểm thanh tra, tổng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đã được UBND huyện Cao Lộc (cũ) phê duyệt là 26,2 tỷ đồng, tăng hơn 6 tỷ đồng so với phương án được phê duyệt. Tuy nhiên, UBND huyện chưa lập hồ sơ, trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định.
Một trong những gói thầu được chỉ ra có dấu hiệu vi phạm là gói di dời đường dây 35kV ra ngoài phạm vi dự án, với giá trị trúng thầu hơn 4,1 tỷ đồng. Gói thầu này được chỉ định cho Công ty cổ phần Hoàng Hà. Tuy nhiên, tại thời điểm Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc (cũ) ban hành quyết định phê duyệt kết quả chỉ định thầu, không có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là 1,4 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định rõ là do công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của UBND huyện đối với Trung tâm phát triển quỹ đất huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án. Năng lực quản lý của chủ đầu tư và các chủ thể tham gia dự án còn có hạn chế…
Dù vậy, Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn không yêu cầu tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm mà chỉ yêu cầu UBND huyện Cao Lộc (cũ) chỉ đạo các cá nhân có liên quan rút kinh nghiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ trên cương vị công tác mới. Lý do được đưa ra là xét các thiếu sót, vi phạm xảy ra chủ yếu trong giai đoạn 2014 - 2021 và UBND huyện chấm dứt hoạt động từ ngày 1/7/2025.
Đức Sơn
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/du-an-tai-dinh-cu-dinh-nhieu-vi-pham-10311198.html