Dự án Thủy điện Suối Chăn 2: Cần làm rõ các tác động môi trường dự án có thể gây ra

Dự án Thủy điện Suối Chăn 2: Cần làm rõ các tác động môi trường dự án có thể gây ra
3 giờ trướcBài gốc
Dự án Thủy điện Suối Chăn 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng VIDIFI làm chủ đầu tư
Theo tìm hiểu, dự án Thủy điện Suối Chăn 2 do Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng VIDIFI làm chủ đầu tư, được triển khai tại các xã Sơn Thủy, Võ Lao, Nậm Dạng và Khánh Yên Thượng, thuộc huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, với tổng diện tích sử dụng đất lên đến 726.133,69m². Trong đó, diện tích thuê đất là 645.137,6m², và diện tích bổ sung đợt này là 80.996m² (gồm diện tích mặt đất 66.926m² và diện tích đất ngầm 14.070m²).
Dự án có công suất thiết kế ban đầu là 14MW và đã chính thức đi vào vận hành từ năm 2017. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng nguồn nước của lưu vực suối Chăn, doanh nghiệp đã đề xuất nâng công suất từ 16MW lên 24MW, đồng thời phát triển thêm các hạng mục kỹ thuật phụ trợ.
Sau khi xem xét dòng chảy và tổn thất nước, công ty đã xin điều chỉnh công suất nhà máy thủy điện Suối Chăn 2 từ 14MW lên 16MW. Mức nước hạ lưu của suối cũng được thay đổi từ +83,6/101,6m xuống +77,5/86m và đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3267/QĐ-BCT ngày 10/09/2018. Cùng ngày, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 5126385656 thay đổi lần thứ 8, cho phép điều chỉnh công suất dự án từ 14MW lên 16MW.
Đến ngày 04/10/2022, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh nâng công suất thiết kế của nhà máy lên 24MW, với sản lượng điện bình quân năm tăng từ 66,88 triệu kWh lên 81,76 triệu kWh. Sau đó, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư vào ngày 24/06/2024.
Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Năng lượng VIDIFI với sự tư vấn của Trung tâm Thông tin – Kinh tế tài nguyên nước đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Theo báo cáo, dự án có thể đối mặt với các tác động về môi trường nước, đất đai và thay đổi dòng chảy hạ lưu suối Chăn. Các hạng mục chính của dự án bao gồm tuyến năng lượng, cụm nhà máy, hệ thống phân phối điện, và các công trình phụ trợ.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra các hoạt động có thể tác động tiêu cực đến môi trường, đặc biệt là yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ. Những tác động từ các hoạt động chuẩn bị và triển khai xây dựng, như hoạt động của phương tiện cơ giới, san lấp mặt bằng, phá đá, đào đất và xây dựng công trình, cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Các tác động chính sẽ ảnh hưởng đến môi trường không khí, nước, đất, hệ thống giao thông địa phương, cảnh quan tự nhiên và cộng đồng dân cư trong khu vực. Các nguyên nhân gây tác động bao gồm tiếng ồn, độ rung, bụi, khí thải từ các phương tiện máy móc, ô nhiễm nước mặt và đất do dầu rò rỉ, sạt lở, xói mòn đất, biến đổi dòng chảy suối và chất thải xây dựng.
Cũng theo báo cáo, trong suốt quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã đề ra nhiều biện pháp bảo vệ môi trường. Các biện pháp này được áp dụng trong cả giai đoạn chuẩn bị, thi công và vận hành dự án. Ví dụ, đối với nước thải sinh hoạt của công nhân, công ty đã xây dựng ít nhất hai nhà vệ sinh có bể tự hoại ba ngăn, đảm bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Đối với nước thải xây dựng, công ty đã thiết lập các hố lắng để xử lý nước trước khi tái sử dụng, không xả ra ngoài. Hệ thống thu gom và thoát nước mưa cũng được thiết kế hợp lý để đảm bảo không gây ô nhiễm.
Trong giai đoạn vận hành, công tác quản lý và xử lý nước thải tiếp tục được duy trì nghiêm ngặt. Các biện pháp kiểm soát bụi, khí thải, quản lý chất thải rắn và nguy hại, giảm thiểu tiếng ồn, cũng như các biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường sẽ được triển khai đầy đủ và hiệu quả. Dự án cũng thực hiện các chương trình giám sát và quan trắc môi trường trong suốt quá trình thi công và vận hành.
Theo các chuyên gia trong ngành điện, việc điều chỉnh công suất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên nước mà còn gia tăng sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu của địa phương và cung cấp cho lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, sự thay đổi quy mô này phải đánh giá toàn diện từ các góc độ quy hoạch, môi trường và xã hội.
Liên quan đến tham vấn cấp giấy phép môi trường của dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm rõ các tác động mà dự án có thể gây ra và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Trước đó, vào năm 2022, Bộ Xây dựng đã yêu cầu bổ sung đánh giá tổng thể về bậc thang thủy điện trên suối Chăn, bao gồm các dự án liên quan, để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả trong phát triển. Bộ cũng yêu cầu bổ sung đánh giá sơ bộ về an toàn của hồ, đập và các công trình liên quan, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình vận hành và bảo vệ an sinh cho người dân vùng hạ lưu.
Về mặt pháp lý, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu rà soát các văn bản pháp luật liên quan và bổ sung các bản vẽ thiết kế sơ bộ, phương án đấu nối vào lưới điện khu vực, hệ thống công trình phụ trợ và hoàn chỉnh thuyết minh điều chỉnh quy hoạch. Đặc biệt, hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cần bổ sung đầy đủ danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án và đánh giá tác động đến các hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc khai thác và sử dụng nguồn nước phục vụ nhu cầu an sinh cho người dân vùng hạ lưu.
Cũng trong năm 2022, trong quá trình vận hành, các ngành chức năng tỉnh Lào Cai đã xử phạt dự án Thủy điện Suối Chăn 2 với số tiền 50 triệu đồng do vi phạm quy định về môi trường và khai thác.
Dự án Thủy điện Suối Chăn 2, với sự điều chỉnh công suất từ 16MW lên 24MW, hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào nguồn cung cấp điện cho khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, các tác động môi trường từ dự án cần được đánh giá kỹ lưỡng và kiểm soát chặt chẽ. Việc hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường sẽ là yếu tố quyết định trong việc cấp Giấy phép Môi trường, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của dự án và khu vực.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/du-an-thuy-dien-suoi-chan-2-can-lam-ro-cac-tac-dong-moi-truong-du-an-co-the-gay-ra-722368.html